Chiếc áo của mẹ

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mẹ tôi có chiếc áo dài vải sa-tanh đen như hột xay già óng ánh. Rất ít khi mẹ mặc áo dài, dẫu mỗi lần đi chơi xa, chị tôi đều nhắc: “Áo dài của mẹ để lâu không mặc sẽ cũ đó!”. Mẹ cười xòa: “Mẹ cũng thích mặc áo dài chứ con, nhưng phải mặc đúng lúc nó mới có ý nghĩa”.

Áo dài - Biểu tượng người con gái Việt Nam. (Ảnh: minh họa)
Áo dài - Biểu tượng người con gái Việt Nam. (Ảnh: minh họa)

Theo mẹ thì mặc áo dài vào dịp tết, cưới xin, lễ hội... mới đúng cách. Khổ nỗi, mỗi năm đâu có mấy “ngày trọng đại” để chị em tôi được nhìn ngắm mẹ mặc áo dài và xuýt xoa, thích thú. Vóc dáng mẹ hơi nhỏ nhắn, nhưng bù lại làn da trắng trẻo, gương mặt thanh tú, dịu dàng nên chiếc áo dài làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ thôn quê.

Có những lần mẹ không biết nhờ ai gài nút áo giúp, mẹ phải cầu cứu tôi: “Thằng Út gài nút áo giúp mẹ nhé! Hột nút trên cùng gài vào chiếc khuy áo trên cùng, nhớ chưa?”. Tôi bắc ghế đứng lên gài hột nút áo ở trên nách mẹ xong rồi từ từ gài những hột nút áo còn lại. Đó là những hột nút áo tròn vo, màu trắng đục bằng ngón tay út, có một lỗ nhỏ dùng để xỏ chỉ. Bàn tay nhỏ xíu của tôi và tư thế tôi đứng gài nút áo cho mẹ ngộ nghĩnh lắm! Tôi gài nút rất chậm, nhưng mẹ không bao giờ nôn nóng. Mỗi năm vài lần tôi gài nút áo cho mẹ, nhìn mẹ mặc áo dài là những dấu ấn của tuổi thơ tôi: Tôi cao thêm một chút, tóc mẹ tôi có thêm nhiều sợi bạc.

Mẹ hành hương về quê ngoại thăm ông bà, tộc họ mà thuở chưa lấy chồng mẹ có tên trong gia phả phía ngoại... Cũng có thể đó là ngày cưới của các cậu, dì tôi. Mẹ mặc áo dài trang trọng, chăm chút mái tóc dài búi tròn như quả cam sành. Sau này mỗi lần đi ăn giỗ xa mẹ mặc áo dài và dắt tôi theo.

Đó là những giờ phút tôi thấy mình vui sướng nhất - về ngoại được gặp các cậu, dì được cưng chiều, gặp các bạn nhỏ, tiếp cận với những trò chơi mới đầy hứng thú, nhất là được hái ổi ở nhà cậu Ba ăn ngon làm sao! Cha tôi thì hết bám biển lại bám đồng, quanh năm ông làm bạn với gió mưa để tìm con cá cho mẹ bán chợ gần, chợ xa. Chỉ có ngày tết là cha mẹ cùng mặc áo dài, xách theo chai rượu hình củ tỏi về nhà thờ họ lạy ông bà.

Nhiều năm sau này mẹ tôi vẫn giữ chiếc áo dài năm cũ. Ngày cưới của các anh chị tôi, mẹ mặc chiếc áo dài đen, rồi ngày cưới của tôi, các cháu tôi mẹ cũng giữ nguyên chiếc áo dài một thuở. Mỗi lần mặc áo đi chơi xa về, mẹ giặt cẩn thận rồi mắc vào chiếc tủ gỗ như báu vật. Chiếc áo dài của mẹ đi qua bao năm tháng với những thăng trầm, buồn vui của gia đình - chiếc áo đã gắn bó một đời với cuộc đời mẹ, với chồng con, thân tộc.

Trần Quốc Cưỡng

Các tin khác
Cổng thành nhà Hồ.

TS Đỗ Quang Trọng - Trưởng ban Quản lý di tích thành nhà Hồ (Thanh Hoá) cho biết, ngày 29.9, hồ sơ khoa học di sản văn hoá thành nhà Hồ đã được gửi đến Trung tâm Di sản thế giới tại Paris.

Theo nguồn tin của VietNamNet, bộ phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chính thức được chọn là đại diện cho Việt Nam dự Oscar 2010.

Một trong bốn tập của bộ tiểu thuyết về đời nhà Trần này của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã được Việt kiều Gérard Chapuis, làm việc tại trung tâm Médical Sully tại thành phố Marseille (Pháp) dịch sang tiếng Pháp.

Nghệ sĩ ghi-ta tài năng nước Pháp Thibault Cauvin, được mệnh danh là "đại sứ cách tân của dòng ghi-ta cổ điển" sẽ có một đêm diễn duy nhất tại Hà Nội vào tối 29-9 tại Trung tâm Văn hóa Pháp - 24 Tràng Tiền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục