Lễ Cầu làng vui trở lại xứ Gốc gạo
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo phong tục truyền thống của người Dao nơi đây từ ngàn xưa, lễ Cầu làng được tổ chức hai lần một năm vào tháng 2 và tháng 12 Dương lịch. Bất kể là ngày tốt hay ngày xấu trong tháng 2 thì ngày mồng 2 vẫn được coi là ngày phúc sinh để tổ chức. Còn ngày phúc sinh trong tháng 12 phải do trưởng họ hay chủ tế xem xét kỹ lưỡng. Nếu trong bản có người chết đúng ngày phúc sinh thì lễ hội phải hoãn lại để chọn ngày khác.
Bà cháu.
|
Khác với các thôn bản khác trong xã, hơn 10 năm nay, dân tộc Dao ở thôn 6 xã Tân Hợp (huyện Văn Yên - Yên Bái) còn gọi là xứ Gốc Gạo, đã không tổ chức lễ Cầu làng vì nhiều lí do khác nhau. Đứng trước nguy cơ mai một những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo, thực hiện nghị quyết của Đảng về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, năm 2009, được sự quan tâm của Đảng uỷ xã, các ban, ngành, đoàn thể xã Tân Hợp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong thôn, các già làng chủ trương khôi phục lại lễ Cầu làng vào ngày 11/4 Dương lịch.
Sau nhiều năm, xứ Gốc Gạo đã gần như quên mất việc đến thắp hương tại miếu thôn vào ngày rằm hàng tháng. Cho nên, việc đầu tiên thầy cúng làm là bốc lại bốn bát hương để thờ tự. Bàn thờ của người Dao độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc, giản dị như cuộc sống của họ. Bàn thờ gồm có hai tầng, tầng trên đặt 3 bát hương chung cùng một hàng để thờ thành hoàng làng, tầng dưới là bát hương đại thờ thần linh thổ địa. Sáng ngày đã chọn, tất cả những già làng, những ông trưởng họ cùng với đại diện của các hộ gia đình kéo về nhà ông chủ chứa, cùng nhau chuẩn bị cho ngày lễ những thứ cần thiết, như: đồ cúng, những lương thực, thực phẩm, bánh trái dành cho bữa ăn trưa.
Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ Cầu làng gồm có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Đúng giờ đẹp, giờ tốt, phần chính lễ được bắt đầu. Những đồ lễ mang tính dân tộc, theo tập quán của người Dao trắng được bày ra một chiếc bàn dài, nơi được coi là chỗ trang nghiêm nhất. Lễ vật rất gần gũi, thân thuộc với cuộc sống của người dân hàng ngày gồm: đầu, đuôi, gan của con lợn, đĩa muối, đĩa gạo, hoa quả, bánh kẹo, ba bát xôi, nhưng mỗi bát chỉ có một nhúm.
Điều đặc biệt trong các lễ vật cúng thần linh là bát xôi ngũ sắc: đen, đỏ, tím, vàng, trắng - tất cả đều là sắc màu của thiên nhiên được con người dùng làm dấu hiệu để căn cứ vào đó dự đoán những việc sắp diễn ra. Ví dụ màu đen, miêu tả những đám mây khi trời sắp mưa; màu tím có nghĩa là trong bản sắp có bệnh tật...
Ông chủ lễ bắt đầu ngồi xuống ghế và bài cúng Cầu làng được cất lên bằng những câu cầu may cho dân trong làng sang một năm mới có nhiều điều tốt đẹp, cho con người luôn khoẻ mạnh, no ấm; cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt; cầu cho gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh... Ngoài ra, Cầu làng cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu.
Phần lễ đơn giản nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, không có yếu tố mê tín, dị đoan, mang tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết trong bản. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ Cầu làng còn nhắc nhở con người phải biết sống đúng đạo lý, gắn với tình làng, nghĩa bản. Phần hội với những âm thanh của tiếng trống, tiếng kèn vang lên khắp thôn, tạo ra một bầu không khí vui tươi như muốn cuốn hút các bản làng khác cùng tham dự và báo hiệu lễ Cầu làng đã vui trở lại. Hoà chung vào âm hưởng của tiếng trống, tiếng kèn là những điệu múa truyền thống của các trai bản. Họ dường như đẹp hơn và tráng kiện hơn thường ngày trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc.
Trong phong tục của người Dao trắng vẫn còn nhiều quan niệm chưa đề cao vai trò của người phụ nữ nên họ không được phép biểu diễn múa. Tiết mục múa chỉ diễn ra trong ít phút nhưng đã thể hiện được nét độc đáo riêng, là dâng lên các vị thần linh vàng bạc để cầu mong cho mọi người làm ăn phát tài, phát lộc và đó cũng là tấm lòng thành kính với trời đất, tổ tiên.
Già làng Đặng Văn Gạo vui mừng cho biết: “ Đã từ rất lâu rồi, cả bản mới thực sự được sống trong không khí lễ hội tràn ngập và cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của buổi lễ. Mong ước lâu nay của đồng bào giờ đã thành hiện thực. Đây sẽ là động lực thôi thúc mọi người quyết tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc”.
Xứ Gốc Gạo lễ Cầu làng đã vui trở lại. Gìn giữ những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc cũng là cách để động viên đồng bào sản xuất và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Nguyễn Minh
Các tin khác
Nam diễn viên Mỹ Wayne Allwine, người lồng tiếng cho nhân vật hoạt hình nổi tiếng chuột Mickey trong suốt 32 năm qua, vừa qua đời ở tuổi 62.
Theo hãng tin Telegraph sáng nay, 22-5, tại London đã diễn ra Lễ trao giải Giải thưởng âm nhạc Ivor Novello 2009. Nhóm nhạc Elbow đã xuất sắc giành 2 giải thưởng quan trọng gồm Ca khúc hay nhất và Ca khúc đương đại hay nhất.
YBĐT - Ám ảnh mãi trong tôi câu chuyện tình ngang trái, thủy chung của một đôi trai tài gái sắc ở một bản Thái. Nàng Hiến Hom và chàng Cầm Đôi. Họ yêu nhau, nhà Cầm Đôi nghèo nên không có "cá hua" (tiếng Thái là tiền thách cưới) mà phải tạm xa nhau với những câu hẹn thề sâu nặng.
Bảo tháp có thiết kế hình lục giác, cao 40 mét, gồm 1 trệt và 9 tầng lầu. Tổng kinh phí xây dựng vào khoảng 12 tỷ đồng.