Bàn về văn hoá đặt tên đường, phố ở thành phố Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2012 | 2:52:04 PM
YBĐT - Trong những năm qua, thành phố Yên Bái đã có nhiều đổi mới, quy mô thành phố được mở rộng, những tuyến đường mới được xây dựng như đường Nguyễn Văn Cừ, đường Nguyễn Tất Thành, đường kè sông Hồng và hàng loạt đường ngang nối các trục đường chính.
UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt quy hoạch thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. (Ảnh chụp: Trước cổng thành ủy Yên Bái)
|
Theo đó, các khu dân cư mới cũng được hình thành. Thành ủy, UBND thành phố đã cố gắng tìm các nguồn tài trợ để chỉnh trang đô thị, nâng cấp đường, tu bổ và xây dựng mới một số công trình phúc lợi công cộng; hàng loạt các nhà văn hoá được xây dựng trong năm 2011 và 2012... từng bước đưa thành phố trở thành thành phố văn minh, hiện đại.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII phấn đấu đến năm 2020 đưa thành phố trở thành đô thị loại II; UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là những chủ trương hết sức quan trọng và là cơ sở để đẩy mạnh đầu tư nâng cấp thành phố Yên Bái trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của khu vực Tây Bắc.
Ngày 26/10/2011, Thành ủy Yên Bái đã ra Nghị quyết số 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhằm làm cho các hoạt động của người dân thành phố thực sự có văn hoá, văn minh.
Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố còn nhiều việc phải làm, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cần có thời gian. Hiện nay việc đặt tên đường, phố phải xem xét điều chỉnh cho hợp lý, khoa học. Thành phố có 7 phường; các phường lại chia thành các phố, tổng cộng có 63 phố; mỗi phố lại chia thành các tổ dân cư.
Hiện nay hầu hết các tuyến đường ngang nối các trục đường chính được đặt tên là phố, theo kiểu đặt tên phố ở Hà nội (thành phố Hà Nội sau phường là đến tổ dân cư). Ví dụ trên địa bàn phường Hồng Hà có 9 đường ngang nối hai trục đường Thanh niên và đường Trần Hưng Đạo, được đặt tên thành phố, như phố Đinh Liệt, Đinh lễ, Dã Tượng, Mai Hắc Đế...
Trên địa bàn phường Hồng Hà không phải có 9 phố mà tới hơn hai chục phố, như phố Hồng Thắng có thêm 4 phố (phố Đào Duy Từ, Đinh Lễ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Cảnh Chân); phố Hồng Thanh có 2 phố (phố Trần Quang Khải, Nguyễn Cảnh Chân). Các phường khác trong thành phố cũng có tình trạng như vậy. Vậy là phố nằm trong phố. Khắc phục tình trạng trên, một là đổi tên phố là đường, hoặc là bỏ tên đơn vị hành chính phố, chỉ còn tổ dân cư với quy mô khoảng 70 hộ dân trở lên.
Việc lấy tên danh nhân có công với đất nước đặt tên đường phố nhằm nhắc nhở cho mọi người ghi nhớ công lao những người có công với nước, tiếp tục phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha, nhưng có nhiều tên danh nhân người dân ít biết. Yên Bái cũng có nhiều danh nhân hoặc người có công đánh giặc ngoại xâm nên đặt tên cho các đường, phố ở Thành phố.
Ví dụ danh tướng Hà Bổng có công chống giặc Nguyên thời nhà Trần, đền thờ ông ở Văn Yên được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia; tổng đốc Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích lãnh đạo nhân dân chống Pháp ở vùng Văn Chấn; Cô Giang vợ lãnh tụ Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 (tên Cô Giang đã được đặt tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Plâyku)...
Khi lấy địa danh đặt tên cho đường, phố nên đặt ở nơi phù hợp và nên mời Hội khoa học lịch sử tỉnh tham gia. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác khi nói chuyện ở Rạp Bạch Đằng trước đây đã hỏi sao không đặt tên rạp là Hồng Hà, khi sông Hồng chảy qua địa bàn.
Sau đó rạp Bạch Đằng được đổi tên là rạp Hồng Hà. Thị xã Yên Bái thời Pháp thuộc có 4 phố: Yên Thái, Hội Bình, Yên Hoà, Yên Lạc. Phố Hội Bình hiện được tên cho đoạn đường ở đầu phía trên chợ Yên Bái, nếu đặt tên Hội Bình thay cho phố Trần Quang Khải thì hay hơn, vì phố này hoàn toàn nằm trên phố Hội Bình xưa. Cũng như vậy, phố Yên Lạc hiện đặt cho đường sau khán đài B của sân vận động thành phố nên đặt thay cho phố Đào Duy Từ là đúng với tên phố xưa.
Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô thị thành phố Yên Bái in hàng nghìn tờ rơi đẹp về chung sức xây dựng, thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, trong đó nêu các tiêu chí cụ thể là cần thiết, nhưng có tiêu chí chưa đúng với quy định của Chính phủ và của tỉnh, như: thành phố quy định cấm say rượu ở cơ quan đơn vị, vô hình chung vẫn được uống rượu trong giờ hành chính miễn là không say.
Hoặc tiêu chí không được đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép đường giao thông, vậy hoạt động thể thao nào quy định là trái phép? bóng chuyền, đấu vật có được chơi trên lòng đường không? (thực ra chỉ cần viết cấm các hoạt động thể thao trên đường là đủ).
Việc buôn bán trên hè đường vẫn diễn ra ở một số nơi, gây cản trở giao thông, điển hình là phía trước và hai bên chợ Hồng Hà.
Các tổ trưởng, tổ phó dân phố do dân bầu ra, nhưng hiện nay chỉ có tổ tưởng được phụ cấp bằng mức lương cơ bản, còn tổ phó lại không được gì, như vậy không khuyến khích tổ phó gắn bó với công việc, đề nghị thành phố cần nghiên cứu. Các trưởng phố hiện nay là do các đồng chí Bí thư chi bộ phố nghiễm nhiên đảm nhận, không qua bầu và cũng không có quyết định vì UBND phường hay Đảng ủy phường ra quyết định đều không đúng nguyên tắc. Nếu còn để phố, thành phố cần có hướng dẫn để trưởng phố được danh chính ngôn thuận.
Trần Thi
Các tin khác
Cuộc triển lãm ảnh “Những cái nhìn về Việt Nam” của nhà nhiếp ảnh Pháp Gérard Memmi diễn ra ngày 9/9 tại khuôn viên của Tòa thị chính thành phố Choisy-Le-Roi, cách Trung tâm thủ đô Paris, Pháp, gần 20km, đã thực sự trở thành điểm nhấn của Những ngày hội của thành phố này năm 2012.
Đạo diễn Kim Ki Duk của Hàn Quốc chinh phục giám khảo LHP Venice 2012 nhờ bộ phim Pieta, trong lễ trao giải tối 8-9. Đây là lần thứ hai ông được vinh danh tại Venice.
Tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện Dự án tu bổ, chống xuống cấp Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Thanh La, với tổng vốn đầu tư hơn 4,77 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.