Tấm lòng vàng đá hay nhịp rung động của một trái tim xa xứ?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thật bất ngờ, tôi được đọc tập thơ của một người xa xứ ra đi từ Yên Bái, nhớ về Yên Bái, nhớ về Việt Nam – Tập thơ “Lời ru người xa xứ” của anh Lê Thanh Bình – Nhà xuất bản Lao Động - Hà Nội 2002. Tập thơ chỉ có 24 bài, một số lượng không nhiều so với những tập thơ xuất bản hiện nay. Tất nhiên, nói về giá trị của một tập thơ thì số lượng là điều không cần tính đến. Ngay cả thân thế sự nghiệp của tác giả cũng chỉ là yếu tố phụ trợ cho người đọc mà thôi.

Một góc bến Âu Lâu ngày nay. (Ảnh: Quang Tuấn)
Một góc bến Âu Lâu ngày nay. (Ảnh: Quang Tuấn)

Thực tế, tôi cũng chỉ biết anh Bình qua vài dòng giới thiệu kèm bức ảnh trên trang bìa gấp: Tuổi Giáp Ngọ – Thị xã Yên Bái. Xuất thân chiến sĩ trinh sát bộ đội biên phòng (1973 – 1977). Hiện sống ở Krakow, Cộng hoà Ba Lan.

Mặc dầu vậy, ngay từ những bài đầu, trang đầu nhân danh người Yên Bái, tôi thực sự xúc động và ấn tượng sâu sắc về sự chân thực, chân thực đến mộc mạc như từng thớ gỗ vừa bóc xẻ ra. Thị xã Yên Bái những thập niên 60, 70 dường như chỉ là một điểm hội tụ rất sống động, tụ lại thì ít, toả đi mọi hướng thì nhiều. Các cơ quan công sở, trường học, đến các công – nông – lâm trường, ngay cả nhà riêng cũng đều được gọi lên bằng độ đường dài tính bằng cây số, kể từ trung tâm (khoảng nhà ga, bên kia là cửa hàng ăn uống quốc doanh và bưu điện thị xã). Thế nên:

Yên Bái gặp nhau
Vỗ vai hỏi:
Mày ở cây số mấy?

Đọc ba câu thơ trên thấy mừng rỡ như gặp lại chính mình, nhà mình, Yên Bái mình, gặp lại cả một đời sống xã hội, một thời cách nay đã trên dưới 40 năm. Điều này, người sống ngay trên vuông đất thị xã có lúc nhãng quên vì sự lôi cuốn của bươn chải, vươn tới, nhưng đối với người xa xứ thì nó là nỗi nhớ số một  - Mày ở cây số mấy? Chao ôi! Đài truyền thanh ở cây số 2, Thư viện vào cây số 7, Bệnh viện cây số 15, rồi cây số 7 đường Âu Lâu... Chỉ riêng một ý thơ này đã nói được rất nhiều sự gắn bó tha thiết với quê hương của người xa xứ và sự tinh tế - thơ của người xa xứ làm thơ!

Nhưng điều lớn lao hơn của tập thơ là nỗi nhớ da diết về những con người quê mình, những con người Yên Bái - Việt Nam. Nhân dân ta vẫn có câu nói rất khoa học và tâm lý là “Xa thương gần thường”. Với những người thân, xa nhau một giờ một khắc đã nhớ lắm rồi - Nhớ nhau bổi hổi bồi hồi. Như đứng đống lửa như ngồi đống than - Huống gì đây là quãng đường vạn dặm, quãng thời gian tính bằng năm tháng đời người.

Trong con mắt và nỗi lòng sâu thẳm của Lê Thanh Bình thì cái bắt tay biểu hiện sự gắn bó thân thiết của người Yên Bái rất đặc biệt và khác biệt. Tôi chưa thấy ai nói như anh về cái bắt tay như thế: Cái bắt tay đẹp như mười sợi dây/ Quấn chặt. Rồi: Lòng tay là thị xã/ Các ngón tay xòe ra là những con đường/ Ngón lên Lào Cai, đến với Mường Khương/ Ngón sang Lai Châu, ngón vào Nghĩa Lộ/ Những con đường/ Những ngón tay xòe mở/ Và cổ tay/ Đường về với thủ đô. Và, khi bàn tay úp xuống, những ngón dài rủ xuống đong đưa như tàu lá cọ (Yên Bái và Phú Thọ có nhiều), khi nắm lại, giống như cái quả tròn đầy, chắc ngọt. Tưởng không có gì tình nghĩa, sâu nặng và thơ hơn?

Cũng nói về con người của quê hương, anh có một bài thơ tựa đề trùng với một bài thơ của Tố Hữu khi nói đến mẹ theo cách gọi của người Phú Thọ: Bầm ơi. Vẫn là người mẹ tảo tần, thương con quặn từng khúc ruột, vẫn là người mẹ trong kháng chiến tiễn chồng con ra trận và mở lòng ôm tất cả các con vào vòng tay trong giờ đoàn tụ. Và, trùm lên tất cả là lời ru vừa ngon ngọt, vừa thắt lòng đầy cuốn hút. Anh có một cách nói riêng, mới đấy mà nghe như đã từ nghìn xưa vọng lại, vừa ngon ngọt vừa cay đắng thắt lòng.

...Vẫn thấy bầm/ Dang rộng vòng tay/ Mở đón chúng con/ Ngày ùa về nức nở/ Bầm sẽ lại ru lời thương lời nhớ/ Cả những lời đau đến vỡ lòng/ À ơi.../ Con cò con vạc con nông/ Còn bao con nữa sao không thấy về/ Thôi thì một góc đồng quê/ Mấy sâu rộng... Nhớ mà về à ơi!

Đúng là người con xa xứ quay về mẹ nhớ thương và đúng là người mẹ có con xa xứ đã mỏi mắt trông chờ. Bài thơ này anh viết năm thứ nhất của thế kỷ XXI tại Krakow. Hẳn nơi này có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, nơi đây có kinh đô xưa của Ba Lan, có cố cung Va-ven được Hồng quân Liên Xô bảo vệ, cứu khỏi sự phá hoại của phát xít trong Thế chiến II. Tố Hữu đã viết: Anh đã đến quê em Krakow/ Như quê anh lộng lẫy cung đền/ Hồng quân cứu Va-ven xinh đẹp/ Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên.

Nơi này có tuyết trắng, nắng vàng lai láng. Nơi này có tiếng đàn thiên tài của Sô-panh, có thi sĩ tầm nhân loại Mickiêvich, có mái tóc vàng, có bước chân son... Có lẽ vì thế nỗi nhớ của người xa xứ càng chất chồng, da diết. Chỉ một ngọn lửa của rừng nương trước đây thường gặp cũng làm anh cháy bỏng khát khao! Trong con mắt anh, ngọn lửa vừa thiêng liêng, vừa mãnh liệt, vừa ấm áp diệu huyền... Lửa đuổi hổ về rừng, lửa thổi thành thác, thành bão tố, lửa được ban từ tay bà chúa Thượng Ngàn cho trai thanh gái lịch, mạnh như gấu, đẹp như hoa. Nõn nõn/ Nà nà/ Bàn tay dẻo/ Gieo tình yêu xanh rừng/ Bàn tay mềm/ Gieo tình yêu xanh núi/ Bàn tay thơm/ Gieo thơm ngàn con suối/ Gieo nên những bản, những mường/ Ơ, lửa thiêng của núi/ Ơ, lửa thiêng của rừng/ Ơ, lửa thiêng của truyền thuyết hào hùng/ Đốt nữa lên đi cho người xa nhớ với/ Cháy lên đi, cháy nữa... Lửa rừng ơi!

Một trái dứa bình dị với anh cũng đẹp, cũng ẩn chứa nhiều bản chất giữa cõi nhân sinh. Trái dứa lớn lên chắt mật từ sỏi đá, hương trời mà lá đầy gai, quả đầy gai, dường như từ chim muông, dã thú, đến ong vàng bướm bạc đều xa lánh... Nhưng thực chất là Ngọt ngào dâng tháng ngày cho con người, mấy ai nghĩ tới.
Tất cả từ con người đến hoa trái, con đường vào khoảng trời trong thơ Lê Thanh Bình như là Yên Bái, như là Phú Thọ, hiện hữu!

Nỗi nhớ của người xa xứ còn trùm lên tất cả Việt Nam; một nét nhạc Trịnh Công Sơn, một thoáng Tây Hồ, một thoáng thu Hà Nội... nỗi nhớ nhiều khi cũng dẫn tới một nỗi buồn, nỗi buồn đẹp, trong sáng và sang trọng mà anh gọi là Những nỗi buồn ngọc bích!

Là một người chưa một giây xa xứ, đọc “Lời ru người xa xứ”, tôi vô cùng sung sướng, vừa muốn sẻ chia thông cảm, vừa muốn ôm cả nỗi buồn kia để làm giàu thêm cho cảm xúc của mình đối với vùng đất mà mình suốt đời gắn bó, Yên Bái thân thương!

Hán Trung Châu - (Đọc “Lời ru người xa xứ” - thơ Lê Thanh Bình - NXBLĐ - Hà Nội 2002)

Các tin khác

Lần đầu tiên tại một kỳ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam, có thêm giải phim truyện nhựa hay nhất do một BGK báo chí chấm điểm. Hệ thống giải mới này sẽ được áp dụng tại LHP lần thứ 16, diễn ra tại TP.HCM tới đây.

Giải Emmy quốc tế 2009 Lễ trao giải Emmy quốc tế lần thứ 37 vừa diễn ra vào tối 24-11 tại khách sạn Hilton New York (Mỹ) trở thành đêm mưa giải thưởng cho truyền hình Anh, với 5 giải thưởng trên 9 đề cử

Trang phục thiếu nữ Dao Văn Chấn. (Ảnh: Huy Văn)

YBĐT - Cách đây khoảng 300 năm, vào thời kỳ nhà Thanh (Trung Quốc), vì triều đình nhiễu loạn, dân chúng không chịu được nên đã có nhiều người dân bỏ chạy ra nước ngoài, trong đó có người Dao. Người Dao sang Việt Nam, đi tới tận Sài Lương, Nậm Búng (Văn Chấn) làm ăn sinh sống. Một bộ phận sau này vượt núi đến tận vùng cao lập nên làng bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục