Người Mông ăn cơm mới
- Cập nhật: Chủ nhật, 10/1/2010 | 4:43:12 PM
YBĐT - Ăn cơm mới là một nghi thức không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Mông Mù Cang Chải. Bữa cơm cũng như cách thức tổ chức đơn giản, nhưng đó là lúc người Mông bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên của mỗi gia đình, dòng họ sau mỗi vụ cấy hái bội thu.
Người Mông quan niệm, dù lúa gạo đã thu hoạch đầy nhà, nhưng chưa làm cơm mới thì lúa gạo đó phải giữ nguyên, không ai được dùng để nấu, mà vẫn phải dùng gạo của vụ trước hoặc mua gạo về ăn. Người chủ gia đình là người đầu tiên được ăn những hạt cơm gạo mới cùng với tổ tiên. Nếu ông chủ gia đình mà chưa cúng, chưa ăn cơm cùng tổ tiên thì coi như gia đình, dòng họ chưa dùng cơm mới.
Khi những bậc thang đổ màu vàng rộm, người Mông đã nghĩ tới lúc nào thuận lợi cho làm bữa cơm mới. Người thì tính làm ngay từ khi bắt đầu thu hái, người lại muốn đến khi kết thúc vụ khi thóc lúa đã đầy bao. Nhưng có người lại muốn làm cơm dâng tổ tiên lúc đã thu hoạch dở dang. Họ tính sao để thuận mọi bề công việc, để anh em họ hàng có thể đến vui cơm mới cùng gia đình mình.
Với đồng bào, đồ ăn thức uống không cầu kỳ, quan trọng là gạo phải lấy từ những mảnh ruộng mà cả năm, cả tháng họ đã bỏ công bỏ sức làm nên. Việc nấu cơm của những phụ nữ này cũng có nét riêng xuất phát từ tập quán sản xuất và sinh hoạt của đồng bào. Cũng chuẩn bị xoong nồi, gạo nước bình thường nhưng khi nấu cơm họ có hai công đoạn. Bước thứ nhất làm như lần luộc gạo rồi vớt gạo ra để cho ráo nước. Bước hai, thứ gạo nửa chín nửa sống này được đưa vào chõ đồ cho đến khi cơm chín.
Không phải làm cơm mới người Mông mới nấu như thế, mà bởi khi luộc ấy làm gạo hết nhựa, không còn dẻo dích khi nấu cơm bình thường, khi đồ lên hạt cơm dường như rời rạc nhưng để ăn cả 1-2 ngày không bị thiu. Thường ngày, gia đình người Mông ở đây chỉ nấu một bữa vào sáng sớm, phần gói lại mang xuống ruộng lên nương, chỗ để nguyên trong chõ ăn cả ngày.
Mâm cơm mới dâng cúng cũng đơn giản. Nhà nuôi được con gà họ mổ gà, có hơn nữa thì mổ con lợn cắp nách để mời anh em, họ hàng. Có gì ăn đồng bào đưa lên mâm cái đó, quan trọng nhất là phải có thứ cơm gạo mới thu hoạch trong vụ lúa mùa vừa qua.
Với những gia đình là người bình thường, ít người lễ cúng diễn ra ngắn gọn, thủ tục cũng đơn giản. Những người làm thầy mo thì cầu kỳ hơn ở chỗ thờ cúng, nhưng lời khấn cũng tương tự, đại ý là:
Lúa mới đã chín. Tôi chưa ăn! Tôi mời bố mẹ, mời các họ hàng ăn cùng. Ăn cùng tôi để cầu mong mọi điều tốt, cầu phúc cho tôi, cho con cháu tôi đi lên dốc mạnh khỏe, đi xuống dốc mạnh khỏe. Ăn xong bảo vệ con trâu, con bò cho tôi, giữ con gà con lợn, giữ hoa màu cho tôi... Mời các thần núi, thần sông ăn cùng chúng tôi, phù hộ cho tôi cho con cháu tôi đi lên dốc mạnh khỏe, đi xuống dốc mạnh khỏe. Ăn xong bảo vệ con trâu, con bò cho tôi, giữ con gà con lợn, giữ hoa màu cho tôi.
Lễ cúng cơm mới kết thúc là lúc chủ nhà cùng anh em họ tộc cùng nhau chúc mừng một mùa vàng bội thu. Đây cũng là dịp để họ chia sẻ với nhau những gì đã diễn ra trong vụ lúa mùa đầy khắc nghiệt của thiên tai, mưa lũ vùng cao. Họ cùng nhau bàn việc đôi lứa của con cái, việc làm thủy lợi, trồng rừng để giữ nguồn nước khai hoang ruộng mới.
Với sự đầu tư của Nhà nước và những cố gắng của mỗi người trong gia đình, sự phù hộ của thần núi, thần rừng, tổ tiên họ sẽ làm cho cuộc sống của đồng bào Mông ở đây sẽ nhanh chóng bớt đi khó khăn; những mảnh ruộng ngang trời lại cuộn sóng vàng ấm no.
Quang Tuấn
-
- Người Mông ăn cơm mới - https://baoyenbai.com.vn/16/60356/FONT-facearial-helvetica-sans-serifstrongNguoi-Mong-an-com-moistrongFONT.htm" target="_blank">
Các tin khác
Sáng 8-1, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2009 cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc ở các thể loại lý luận, khí nhạc, thanh nhạc.
YBĐT - Từ nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, nhiều tiền của, công sức, tài liệu, đầu tư cho sự nghiệp này đã đem lại hiệu quả đáng kể.
Từ 15 phim, Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ đã rút gọn còn bảy phim sẽ cạnh tranh hạng mục kỹ xảo xuất sắc nhất của giải Oscar năm 2010, trong đó có các tác phẩm bom tấn và ăn khách như Avatar, Harry Potter and the half-blood Prince, 2012.
Ban tổ chức Festival Huế 2010 đã nhận được kết hoạch đăng ký của 40 đoàn nghệ thuật đến từ 29 quốc gia của 5 châu lục tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2010 với chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, hướng đến kỷ niệm quốc gia 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.