Nhạc sĩ An Thuyên kể chuyện "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác"
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/5/2013 | 2:26:56 PM
Sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, nhạc sĩ An Thuyên là người có bài hát hay về Bác Hồ - "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác".
Nhạc sỹ An Thuyên tại nhà riêng.
|
Hơn 30 năm qua, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của nhạc sĩ An Thuyên vẫn được coi là một trong những bài hát hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không gian văn hóa làng quê xứ Nghệ, tác giả đã khắc họa hình ảnh bậc vĩ nhân lớn lên cùng câu hò, điệu ví, với tiếng lòng của nhân dân lao động.
Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc viết về Bác Hồ như: Thanh xướng kịch “Người đi tìm nhịp trống”, “Chuyện bên lán Nà Lừa”, “Hành khúc theo chân Bác”… nhưng sự ảnh hưởng của “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” đến nay vẫn mạnh mẽ hơn cả.
Nhân dịp kỉ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với tác giả của bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.
P.V: Thưa nhạc sĩ An Thuyên, được biết khi viết “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, hồi đó ông mới 24 tuổi và là một cán bộ tuyên truyền của ty văn hóa Nghệ An. Thế nhưng, khi nghe bài hát đó, không ai nghĩ tác giả lại trẻ đến như vậy bởi ca từ nghe rất già dặn?
Nhạc sĩ An Thuyên: Đó là những năm tôi 23-24 tuổi, lúc đó Bác đã mất được 5-7 năm. Sự mất mát ấy luôn lay động trái tim của tôi. Bản thân tôi cũng cảm thấy sự qua đời của Bác là mất mát rất lớn. Cũng chính điều đó đã thôi thúc tôi viết bài hát này chỉ trong 1 đêm. Khi viết nước mắt tôi dàn dụa, nghĩ lại thấy mình như một ông cụ non vậy.
Đến bây giờ, sau nhiều năm sáng tác, tôi nhớ mình đã có ba lần viết nhạc bằng nước mắt: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê” và “Mẹ Việt Nam anh hùng”.
P.V: Cơ duyên nào đã đưa nhạc sĩ đến một không gian văn hóa ví dặm với những người hát phường vải, với hình ảnh Bác Hồ thời ấu thơ?
Nhạc sĩ An Thuyên: Tôi viết bài này bắt đầu từ một câu chuyện. Hôm ấy, khi tôi đi sưu tầm dân ca ở Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn), bà con đến hát và tôi thu âm các bài hát dân ca, hát phường vải. Trong khi thu âm thì có một người phụ nữ khoảng 40-45 tuổi, đứng ngoài ngõ. Khi tôi xong việc, đóng máy thu âm lại, chị bảo “anh đi với tôi”.
Với sự tò mò của người làm sưu tầm, tôi đóng vội máy và đi theo chị. Về đến trước nhà, chị vừa “kẹt” cái cổng tre lại thì thấy tiếng bà cụ trong nhà bảo “mi đi mô từ đầu hôm đến giờ mà để con khóc nhiều rứa”. Rất nhanh chị ôm chầm đứa con đang khóc và hát một bài hát ru rất hay. Tôi vội vàng bấm máy thu âm. Đấy là bài hát ru sưu tầm theo tôi là rất thành công vì nó rất thật.
Tiếng võng đưa qua đưa lại, lúc đầu con khóc nhiều thì chị hát rất khỏe, to và dần dần con dịu đi thì chị hát nhỏ. Bài hát ru cứ chậm dần, chậm dần theo không gian đó. Chị đã thiếp ngủ lúc nào không biết và bỏ quên tôi.
Sớm hôm sau, tôi quay lại thì chị đi làm đồng. Tôi mở cửa bước vào và bắt gặp hình ảnh một bà cụ rất già với mái tóc trắng ngồi đó khiến tôi không thể quên. Tôi bật máy ghi âm để bà nghe bài hát ru do chính con dâu bà hát. Nghe xong, bà bảo “Ngày xưa Bác Hồ cũng hay nghe hát phường vải lắm”. Từ chi tiết này tôi đã viết bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.
P.V: Các bài hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Vầng trăng đò đưa”…đều mang âm hưởng của dân ca Nghệ Tĩnh. Âm nhạc dân gian xứ Nghệ rõ ràng đã mang đến nhiều thành công cho ông, phải không thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ An Thuyên: Khi viết “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, mọi người có thể không tưởng tượng được vì đó hoàn toàn là một bài hát dặm, trước đó là một câu ví. Với bài hát này, tôi lấy nguyên nhịp 7/8 - nhịp lẻ rất lạ, đậm đặc và tinh túy đến mức 5 năm sau đó, tôi viết bài nào dường như cũng giống như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.
P.V: Trong bài hát của mình nhạc sĩ đã khắc họa hình ảnh Bác Hồ thời thơ ấu là một cậu bé mặc "quần xắn gối, đứng đầu sân" nghe phường vải hát. Hẳn là nhạc sĩ cũng có những kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với một không gian văn hóa như vậy?
Nhạc sĩ An Thuyên: May mắn là gia đình tôi sống ở làng Đáy (Quỳnh Lưu, Nghệ An) – một vùng quê nghèo nhưng có phong trào văn hóa văn nghệ, có nền âm nhạc dân gian rất phát triển. Và nhà tôi cũng là một gánh hát tuồng, cải lương, hát phường vải. 11 tuổi tôi đã trở thành một “nhạc công” thổi sáo, kéo nhị cho mọi người hát. Âm nhạc dân gian thấm đượm với tôi từ bé, như sữa mẹ mình được bú từ nhỏ vậy.
(Theo VOV)
Các tin khác
Hơn 5 năm sau phim truyền hình Ma làng, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thực hiện phần tiếp theo của bộ phim. Phim với tên Làng ma – 10 năm sau do Công ty Tvplus phối hợp với VTV sản xuất , sắp hoàn tất phần ghi hình, dài 30 tập dự kiến sẽ ra mắt khán giả trong năm nay.
Bộ phim Pee Mak vừa đi vào lịch sử điện ảnh Thái Lan với tư cách bộ phim nội địa ăn khách nhất mọi thời đại.
Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng chương trình “Những Ngày Châu Âu 2013” tại Việt Nam, Viện Goethe đã mời nữ họa sĩ trẻ xuất sắc của Đức Line Hoven tới tham dự buổi trao đổi với các họa sĩ trẻ Việt Nam.