Sao tổn khuống* Tác phẩm của một tình yêu lớn
- Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đọc tập “Sao Tổn Khuống” với 29 truyện ngắn của Hoàng Thế Sinh, người đọc dễ dàng nhận thấy ở trong đó, một cuộc sống phong phú, phong phú đến bộn bề, nhiều sắc màu, khi rực rỡ, lúc nhạt nhoà, nóng như lửa, lạnh như tuyết...
Từ đời sống sinh hoạt nghèo nàn đói rách, thô ráp, đơn giản đến giàu sang vương giả, kiểu cách. Từ thật thà, hồn hậu đến mưu ma chước quỷ. Từ hiện thực trụi trần thường nhật đến mộng mơ, lãng mạn chốn non Bồng nước Nhược tận đâu đâu. Có chuyện đời sống chính trị - xã hội, lại có cả những chuyện về văn chương thơ phú, chuyện rắn độc chim gâu, chuyện cá sấu và Người nuôi cá sấu, chuyện dạy học, chuyện đào vàng, miền ngược miền xuôi, chuyện đạo chuyện đời...
Chừng ấy chuyện có biết bao nhiêu con người trong những mối quan hệ buộc ràng, chằng chịt với biết bao tình huống khôn lường. Phải có chuyện mới làm nên truyện. Chả thế mà mới vài chục năm nay, Thế Sinh đã cho ra mắt bạn đọc một khối lượng tiểu thuyết, truyện và ký khá đồ sộ. Tất nhiên để có được điều đó, đâu phải dễ dàng. Anh đã phải lặn lội kiếm tìm, tai nghe mắt thấy, tạc dạ ghi tâm, phải bực dọc khổ đau, cắn dứt, nấu nung, căm giận... với nó và, cũng phải say đắm nồng nàn, rừng rực một trái tim bốc lửa “dâng tất cả tình yêu lên sóng mắt”. Thế Sinh đã sống trong cuộc sống, hoà mình vào cuộc sống, là một phần của cuộc sống, đồng thời anh cũng biết đứng ở một vị trí khách quan, chủ quan nào đó để nhìn vào, để thể hiện nó trên trang viết. Chính điều đó tạo nên một phong cách Thế Sinh. Gọi anh là nhà văn thực sự từ khi mới nghe “Tiếng vọng dưới chân núi” và thấy đám “Bụi hồ”, là vì vậy.
Ở “Sao Tổn Khuống”, người đọc thấy một Thế Sinh dũng cảm, dấn thân vì một tư tưởng nhân văn cao đẹp, dám đấu vật với những kẻ tàn ác, độc địa, coi khinh coi rẻ đồng loại vì cá nhân, địa vị của họ. Ở các tỉnh khác thế nào chưa rõ, chứ ở Yên Bái, lại là một giáo viên đứng lớp (dù lúc đó anh đang đi học cao học) dám viết “Rét lộc” thì thật to gan. Những Trương Trịnh kém về chuyên môn, yếu về quản lý, sống tàn nhẫn, không có tình yêu thương đồng nghiệp, tham lam còn sờ sờ ra đấy.
Đã là hiệu trưởng thì Văn, Sử, Toán, Lý, Hóa... cái gì cũng biết, ai dạy cũng khen được và chê được. Anh dám giễu trước cuộc sinh hoạt tập thể có cả phòng giáo dục, thư ký công đoàn, gọi đó là một “Bách khoa toàn thư!”. Anh dám để cho E Sun và Mai Linh hôn nhau, “yêu nhau một cái” trước mặt Trương Trịnh, mà về sau giám đốc sở gọi là “nhạo báng lãnh đạo trường”. Dù phải chịu bao nhiêu oan ức thiệt thòi, cái nhân vật “Tôi” này vẫn đứng thẳng giữa cuộc đời, không thể và không bao giờ “là một thằng hèn”. Trong “tâm hồn đau khổ và khô héo”.
Thế Sinh dám để “Người nông dân nhỏ bé” tố cáo các ông lãnh đạo xã Nà Lai trên Pu Gia Lan dong dướng bọn lâm tặc phá rừng, anh còn chỉ vào mặt họ và gọi là “lũ sâu mọt hại nước hại dân”. Đã thế, cái người nói đúng sự thật ấy lại bị những kẻ xấu kia hạ lệnh giam cầm đánh đập nhiều lần, nhiều đợt đến gãy răng vỡ đầu và dọa “nếu còn kiện sẽ bắt, đánh cho chết thôi”. Người nông dân nhỏ bé ấy đã kiên trì, bền bỉ đi kiện tới trăm lần, lại còn viết thư chúc tết tới những kẻ ăn thịt người không biết tanh ấy và ký tên một cách đàng hoàng, có danh tính, văn bản. Đó là sự thực, là hiện thực, một hiện thực hôm nay vẫn còn tiếp diễn ở nơi này nơi khác.
Điều đáng nói hơn nữa là trong khi anh Sắc suy nghĩ và hành động như vậy không thiếu gì người né tránh làm ngơ không muốn va chạm sứt mẻ. Kẻ có quyền thì độc ác theo kiểu có quyền. Kẻ có tiền thì độc ác theo kiểu có tiền, theo kiểu cá sấu và “Người nuôi cá sấu”. Thằng Đất (cái tên của đứa trẻ này cũng gợi ra không ít chiều sâu nhân tình, nhân thế) dù đã phải bò bằng bốn chân tay như con chó ốm, rớt dãi đói khát trước kẻ giàu sang, vẫn đứng dậy trên tư thế Con Người giữa cõi trần đầy nhân ái, tuyên chiến và chiến thắng cái ác. Đất nói với mẹ: “Mẹ yêu quý của con... cá sấu không thể ăn thịt con được đâu. Con sẽ mãi mãi là con của mẹ. Phải cứu thằng Va...” và em đã chết vì việc nghĩa. Đó là bản lĩnh và phong cách nhà văn thời hiện đại của tác giả Sao Tổn Khuống.
Những con người của Thế Sinh khi nói về cái ghét thì như “xúc đất đổ đi”, chính vì trong họ có một tình yêu lớn. Họ yêu hết mình: yêu từng cành cây ngọn cỏ dưới chân đến Pu Gia Lan, Phan Xi Păng chọc trời mây phủ, yêu từng ngọn nến đèn dầu khốn khó cho đến mặt trời mặt trăng thơ mộng. Họ yêu từ vẻ lầm lũi, trần tục của người lao động đến nét lộng lẫy kiêu sa của tiên thần. Một anh chàng nông dân sớm mai vác cuốc ra đồng đi giữa một triền sông hoa cải rực vàng lại say đắm đến mê mẩn một giọng “thổ đồng” chim gáy, chạy theo nó đến cả mấy ngày. Đến khi bắt được gâu có tiếng gáy đó anh lại man mác nghĩ đến sự lẻ đôi... Khi được thả, chúng gáy bên nhau, Sóng bất giác nghĩ đến Mơ... Trong khi đó, ở tận Mường Văn, một Sa Văn cũng phải đánh vật với ruộng đồng, với bạc tiền, đánh vật với đen bạc thói đời để có được một tình yêu đẹp giữa trời xanh, lúa vàng.
Chuyện tình yêu chân chính trong tập này, không phải lúc nào cũng êm trôi, ngược lại nó cũng nhiều thác ghềnh khúc khuỷu, nhiều dáng vẻ, ngọt ngào lẫn với đắng cay, có thành công hạnh phúc tràn trề, cũng có cả bất hạnh đau đớn. Dù vậy, tất cả đều mãnh liệt, chân thật, hết mình. Đó cũng là bản lĩnh và phong cách nhà văn thời hiện đại của tác giả “Sao Tổn Khuống”.
Mặt khác, trong lúc hiện nay, truyện ngắn của nhiều nơi, trong đó có Yên Bái, thường là ít tình huống, mọi sự việc cứ bình bình, ít xung đột không “thắt nút”, thì trong truyện ngắn của mình, Thế Sinh đã tạo được một cách hợp lý nhiều “pha” dữ dội, nghiệt ngã đến thắt tim, cuốn hút tình cảm và tâm trí người đọc vào dòng xoáy cuộc đời, buộc họ phải bộc lộ tình cảm, thái độ của mình. Bút lực khỏe khoắn của Thế Sinh được dồn lên từ trái tim nhân ái, nhạy cảm và khối óc thông tuệ của anh. Người đọc có khi ngộp thở trước cảnh những kẻ đãi vàng “chơi nhau” vô cùng khủng khiếp. Thằng Ngân đã từng giết thằng Thưởng hai lần. Tưởng Thưởng chết rồi, Ngân yên tâm chiếm đoạt của và người Thưởng để lại, ngờ đâu Thưởng về, “người đàn ông cụt tai vẫn ngồi như tượng, trừng trừng hai con mắt tối sáng nhìn Ngân đang bò đến gần chân mình...”. Hình ảnh đó của Thưởng dày vò, hành hạ, tra tấn Ngân đến chết.
Thế Sinh rất giỏi và dè sẻn, cứ dần dần bơm hơi nóng vào chi tiết, cho đến khi tự nó bốc cháy dần dần và thiêu dịu những gì là phi nhân tính. Bạn đọc hả hê! Có những tình huống vừa thơ mộng vừa rùng rợn, thực thực, ảo ảo, lãng mạn phảng phất “Vàng và máu” những năm ba, bốn mươi của thế kỷ trước. Có những đoạn cứ để vậy là văn, thấy dấu chấm xuống dòng thành thơ trong đệm trong tiếng khèn: “Giàng Ly/Em xinh đẹp nhất cao nguyên này/Không có loài hoa nào trên núi đẹp hơn em/Anh yêu em/Anh sẽ ở lại làm núi đá cho em làm thác nước/Hát cho cao nguyên thêm vui thêm xanh...”. Rồi “rụp” cái, người trai thổi khèn bị trùm đầu, người gái đẹp Giàng Ly bị cướp đặt trên lưng ngựa, tiếng vó xa dần, chỉ còn tiếng gió hú, mưa tuôn ào ào và tiếng gọi vang vọng cả cao nguyên Ô Quy Hồ mênh mông.
Thế Sinh có nhiều đoạn văn tả tình tả cảnh vừa khoáng đạt, vừa tài nghệ, tinh khôi! Đây là đoạn tả tâm trạng của Lê Mai khi sắp bước vào phòng riêng của người đẹp Mỹ Hường: “Ông bật dậy trong tiếng đập thình thịch tưởng vỡ tung lồng ngực của trái tim đã gần hai chục năm nay quen đập một nhịp đều đều, cũ kỹ. Ông nhón bàn chân run rẩy. Cánh cửa phòng Mỹ Hường khép hờ, giống như chiếc phong bì đựng thiếp mời không bao giờ dán kín... là dấu hiệu của sự đợi chờ, quyến rũ và đồng loã...”. Tất nhiên “Sao Tổn Khuống” cũng chưa phải một tác phẩm toàn bích, điều đó cũng tự nhiên. Chẳng hạn, một vài truyện thiếu chặt chẽ trong kết cấu, một số chi tiết chưa chọn lọc kỹ lưỡng. Cuộc đời và thiên nhiên nhiều khi đẫm chất thơ, nên thơ nhưng người viết truyện quá say, sa đà vào đó, coi chừng rất dễ loãng tính tự sự, tính chất cơ bản của thể loại này. Đâu đó còn đôi ba từ tự nhiên chủ nghĩa.
Với danh nghĩa độc giả, người viết bài này khó có thể viết ngắn hơn và cũng khó viết được dài hơn, chỉ biết rằng năm 2009 này, bằng việc cho ra mắt tập truyện ngắn “Sao Tổn Khuống”, Thế Sinh đã góp vào kho tàng văn học viết về miền núi và các dân tộc ít người Bắc Việt Nam một tác phẩm quý giá, xứng đáng nhận giải cao của Hội Nhà văn. Bởi, đó là tác phẩm của một tình yêu lớn.
Hán Trung Châu
–––––––––––––––––––––
*Sao Tổn Khuống – Tập truyện ngắn Hoàng Thế Sinh – NXB Hội Nhà văn – Hà Nội 2009.
Các tin khác
Trong số 10 thí sinh được chuyên gia Missosology đánh giá nhiều triển vọng giành vương miện Miss World 2009, đại diện Việt Nam là gương mặt duy nhất đến từ lục địa đông dân nhất thế giới.
Ngày 7-12, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh đã họp báo công bố các hoạt động lễ tưởng niệm 701 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và lễ khởi công xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại đỉnh An Kỳ Sinh - Khu di tích danh thắng Yên Tử.
Liên Hiệp Quốc đã chọn bài hát A hard rain’s a Gonna fall của ca sĩ kỳ cựu Bob Dylan là một trong những bài hát không chính thức của hội nghị thượng đỉnh Copenhagen để phát suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Đêm chung kết toàn quốc thứ 2 Sao Mai 2009 phong cách nhạc dân gian vừa diễn ra tại Nhà hát Sao Mai (TP Tuy Hòa, Phú Yên) tối 6-12 với sự tham gia của 9 thí sinh (4 thí sinh khu vực phía Bắc, 3 thí sinh khu vực miền Trung và 2 thí sinh của phía Nam).