Phiên chợ quê

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không chỉ là nơi mua bán hàng hoá như ở miền xuôi, phiên chợ 25 Tết trên vùng quê núi Lục Yên còn là nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm mang nét đặc sắc riêng của một vùng văn hoá. Đã bao năm rồi xa quê mà cứ sắp đến tết, lòng tôi lại nao nao nhớ về phiên chợ tết xưa…

Như đã thành thông lệ, ở đất này cứ vào ngày 25 tết, chẳng kể nam phụ lão ấu các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao…, tất cả rộn ràng trong váy áo xúng xính xuống phiên chợ ngày 25 tết. Chợ 25 tết có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết đã từ lâu lắm, người vùng này còn nhớ câu các cụ xưa truyền lại: "Sống trên đời phải tới chợ 25". Mẹ tôi thì kể, từ khi gia đình tôi chuyển về đây, mẹ đã thấy phiên chợ 25 năm nào cũng tấp nập như vậy. Thôi thì hàng hoá, sản vật quê nhiều ít thế nào, chợ đông ra sao cũng phải đi cho kỳ được. Đi để ngắm, để xem cho thú con mắt. Còn người xa quê lâu ngày như tôi, ngoài cái thú xem ngắm còn là cơ hội gặp gỡ bạn bè và hiểu thêm sự đổi thay trên quê núi. Người xa đến chỉ nhìn chợ quê tấp nập đã vui rồi mà lại với tôi, cả tuổi thơ đã gắn liền với những phiên chợ 25 tết thì cảm giác càng bồi hồi khó tả.

 

Nhớ ngày ấy, mỗi lần đi chợ cùng mẹ, được mẹ mua cho dăm quả chuối ngự tiến, chục trái hồng không hạt vàng ươm, thưởng thức vị ngọt ngào mà thấy hơn bao cao lương mỹ vị trên đời. Khi con cá, lúc buồng chuối…cứ vào phiên chợ tết này, mẹ mang ra chợ bán rồi mua lá dong, gạo nếp về gói bánh. Chợ ngày ấy còn nhỏ lắm. Sau một hồi dạo chợ được mẹ dúi vào tay mấy chiếc kẹo cồ giòn tan là chúng tôi leo tót lên cây phượng vĩ gần cổng ngắm chợ. Người các xã trong huyện nườm nượp đổ về. Các cô gái Tày ở Mường Lai, Tân Lĩnh kĩu kịt trên vai những sọt cam vàng tươi. Hồng không hạt vàng ối đưa từ Vĩnh Lạc lên xen lẫn những nải chuối xanh. Rồi các sản vật của núi rừng: măng hốc, măng nứa…tươi, khô; trám tươi, hạt dổi… Đám gà, vịt, lợn nhốn nháo khi có người đến hỏi thăm. Gà thiến và lợn lửng ở đây ngon nổi tiếng (Chẳng thế mà người ta có câu: "Rượu Bắc Hà, gà Lục Yên"). Và kia nữa, những sọt khoai tím của đồng bào Dao vùng cao Khai Trung, Tân Phượng tròn căng múp míp, hầm xương ngon phải biết! Những hàng lá dong xanh mướt và cả dãy ống giang làm lạt buộc bánh chưng xếp ngay ngắn như điểm thêm đường viền cho bức tranh chợ quê.

 

Năm tháng qua đi, cùng với sự đổi thay của quê hương, chợ giờ đã được xây dựng to đẹp, khang trang hơn xưa rất nhiều và càng tấp nập hơn. Các sản phẩm từ lúa, ngô được chế biến cầu kỳ hơn để chiều lòng thực khách. Những hàng bánh chưng, bánh dày, bánh rán, bánh gai nhan nhản và cả bánh mứt, kẹo phong phú đủ loại. Rượu ở đây được nấu từ gạo quê thứ thiệt nên uống rất êm. Người dân quê nấu rượu không mong lời lãi mà chỉ kiếm chút bỗng rượu chăn nuôi lợn. Còn nếu ai để ý hơn mua được thứ rượu nấu từ bột cây đao ở trên rừng sẽ được thưởng thức thêm hương vị nồng say của núi. Các quán phở gà, phở nhừ giờ đã mọc thành dãy phục vụ nhu cầu tại chỗ cho thực khách.

 

Nhìn những hàng tranh phiên chợ tết này, tôi càng nhớ tết xưa. Cùng mẹ đi sắm đồ ăn cho ngày tết vào phiên chợ 25, năm nào tôi cũng nài mẹ mua cho đôi câu đối, mấy bức tranh dân gian lợn, gà, cá chép giản dị mà đẹp về trang trí nhà ngày tết. Nhưng háo hức nhất vẫn là khi mấy anh em được mẹ dẫn đi mua sắm quần áo tết. Mặc hết tết giặt sạch lại cất vào tủ, một bộ quần áo mặc được cả vài năm. Không đồ chơi đủ loại như đám trẻ hôm nay, chúng tôi với mấy đồng xu, hòn gạch đánh đáo hay viên bi ve…đã vui đến quên cả chợ chiều. Rồi chuyện đụng lợn. Tiếng lợn kêu eng éc từ đầu làng cuối xóm vẫn còn nghe. Những bữa cơm mổ chung lợn, người lớn làm bữa lòng nhắm rượu, đám trẻ được miếng tiết, miếng gan, trong lòng đã như mở hội. Cái cảnh đụng lợn chiều ba mươi giờ đã thưa vắng dần, trong lòng thấy luyến tiếc một cái gì đó, nó man mác, bâng khuâng. Vì giờ chỉ cần một ngày ra chợ tất cả mọi thứ đều có. Tuy nhiên, những phiên chợ 25 vẫn đông vui, tấp nập vì lòng người vẫn thế, cái tình quê hồn hậu, đậm đà! 

 

Những sản vật của quê hương có từ phiên chợ tết xưa, tết nay cũng vẫn đủ đầy như thế! Phiên chợ tết này lại có thêm những cây quất vàng rộm, cành đào hồng thắm từ Hà Nội lên hay hoa cúc, hoa ly, hoa hồng từ Yên Bái vào cùng biết bao hàng hoá bốn phương đổ về, nhưng vẫn không làm phai nhạt đi phong vị riêng có của phiên chợ tết quê.

 

Mạnh Hưng

 

Các tin khác
(Ảnh: tuyengiao)

Từ việc được đọc, được học, được nghe giảng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu trong nhà trường, với thế hệ chúng tôi mỗi lần đọc lại bài thơ ấy vẫn như thước phim thời sự nóng bỏng, hôi hổi chuỗi thông tin chiến trường và sống động khúc ca trữ tình cách mạng reo vui muôn nốt.

Phim dự kiến ra rạp từ 17-5.

Phim "Vầng trăng thơ ấu" kể về thời thơ ấu của Bác Hồ được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” vào ngày 4 - 5/5/2024.

Dự kiến trong 2 ngày 4 – 5/5, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN

“Theo dấu chân Người” là chủ đề chuỗi hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 5/2024, hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024); 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục