Nếp ngần

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã lâu lắm rồi không trở về thăm quê cũ, nơi những ngôi nhà sàn lúp xúp chạy dọc theo triền đồi trong thung lũng, nơi có cánh đồng nho nhỏ bên con suối nhỏ. Buổi sáng hôm nay trở lại, tất cả như quen mà như lạ, ngay cả cái mùi thơm ngọt ngào nếp mới cũng như mời gọi con người ta về cái thời không xa ấy.

Ngày ấy, tôi còn bé xíu. Cứ mỗi độ thu hoạch lúa mùa lại cùng lũ bạn nhấm nháy trốn ngủ trưa đi mót lúa ngoài đồng. Những bông lúa rơi vãi được chúng tôi tập trung lại, phơi khô rồi đem rang. Nhìn ngọn lửa phừng phừng đầy hứa hẹn, rồi cũng đến lúc những hạt lúa nổ lụp bụp trên chảo bông xòe trắng muốt. Khi những hạt thóc nổ bùng khắp chảo cũng là lúc lũ trẻ tranh nhau chọn lấy những hạt nổ to rồi từng vốc, từng vốc tống đầy căng mồm, giòn tan, thơm ngon đến lạ lùng. Thứ thóc rang đó chính là nếp ngần, một giống lúa bản địa, ngon, dẻo và thơm đến nao lòng. Thân lúa cao, mảnh dẻ nhưng rất mềm và dai, dù bị gió quật cũng không bao giờ gẫy nát mà chỉ rạp mình, cây bên cây nương tựa.

Nếp ngần thường được cấy vào vụ mùa. Những bông lúa tốt nhất dành làm giống từ vụ trước được đem xuống khỏi gác bếp, tuốt lấy hạt và cho vào trong sọt có lót lá dong hoặc lá chuối rừng đem ngâm dưới ao, dưới suối trong một tuần lễ. Sau đó những sọt lúa ngâm được vớt lên để sẵn trên các bờ ruộng đợi ngày nẩy mầm. Đất làm ruộng mạ phải là những chân ruộng tốt, sau khi được cày bừa kỹ, đất được chia luống và gieo mạ. Vì nếp ngần thơm nên hạt giống dù đã nẩy mầm nhưng vẫn là thứ thức ăn đầy hấp dẫn đối với chim chóc và chuột đồng.

Sau một tháng mười ngày, khi mạ đã lên xanh và cứng cáp, cây dài chừng hai lăm phân là lúc bắt đầu cấy lúa. Giống lúa này rất lạ, không cấy xén từng vầng như các loại thông thường mà phải dùng tay nhổ bật gốc, rũ sạch đất, bó thành từng bó nhỏ rồi cắt bớt ngọn để kích thích sinh trưởng. Những bó mạ sau khi xiên thành từng xâu được đem đi ném rải trên khắp các thửa ruộng, tiện cho người đi cấy. Sau lần làm cỏ thứ hai là khi lúa chuẩn bị làm đòng, ruộng đã đi vào ổn định, thân cây lúa cao nghều, căng tròn đang đợi chờ ngày khai bông.

Giờ đây đồng lúa chẳng khác nào tấm thảm xanh mướt đầy mê hoặc. Chỉ một tuần sau, như có phép thần kỳ, trên thảm đã điểm lốp đốp màu trắng ngà, hương nếp ngần tràn ngập trong gió. Thời kỳ này, mỗi buổi sáng thức dậy, đặt bàn chân trần trên các nhánh cỏ còn ướt đẫm sương đêm, thời gian như quạnh lại bởi hương thơm ngòn ngọt, ngầy ngậy và quyến rũ đến nao lòng của nếp ngần. Phấn đã vào hạt, những bông lúa đang tua tủa như chông giờ lại uốn lưng mềm mại, e lệ và duyên dáng.

Chỉ tháng sau, bông lúa đã trĩu hạt, dáng cong cong như vầng trăng độ đầu tháng. Khi bông đỏ đuôi, bấm vào hạt thấy ứa sữa trắng và có nhân mềm là lúc các pá các mế bắt đầu chuẩn bị làm cốm. Mỗi nhà đều dành một đám ruộng cho công việc đầy quan trọng và ý nghĩa này. Những bông lúa đang thì được cắt về, tuốt lấy hạt, rang thơm lựng rồi đổ vào cối giã cùng lá gừng, lá mía. Những ngày này, trong làng vui như tết, khắp nơi đều thập thình tiếng chày giã cốm. Mọi người kéo đến từng nhà giúp nhau giã, lần lượt từ đầu đến cuối làng. Còn lũ trẻ chúng tôi háo hức lắm, cứ quẩn quanh bên các pá, các mế chứ nhất định không chịu trốn đi chơi như những ngày thường. Chẳng bao lâu, những mẻ cốm đầu tiên đã thành. Những hạt cốm dẻo, xanh, mùi thơm nếp ngần quện với mùi của lá mía, lá gừng làm chúng tôi thèm đến nhỏ cả dãi. Thế nhưng phải đợi sau khi cúng tổ tiên xong mọi người mới được thỏa lòng.

Một tuần sau khi vụ cốm qua đi, hạt lúa đã già hơn, bấm vào không còn thấy sữa là lúc người ta làm gạo luốc. Đây là một thứ gạo đặc biệt và phải làm từ nếp ngần mới ngon. Bông lúa được hái về, luộc chín rồi hong trên gác bếp cho đến khô, sau đó tách hạt và giã nát vỏ trấu, lấy phần nhân sao vàng. Thứ gạo này rất quý và hiếm, chỉ nhà nào cấy nếp ngần nhiều mới làm vì rất hao thóc. Người ta thường dùng gạo luốc để nấu cháo oi (1), đồ xôi, dành làm thức ăn cho người già, phụ nữ sinh đẻ hoặc làm quà cho khách quý... Khi lúa chín mới đúng là kiệt tác của thiên nhiên. Cả đồng lúa lúc này đã chuyển sang màu vàng rực rỡ.

Những thân lúa cao ngang đầu người giờ do sức nặng của bông mà cúi thấp, nghiêng nghiêng đầy duyên dáng. Mỗi khi có gió, cả cánh đồng lại đung đưa nhịp nhàng như các vũ công đang nhảy điệu tăng-gô cổ điển. Nhìn từ cao xuống, đồng lúa lúc này như một biển sóng vàng nhấp nhô, sóng dồn sóng. Lại gần, mùi thơm ngọt của hạt khi vào mùa khiến người ta nao lòng. Giống nếp đặc biệt này không cắt bằng liềm mà dùng bằng hái cắt từng bông, bó lại thành từng hoa lúa trông thật đẹp mắt.

Những cum lúa vàng suộm, xếp hàng bên bờ ruộng khiến ta liên tưởng đến các nàng tiên đang nhún chân xèo váy đón chào ai đó. Lúa để phơi ngoài ruộng vài nắng rồi chuyển về nhà. Những bông lúa to và đẹp nhất được xếp gọn gàng trên gác bếp dành làm giống và làm lương thực dự trữ, phần còn lại được chế biến thành xôi, bánh hoặc cơm lam thơm lựng. Còn nhớ khi đó, mẹ thường xôi những chõ xôi thật đẹp, trong đó dường như chứa đựng tất cả màu sắc của núi rừng và cuộc sống: màu xanh của cây rừng, màu vàng của đất mẹ, màu đỏ của lòng can trường, màu đen của sự huyền bí và cả màu tím của sự thủy chung nữa.

Trong cái rét đầu mùa, ngồi bên bếp lửa đợi xôi chín, lũ chúng tôi vẫn hỏi đùa nhau: "Ai (2) lên chưa?" rồi lăn ra cười nắc nẻ hoặc có những lúc lại lặng lẽ ngồi nghe các pá các mế kể lại những câu chuyện xa xưa về việc mở đất mở mường của dòng họ, chuyện bà chúa Nả, Tạo Khuôn Chương, Tạo Cút... Tất cả những câu chuyện đó cùng hương nếp ngần thơm nồng đã lặng lẽ theo chúng tôi trên khắp các nẻo đường đời. Để rồi mỗi khi xa quê, gặp một mùi hương lạ lại nao nao nhớ về hương nếp ngần thân thương ấy.

Hoàng Thị Thu Hường
(1) Cháo oi: một loại cháo đặc trưng của một số dân tộc vùng Tây Bắc, nấu bằng gạo luốc và vịt bầu.
(2) "Ai" tiếng Tày nghĩa là hơi khói "Ai lên chưa? - Hơi đã lên chưa?" - khi chõ xôi bốc hơi là báo hiệu xôi sắp chín.

Các tin khác
Các nghệ nhân người Mường múa các điệu múa truyền thống, mừng cô dâu mới về nhà chồng.

YBĐT - Mỗi dân tộc có một phong tục, một nét văn hóa riêng trong nghi lễ hỏi – cưới. Đám cưới của người Mường ở Ao Luông (Văn Chấn, Yên Bái) cũng có những điểm độc đáo khác biệt, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của họ.

Các hoa hậu quý bà tại Vũng Tàu 2008.

Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới 2009 (Miss World Pageant) David Z. Marmel và tổng đạo diễn truyền hình Jeffrey Andosky vừa đến TP.HCM để chuẩn bị chọn địa điểm bấm máy 9 phút phim quảng bá đất nước Việt Nam.

Ngọn hải đăng Hercules (Tây Ban Nha).

Ngày 27/6, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã bổ sung thêm một loạt địa danh của châu Âu vào danh sách Di sản thế giới

Sáng 27-6, CLB Ảnh báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức phát động cuộc thi và triển lãm ảnh báo chí toàn quốc chủ đề "Việt Nam hội nhập và phát triển".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục