Oóc Om Bóc-Đua ghe Ngo: Ngày hội ở Sóc Trăng
- Cập nhật: Chủ nhật, 1/11/2009 | 12:00:00 AM
Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất cả nước với gần 380.000 người, chiếm 29% dân số, cứ vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, tỉnh Sóc Trăng lại tổ chức lễ hội Oóc Om Bóc-Đua ghe Ngo truyền thống, thu hút không chỉ người dân trong tỉnh mà cả rất đông du khách trong nước và quốc tế về tham dự.
Đua ghe Ngo trong lễ hội Oóc-om-Bóc ở Sóc Trăng.
|
Năm nay, lễ hội Oóc Om Bóc- Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ, diễn ra từ ngày 31/10 - 2/11, là một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer với hàng chục vạn người theo dõi, tham gia trong những ngày chính hội.
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo luôn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về nhiều mặt để đồng bào Khmer vui đón một mùa lễ hội vui tươi, đoàn kết, thực sự đã trở thành ngày hội văn hóa của 3 dân tộc Khmer - Hoa - Kinh tại địa phương.
Thành phố Sóc Trăng trong những ngày qua không khí lễ hội thật nhộn nhịp tưng bừng với nhiều hoạt động như trưng cờ hoa, băngrôn, áp phích quảng cáo trên khắp các đường phố.
Cùng với lễ Oóc Om Bóc và Hội Đua ghe Ngo, tỉnh Sóc Trăng còn tổ chức nhiều hoạt động trong tuần lễ hội từ ngày 26/10 đến hết ngày 2/11; trong đó có Hội chợ Triển lãm thương mại du lịch lễ hội Oóc Om Bóc với sự tham gia của trên 430 gian hàng, chủ yếu là các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm, thiết yếu của đồng bào.
Từ ngày 28/10 đến 1/11, ngành văn hóa tổ chức Hội thi Nghệ thuật quần chúng và trang phục người Hoa với gần 500 diễn viên quần chúng tham gia.
Nét mới của Lễ hội năm nay là Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch giới thiệu ẩm thực truyền thống dân tộc với sự tham gia của 8 huyện, thành phố, có chương trình Giao lưu ẩm thực, trưng bày đặc sản của các địa phương được tiến hành tại Bảo tàng tỉnh trong 2 ngày 1 và 2/11.
Các hoạt động như lễ cúng trăng, thả đèn nước, hoạt động văn hoá văn nghệ cũng được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh.
Tâm điểm của tuần lễ hội năm nay vẫn là ngày hội Đua ghe Ngo truyền thống được người dân cả 3 dân tộc trên địa bàn nói riêng và người Khmer Nam bộ nói chung háo hức chờ đón.
Trong 2 ngày 1 và 2/11, các nội dung đua ghe nữ 600m, 1.000m, đua ghe nam 800m và 1.200m được tiến hành trên sông Maspero với sự tham gia tranh tài của hơn 40 ghe, khoảng 2.000 vận động viên là các tay đua nông dân tham gia đua tài, đưa niềm vui về cho phum sóc, bổn chùa của mình.
Trường đua, khán đài đua ghe Ngo năm nay vừa được tỉnh đầu tư xây dựng mới với kinh phí gần 60 tỷ đồng gồm khán đài với 2.000 chỗ ngồi, sân khấu biểu diễn văn nghệ, bờ kè 2 bên đoạn gần đích đua, giúp người xem dễ theo dõi, cổ vũ đông hơn.
Nhiều người dân Khmer Sóc Trăng khi được hỏi về tâm trạng trước thềm lễ hội đều cho rằng rất vui khi Nhà nước quan tâm, đầu tư đặc biệt cho đồng bào Khmer, xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, đưa nước sạch đến với người dân, trợ giá, trợ cước, hỗ trợ cây, con giống, cho vay lãi suất ưu đãi...
Năm nay, nhiều chùa Khmer có thêm ghe Ngo được đóng mới, mỗi ghe trên trăm triệu đồng, thể hiện sự quan tâm của chính quyền và phong trào xã hội hóa việc trang bị ghe Ngo, tạo sinh khí mới tại các điểm chùa, các phum sóc. Mọi mặt đời sống, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ở khắp nơi trong tỉnh được cải thiện.
Ông Lâm Ren, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết đồng bào Khmer Sóc Trăng đón Oóc Om Bóc trong nhiều niềm vui. Đó là niềm vui của những mùa vụ bội thu mới thu hoạch xong như vụ lúa hè thu đạt cả năng suất lẫn giá cao hơn mọi năm; vụ tôm thắng lớn với trên 80% hộ nuôi có lãi, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay; vụ mía đang thu hoạch cũng cho giá mía kỷ lục, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Tại Los Angeles, gia đình của ông vua nhạc pop Michael Jackson cùng các fan vừa tham dự lễ công chiếu bộ phim tài liệu This Is It nói về những hoạt động cuối cùng của Michael Jackson vào sáng 28-10, theo giờ Việt Nam.
Ngày 28-10, bộ phim tài liệu Michael Jackson: This is it chính thức được công chiếu trên toàn thế giới trong sự mong chờ của hàng triệu người hâm mộ vua nhạc pop.
Với khoảng 20 sự kiện theo dự kiến, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2010 có lẽ không chỉ giúp TP Mỹ Tho nhỏ bé của tỉnh Tiền Giang trở nên nổi tiếng.