Người thổi hồn vũ điệu quê hương
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dàn dựng tiết mục múa là công việc quen thuộc hằng ngày của biên đạo múa Hoàng Anh Đậu - Phó giám đốc Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Đòi hỏi ở một nghệ sĩ múa là sự khổ luyện thường xuyên với những cố gắng không mệt mỏi nhưng để biên đạo nên những tác phẩm múa và dàn dựng thành công tác phẩm ấy càng phải khổ luyện hơn - bởi múa là môn nghệ thuật dùng hình thể con người để thể hiện cảm xúc, bộc lộ tình cảm, suy tư… Ấy vậy mà môn nghệ thuật này đã gắn bó với Hoàng Anh Đậu gần 40 năm nay.
Múa vừa là cái nghiệp, vừa là duyên nợ của cuộc đời chị. Hiện nay, chị là một trong số rất ít nữ biên đạo múa của tỉnh nhà đã gặt hái không ít thành công với những tác phẩm mang đậm chất vũ điệu dân gian Tây Bắc.
Lớn lên trong lời ru của bà, của mẹ và theo các anh chị đi múa trong những ngày vui của bản như Hội Lồng tồng, Hội Mừng cơm mới… Hoàng Anh Đậu sớm đam mê những điệu múa quê hương. Thủa còn là một cô bé, Hoàng Anh Đậu đã xa gia đình tham gia vào Đoàn Văn công Nghĩa Lộ, với ý nghĩ "tham gia văn công để được múa và phục vụ kháng chiến". Thế rồi qua thời gian học tập, khổ luyện, từ học sơ cấp múa lên trung cấp đến cao đẳng biên đạo múa của Trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, Hoàng Anh Đậu đã trở thành một diễn viên, một biên đạo múa có nghề: là một người con dân tộc Tày nhưng tác phẩm đầu tay - "Hoa trên bản Thái" do chị biên đạo lại lấy chất liệu múa của dân tộc Thái. Tác phẩm này đã được dàn dựng đi tham dự Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và đạt giải B.
Niềm vui đó là động lực để chị tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công: bằng khen của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam; bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; giải C tác phẩm "Trống gọi mùa" của Hội VHNT Yên Bái năm 2006; giải A tác phẩm "Người con của bản" - Hội VHNT Yên Bái năm 2008; bằng khen của UBND tỉnh và nhiều giấy khen của các cơ quan, đơn vị trao tặng cho những đóng góp tích cực của chị trong phong trào văn nghệ quần chúng…
Năm 1996, Hoàng Anh Đậu được kết nạp vào chuyên ngành múa Hội VHNT Yên Bái. Hiện này chị còn là hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhưng có lẽ, niềm vui lớn nhất với Hoàng Anh Đậu là các tác phẩm của chị luôn được công chúng đón nhận nhiệt tình, bởi trong mỗi tác phẩm, chị luôn gửi gắm vào đó hơi thở, tình yêu của con người Tây Bắc với núi ngàn quê hương.
Là biên đạo múa chính dàn dựng các chương trình diễn của Đoàn, vừa làm công tác quản lý với chức vụ Phó giám đốc Đoàn Nghệ thuật Yên Bái, kiêm thêm Phó chủ tịch Công đoàn phụ trách nữ công, nhiều khi chị còn tham gia cố vấn, dàn dựng cho các chương trình tham gia hội diễn của nhiều ngành trong tỉnh như ngành thuế, công an, ngân hàng, Sở Tài chính, Sở Văn hoá Thông tin và Du lịch, Cục An ninh Tây Bắc…, cố vấn vũ đạo cho các thí sinh tham gia liên hoan tiếng hát Phát thanh - truyền hình Yên Bái… Bộn bề công việc nhưng Hoàng Anh Đậu vẫn sắp xếp thời gian để đi thực tế, sưu tầm chất liệu dân vũ dân gian. Sau mỗi chuyến đi là bao trăn trở, suy tư để khai thác những chất liệu ấy, sáng tạo thành các vũ điệu hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.
Gắn bó với các dân tộc trên quê hương Yên Bái nên chị hiểu rõ trong mỗi điệu múa của mỗi dân tộc đều chứa đựng một ngôn ngữ khác nhau. Điệu múa Then của dân tộc chị là những bước dậm nhẹ nhàng, uyển chuyển thể hiện sự nữ tính, dịu dàng, kín đáo của cô gái Tày; Múa. "Tăng bẳng" lại giống múa võ với nhiều bước nhanh, khoẻ, chính xác, kết hợp với tiếng trống, ống nứa nhịp 3/7 rõ ràng, thể hiện nhịp điệu lao động khoẻ khoắn, mong ước sức khoẻ dồi dào, cuộc sống ấm no… Múa "Cá lượn" của dân tộc Khơ Mú với những vũ điệu mang tính phồn thực lại thể hiện những khát vọng, mong ước ngàn đời về hạnh phúc, tình yêu đôi lứa…
Xa quê từ lúc còn nhỏ nhưng mỗi khi có dịp, chị lại tìm về thăm Bản Tó, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn - mảnh đất đã nuôi lớn chị, cho chị tình yêu với nghệ thuật múa. Chị vui mừng khi trở về lại được thấy những điệu múa của quê mình. Người già vẫn không quên điệu múa then, câu hát lượn và truyền cho lớp con cháu đời sau gìn giữ. Chị cũng đem những điệu múa mình học được dạy cho con cháu, mong sao điệu múa quê mình đẹp mãi, sống mãi.
Là người con của núi ngàn Tây Bắc nên chị rất thành công với những tác phẩm mang đậm nét bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Bắc. Tuy nhiên, không vì thế mà Hoàng Anh Đậu lặp lại chính mình. Hiện nay, chị đang ấp ủ dàn dựng tổ khúc múa "Tây Tiến" để tham dự hội thi hướng tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với nhiều nét mới lạ, những mong làm thoả lòng mong đợi của công chúng yêu nghệ thuật tỉnh nhà.
Anh Thư
Các tin khác
Ngoài ca khúc tự chọn đã đăng ký trước, thí sinh vào vòng chung kết toàn quốc sẽ phải trình bày một ca khúc bắt buộc – đó là nét mới đáng chú ý nhất trong thể lệ cuộc thi Sao Mai năm nay mà Ban tổ chức đưa ra trong cuộc họp báo chiều 22/10 tại Hà Nội.
Ngày 22/10, sau khi xem phim 3D về thiết kế tượng và bục tượng, Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn mẫu tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất, thành phố Hà Nội, thống nhất chiều cao Tượng đài là 5,4m, bệ tượng cao 1,8m.
Buổi trình diễn của ngôi sao nhạc pop người Anh Robbie Williams tại London hôm 20-10 đã được phát trực tiếp tới hơn 250 nhà hát trên khắp châu Âu, lập kỷ lục về một đêm nhạc live được truyền hình tới nhiều nhà hát nhất từ trước đến nay.
Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp cần mở rộng thêm các hoạt động khác như: dạy ngoại ngữ, hội họa, ẩm thực, nhạc cụ dân tộc để người dân hai nước có cơ hội giao lưu văn hoá.