“Nghĩa Lộ mùa ban” tập thơ thắm đượm tình thơ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã rất lâu kể từ ngày Nghĩa Lộ, Yên Bái, Lào Cai nhập tỉnh rồi tách tỉnh đến nay, tôi mới có được trong tay tập thơ không dày nhưng cũng đủ đầy tình thơ của những nhà thơ không chuyên sống ở Nghĩa Lộ những lại viết về Nghĩa Lộ với tình cảm tha thiết, đằm thắm trong thi tập “Nghĩa Lộ mùa ban” vừa ra mắt bạn đọc quý IV năm 2009, nhân kỷ niệm 1 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ Nghĩa Lộ.

Mùa ban.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Mùa ban. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Tập thơ là tấm lòng thơ của 11 tác giả trong CLB Thơ Nghĩa Lộ muốn dâng lên ngày kỷ niệm 57 năm giải phóng Mường Lò. Phải chăng họ là những người lắm duyên nợ với thơ, hay đúng hơn khi đặt bút làm thơ, các tác giả CLB đều có chung cảm hứng chân thành với những hồn thơ tươi thắm và khát vọng sự nghiệp đổi mới của quê hương Văn Chấn - Mường Lò trăm thương, nghìn mến và thị xã miền Tây đang từng ngày khởi sắc. “Nghĩa Lộ mùa ban”, thơ nhiều tác giả của CLB Thơ Nghĩa Lộ đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, giáo dục truyền thống tự hào yêu quê hương, yêu con người vùng quê Nghĩa Lộ “gạo trắng nước trong”, giàu lòng yêu nước.

Những bài thơ, vần thơ trong “Nghĩa Lộ mùa ban” như ánh nắng ban mai sưởi ấm tâm hồn lớp người trọn đời gắn bó, yêu thương quê hương Nghĩa Lộ; gắn bó trọn đời theo Đảng từ hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc với những địa danh, con người Văn Chấn - Mường Lò - Nghĩa Lộ “hai sương một nắng”, dũng cảm, kiên cường, lạc quan, tin tưởng dựng xây quê hương, đất nước, xây dựng bản mường, làm nên bao dấu son lịch sử.

Đọc “Nghĩa Lộ mùa ban” lướt nhanh qua 11 gương mặt thơ của những người cầm bút không chuyên có trai, có gái, có trẻ, có già thấy vô cùng xúc động. Ở đây có người đã vào độ tuổi “cổ lai hy” như nhà thơ Nguyễn Thái Dậu, Vũ Mạnh Điệt và cũng có người còn rất trẻ như tác giả Nguyễn Đức Phương (sinh năm 1979), Đoàn Thị Thanh Tâm (sinh năm 1980). Nhà thơ nữ tuy còn hiếm, nhưng “Nghĩa Lộ mùa ban” cũng có sự hiện diện của hai nữ sĩ là Hồng Thắm và Thanh Tâm. Tất cả, tất cả được tạo nên thành tiếng tơ lòng hoà quyện duyên thơ mà nẩy câu, nẩy tứ, tấu khúc dương cầm hoà âm réo rắt, cùng tiếng sáo vút lên trời cao thẳm, nói với mây rằng: “Đời của ta như hoa nở sớm ban mai”. Cả tập thơ bám theo những đề tài, chủ đề chung nhất về cuộc sống thiên nhiên và con người Nghĩa Lộ, về đất nước và lòng kính yêu Đảng, Bác, nhân dân.

Đời là ta và cũng là tất cả để hoà vào trong sắc lá, mùi hương và gié lúa trên nương mà nhớ câu “uống nước nhớ nguồn”, khi đất nở hoa cho ta sự sống. Bởi vậy, 85 bài thơ trong tập “Nghĩa Lộ mùa ban” đều viết về những buồn - vui thật đa dạng, phong phú cả câu từ, thể loại, hình thức thơ ca. Có thơ 2 - 4 - 5 chữ, có thơ tứ tuyệt đường thi, thơ 6 - 8 ca dao ngọt ngào. Mỗi bài thơ là một bông hoa chữ gửi tứ, gửi hồn, gửi chút tình thi sĩ, thi nhân tha thiết với cuộc đời, với đất với trời quê hương Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Mường Lò. Bởi vậy mà sức yếu tuổi cao, 77 xuân rồi Thái Dậu, nhà thơ, nhà giáo vẫn dạt dào cảm hứng:

Bút son vẫn còn chưa cạn
Nghĩa tình thày - bạn bấy lâu
Thu về tứ thơ ẩn náu
Bổng trầm âm điệu mai sau

Nếu xét theo chủ điểm, đề tài và chủ đề chung của tập thơ khi nói về Đảng, Bác kính yêu, ta có thể kể đến 4 bài thơ đó là: Về thăm lăng Bác (Nguyễn Thái Dậu), Thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ (của Trịnh Ngọc Đỗ); Nhớ Bác về thăm và Thăm vườn quả Bác Hồ (Trung Tuyến).

Viết về quê hương, đất nước và con người Nghĩa Lộ, Văn Chấn trong đổi mới, dựng xây có tới hơn 60 bài như: “Nghĩa Lộ tình thơ”; “Tặng anh bông hoa rừng”, “Chè Suối Giàng”, “Miền Tây ngọt ngào”, “Hợp tác xã bản Tín”, “Người đẹp Mường Lò”, “Ruộng trên núi”, “Phố núi”...

Ngoài ra còn có những bài thơ viết về tình cảm riêng tư, tình thầy, nghĩa bạn, lứa đôi, tình người, tình mẹ và người tốt, việc tốt. Đọc “Nghĩa Lộ mùa ban”, ta bắt gặp sự sáng tạo, suy tư, đồng điệu của hồn thi nhân thật phong phú, trữ tình trước cảnh quê hương khởi sắc thay da.

Nhìn đường phố mới lòng phơi phới
Nghĩa Lộ quê em đổi mới rồi

Đọc thơ nhiều tác giả trong “Nghĩa Lộ mùa ban” ta thấy tình thơ dâng tràn, ý thơ sâu lắng và nhà thơ như muốn cởi lòng mình, thổ lộ lòng mình với tình yêu như: Thái Dậu, Mạnh Điệt, Trịnh Đỗ, Kông Tâm, Trung Tuyến, Hồng Thủy, Đặng Hồng Thắm, Đức Phương, Lê Hồng, Văn Kíp và Đoàn Thị Thanh Tâm.
Tập “Nghĩa Lộ mùa ban” chính là tình thơ thắm đượm mối duyên thơ của những nhà thơ không chuyên Nghĩa Lộ, những người không sinh ra ở mảnh đất này nhưng lại gắn bó một đời với miền Tây yêu dấu.

Hoàng Trung Tuyến

Các tin khác
Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan.

“Do thời gian quá gấp nên không chuẩn bị kịp cho cuộc Hoa hậu Thế giới người Việt, thay vào đó, đơn vị tổ chức sẽ trình đề án chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu VN năm 2010”, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà khẳng định với phóng viên báo chí.

Bộ VH-TT-DL vừa phê duyệt dự án xây dựng các trạm vệ tinh của ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam, do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chủ trì, tổng kinh phí lên tới 31 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hai chiếc trống đồng trên là cổ vật có giá trị thuộc trống loại I - Nhóm D Hegơ, niên đại cách ngày nay từ 1.600 - 1.800 năm, có kích thước to nhỏ khác nhau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục