Hương sắc rượu cần của người Thái

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/2/2011 | 8:42:10 AM

YBĐT - Rượu cần là hương vị đặc sắc của đồng bào Thái ở miền Tây cần được giữ gìn và phát huy từ cách chế biến đến nghi thức uống rượu để trở thành nét sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Rượu cần của dân tộc Thái đã trở thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người ưa chuộng.
Rượu cần của dân tộc Thái đã trở thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người ưa chuộng.

Đến với đồng bào Thái ở các huyện, thị miền Tây của tỉnh Yên Bái như Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu và Mù Cang Chải trong ngày xuân thì ngoài việc được thưởng thức các món ăn đặc sản mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: khẩu cám - xôi ngũ sắc, púng xượng - xúc xích hay món pà chí - cá nướng, du khách sẽ còn được thưởng thức thêm hương vị nồng nàn làm đắm say lòng người mà dân tộc Thái gọi là “Lẩu xá - rượu cần”.

Rượu cần là sản phẩm được bàn tay khéo léo của người Thái chế biến từ những thứ sẵn có trong tự nhiên làm nên thứ rượu mang hương vị thấm đậm tinh túy của trời đất, làm ngây ngất lòng người. Theo anh Lò Văn Tiên, dân tộc Thái ở bản Hát, xã Hát Lừu huyện Trạm Tấu cho hay: “Muốn làm được thứ đặc sản - rượu cần này ngon, có hương vị đặc sắc, quan trọng nhất bước đầu tiên là phải tạo được men rượu tốt. Men rượu thường được làm từ lá, rễ và quả cây rừng có tinh dầu với các loại thuốc bắc và cùng mùi vị gừng, giềng, ớt…

Tất cả những thứ này đều được sắc nhỏ, phơi khô giã mịn trộn với bột gạo, vỏ trấu và nặn thành bánh men rồi đem ra phơi nắng hoặc treo lên giàn bếp khô mới lấy ra dùng. Sau đó men được trộn với cái rượu làm từ những loại ngũ cốc thông dụng như ngô, sắn, gạo, hạt ý dĩ, hạt kê hoặc một số loại củ, quả khác. Cái rượu được nấu hoặc đồ chín, đổ ra để nguội rồi trộn với men, vỏ trấu rồi ủ bằng lá chuối hoặc lá dong rừng để rượu bốc men, sau đó đem bỏ vào từng chum (hũ hay bình...).

Miệng chum phải được bịt kín bằng mảnh nilon hoặc dùng bát úp miệng chum, sau đó lấy tro bếp nhào với nước để chít kín, nếu miệng chum bị hở là rượu thành phẩm sẽ bị chua, coi như mẻ rượu bị hỏng. Mỗi loại men rượu có một hương vị riêng, đặc trưng: ngọt, chua, cay, như chính hương vị cuộc sống của con người vậy”.

Rượu cần khi ủ xong men ít nhất phải để từ 6 đến 7 ngày trở lên mới mở ra uống, thứ rượu này nếu càng để lâu ngày thì càng đậm nét hương vị của nó. Trước khi uống người ta đổ đầy nước đun sôi để nguội vào chum rượu, sau đó mới cắm cần vào chum để hút rượu. Những cây ống hút này được người ta làm từ những đoạn trúc nhỏ đã thông ruột, dài chừng 80 phân đến 1 mét, uốn hơi cong như cần câu để dễ sử dụng. Số cần rượu đối với dân tộc Thái khác với một số dân tộc thiểu số khác ở vùng Tây Bắc.

Những chiếc cần để uống rượu trong bình không cứ phải là chẵn hay lẻ mà có thể là 2, 3, 4 hoặc 5, 6 cũng được, tuỳ thuộc vào số lượng người tham gia cuộc vui. Vì đồng bào quan niệm rằng “ăn chung nồi cơm, uống chung ấm nước và hút chung bình rượu” là thể hiện sự đoàn kết, cùng chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi trong cuộc sống cho nên có thể hai, ba người dùng chung một cần rượu cũng được.

Uống rượu cần khác với uống rượu thường, khi dùng rượu cần không bị nhức đầu, chóng mặt hay cồn ruột mà rượu cần cho người uống một cảm giác lâng lâng lạ thường rất êm ái và nhẹ nhàng. Do đó, rượu cần không phải là loại thức uống để giải sầu.

Đến với đồng bào Thái hiếm khi thấy có người uống rượu cần một mình, cho nên cứ hễ chum rượu được mở ra là phải có ca hát, khèn, sáo với vòng xòe say mê cùng tiếng cồng, tiếng chiêng ngân van. Bởi vậy, rượu cần thường được đồng bào đem ra dùng vào những dịp lễ tết, lễ hội đầu xuân hoặc đãi khách quý... Thông thường, chum rượu được đặt ở chính giữa, khách và chủ nhà ngồi quây quần ngồi xung quanh để vít cong cần rượu trong niềm vui phấn khởi, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, dân tộc...

Rượu cần là hương vị đặc sắc của đồng bào Thái ở miền Tây cần được giữ gìn và phát huy từ cách chế biến đến nghi thức uống rượu để trở thành nét sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Đức Hồng

Các tin khác
Rước kiệu trong lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.

Chiều 9-2, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu chấn chỉnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên cả nước, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm.

YBĐT – Sáng ngày 9/2 (tức ngày mùng 7 âm lịch), tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ xuân Tân Mão 2011 đã chính thức khai mạc. >>>Mùa xuân và lễ hội Đền mẫu Âu Cơ

Sau 4 liveshow, từ ngày 8/2, hệ thống bình chọn cho các giải thưởng năm của chương trình Bài hát Việt 2010 đã chính thức bắt đầu.

Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã được ghi tên vào danh sách 77 công viên địa chất toàn cầu. Như vậy, cùng với Hạ Long, đã lại có thêm 1 danh thắng trở thành biểu tượng, đưa hình ảnh Việt Nam đến với thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục