Lễ lên nhà mới của người Xá Phó Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2011 | 3:00:31 PM

YBĐT - Xá Phó là một trong 13 dân tộc bản địa của tỉnh Yên Bái, là thành phần của 30 dân tộc anh em cùng cư trú lâu đời trên mảnh đất giàu bản sắc các giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Người Xá Phó thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến.

Thiếu nữ dân tộc Xá Phó
Thiếu nữ dân tộc Xá Phó

Ngoài nhóm Xá Phó cư trú ở Yên Bái, người Xá Phó còn có nhiều tên gọi khác nhau như Phù Lá, Bồ Khô Pạ, Phổ, Pu Dang… cư trú ở các tỉnh Lào Cai, Hàng Giang, Sơn La. Với dân số ít nhưng người Xá Phó ở Yên Bái lại có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú và đa dạng. Trong chu kỳ vòng đời của người Xá Phó thì nghi lễ lên nhà mới (he-ì-xì-mờ-zu-né) là một nghi thức độc đáo, tích hợp nhiều yếu tố văn hóa bản địa với tri thức dân gian đặc sắc.

Người Xá Phó ở nhà sàn, loại nhà sàn nhỏ, cột chôn với nhà to nhất có 4 gian, trung bình là nhà 2 gian, 3 gian, mỗi gian nhà của họ thường nhỏ vừa, không quá rộng. Nhà ở truyền thống của đồng bào thường có hai hàng cột, trước đây không thấy có nhà 3 hàng chân hay 4 hàng chân. Nhà ở của người Xá Phó Yên Bái thường không làm kiên cố, vững chãi lâu dài.

Theo quan niệm dân gian và các phong tục cổ truyền trước đây, đồng bào thường bỏ nhà hoặc đốt bỏ mỗi khi trong nhà có người qua đời, họ chuyển tới một địa điểm mới và dựng nhà tại đó. Đồng bào nơi đây quan niệm rằng, mỗi khi có người qua đời sẽ mang lại những điều xấu xa, đen đủi. Do vậy, để xóa bỏ những vận đen đó người dân phải chuyển tới nơi ở mới.

Quy trình chọn đất và lên nhà mới của người Xá Phó đặc sắc với việc chọn đất. Để chọn đất làm nhà, người dân không chọn tâm nhà, vị trí hướng mà họ lại quan tâm tới vị trí đặt bếp lửa. Bếp lửa có vai trò khá quan trọng trong đời sống của đồng bào, nó được nhóm cháy liên tục từ ngày này qua ngày khác. Do vậy, bếp lửa được đặt thẳng với “cửa ma” -  một nơi quan trọng bậc nhất trong ngôi nhà của người Xá Phó. Để chọn đất làm nhà mới, đồng bào mời thầy cúng tới xem đất dựng nhà và chọn nơi mà định đặt bếp lửa. Thầy cúng dùng một chiếc que gỗ nhỏ có hình tam giác cắm thẳng xuống đất, lấy 3 hạt thóc đặt chụm đầu vào 3 cạnh tam giác của cây cọc.

Một hạt thóc người dân quan niệm quay về phía chủ, một hạt quan niệm quay về phía lợn và một hạt quay về phía ruộng nương (gạo, thóc). Dùng một chiếc bát úp lên trên đó và thầy cúng đọc lời cúng khấn để xin thổ công, thổ địa cho phép được làm nhà. Sau một ngày đêm, đến sáng hôm sau mở ra, nếu thấy hạt thóc không xê dịch thì quan niệm đó là chỗ đất tốt và có thể dựng nhà ở.

Nhà ở của người Xá Phó Yên Bái thường làm bằng gỗ, dùng dây buộc các mối nối, không xử dụng mộng như nhà hiện đại sau này. Nhà có sàn thấp, lợp gianh và xung quanh lịa liếp đan bằng tre, nứa. Trong ngôi nhà của đồng bào quan trọng nhất là bếp lửa và “cửa ma”. “Cửa ma” được xem như bàn thờ tổ tiên của người Kinh vùng đồng bằng.

Với tập quán du canh, du cư như trước đây và có nghi thức “bỏ nhà” mỗi khi trong nhà có người qua đời cho nên nhà ở của người Xá Phó được làm và dựng  nhà cũng khá nhanh, với các nguyên liệu sẵn có xung quanh nơi đồng bào cư trú cùng với sự trợ giúp công sức của dân bản, trong một, hai ngày có thể dựng hoàn thiện và lên nhà mới.

Lễ lên nhà mới (he-ì-xì-mờ-zu-né) khá quan trọng. Sau khi dựng xong nhà, chủ nhà sẽ làm lễ he-ì-xì-mờ-zu-né. Nghi thức này phải do những thầy cúng giỏi trong làng thực hiện. Gia đình sẽ mời về cầu cúng để trước khi về ở nhà mới sẽ được tổ tiên và các thần thánh phù hộ, giúp đỡ và gặp nhiều may mắn. Lễ lên nhà mới được xem ngày giờ khá cẩn thận và kiêng vào ngày chết của bố mẹ và những người anh em trong gia đình. Vì nghi thức quan trọng nhất của lễ he-ì-xì-mờ-zu-né là nghi thức cúng bếp mới và “cửa ma”, bếp và “cửa ma” bao giờ cũng đi với nhau và được đặt thẳng nhau trong nhà của người Xá Phó. Thầy cúng lấy một ống nứa đựng nước mới, một ống gạo (mang ý nghĩa về một cuộc sống ấm no, đầy đủ), 3 lá trầu, 3 miếng vỏ trầu đặt ở một góc của bếp.

Trên 4 góc xà của gian nhà giữa, thầy cúng dùng 4 cum lúa vắt lên 4 góc xà với quan niệm nhà lúc nào cũng sung túc, mong muốn lúa ngô đầy nhà, mùa màng tươi tốt no đủ. Thầy cúng ngồi cúng trước “cửa ma” để mời tổ tiên của gia đình về ngự ở ngôi nhà mới kết hợp với việc cúng bếp mới. Ngoài thịt lợn, người dân  còn phải mổ một con gà trống, dùng tiết gà với lông gà cắm lên vách “cửa ma”. Sau khi kết thúc nghi thức của thầy cúng, “cửa ma” đó coi như là cho linh thiêng nhất của gia đình.

Thầy cúng thông báo và mời tổ tiên của gia chủ về ngự, sau đó cầu xin thổ công và các thần thánh phù hộ và bảo vệ cho gia đình gia chủ. Kết thúc lễ cúng, người dân và gia chủ cùng múa xòe xung quanh bếp lửa đang cháy bập bùng để mừng cho một ngôi nhà mới với niềm hi vọng và khát khao về một cuộc sống mới âm no, hạnh phúc hơn. Dân làng cùng uống rượu, ăn mừng và chúc phúc cho gia chủ, cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ tới cho gia đình.

Ngày nay, nhà ở của người Xá Phó cố định và được làm vững chắc hơn, song nhiều giá trị văn hóa đặc sắc trong nghi lễ lên nhà mới he-ì-xì-mờ-zu-né vẫn được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng dân tộc Xá Phó ở Yên Bái, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc Yên Bái trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nguyễn Mạnh Hùng

Các tin khác

70 tập phim tập trung khai thác hình tượng Thái tổ Lý Công Uẩn khi là vị tướng cầm quân đi dẹp loạn Đinh Đỗ Hoàn ở Châu Lai Hà.

Đài truyền hình ITV của Anh mới đây đã tuyên bố họ sẽ quay bản truyền hình cho bộ phim "Titanic" để kỷ niệm 100 năm sau sự cố chìm con tàu hoàng gia Titanic.

Hình ảnh đẹp mắt quen thuộc tại Festival Diều quốc tế Vũng Tàu.

Từ ngày 7-11/4, Festival Diều nghệ thuật quốc tế lần thứ 3 sẽ diễn ra tại bãi biển Paradise và bãi biển Thùy Vân, Vũng Tàu.

Tùng Dương hạnh phúc với giải Album của năm

Lễ trao giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2010 đang diễn ra tại Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh. Giải thưởng đầu tiên đã được công bố, đó là album Liti của ca sỹ Tùng Dương đoạt giải Album của năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục