“Bản sắc” Nghĩa An
- Cập nhật: Thứ hai, 20/5/2013 | 9:29:29 AM
YBĐT - Ngay từ khi mới triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghĩa An đã có cách làm của riêng mình để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tộc người Thái.
Nghề thêu dệt thổ cẩm ở Nghĩa An.
|
Việc đầu tiên Đảng bộ xã xác định là phải bảo tồn được hình ảnh làng bản, không gian văn hóa đặc thù người Thái bản địa. Vì vậy, xã đã vận động 5/8 thôn, bản phải giữ được kiến trúc nhà sàn. Một số thôn, bản ở khu vực gần trung tâm xã và hai bên mặt quốc lộ dù xuất hiện nhiều nhà xây nhưng nhìn tổng thể cơ bản vẫn phải giữ được nét kiến trúc truyền thống.
Để người dân thuận tiện trong sửa chữa, làm mới nhà sàn, xã đã khai thác tỉa 20ha gỗ trồng để hỗ trợ dân vật liệu làm nhà. Khi triển khai xây dựng nhà tình nghĩa và đề án xóa nhà dột nát, xã cũng khuyến khích xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Đến cuối năm 2012, qua điều tra, toàn xã có 603/667 hộ đang ở nhà sàn.
Đi đôi với bảo tồn kiến trúc nhà ở, Đảng bộ xã còn chỉ đạo bảo tồn trang phục dân tộc. Công việc này được giao cho Hội Phụ nữ xã làm nòng cốt. Xã đã chú trọng khuyến khích các cháu học sinh mặc trang phục dân tộc đến trường. Đồng thời nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng được chú trọng truyền lại cho lớp trẻ. Nhờ vậy, Nghĩa An hiện có rất nhiều cô gái Thái trẻ đã thông thạo dệt thổ cẩm truyền thống. Sản phẩm dệt thổ cẩm ở đây còn được Bộ Công thương bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu khu vực miền núi phía bắc năm 2012.
Nghĩa An còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở lớp dạy chữ Thái cổ cho 40 cán bộ xã và thôn bản. Xã cũng vận động các nghệ nhân truyền dạy lại 6 điệu xòa cổ và các làn điệu dân ca, dân nhạc cho thanh thiếu niên; truyền dạy chế biến ẩm thực đặc sản của người Thái. Đồng thời, tập trung khôi phục, bảo tồn loại hình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và lễ hội như tục cúng xên bản, xên mường, sinh hoạt hạn khuống… Ngày tết, xã tổ chức nhiều hoạt động vui xuân như hội còn, hội xoè, thi hát ví giao duyên, lập phường bạn đi chúc tết bằng hát dân ca… làm cho không khí ngày xuân thêm rộn rã, tươi vui.
Đi đôi với bảo tồn, phát triển vốn văn hóa tộc người, Nghĩa An cũng rất coi trọng chỉ đạo xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu như tệ thách cưới, tổ chức đám cưới kéo dài, tục cô dâu phải tặng quà cho các thành viên nhà chồng trong dịp cưới; người chết không để trong nhà quá 36 giờ và ăn uống linh đình; nghiêm cấm thả rông gia súc và phải di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn; xây dựng công trình vệ sinh bảo đảm mỹ quan và bảo vệ môi trường…
Với những nỗ lực trong bảo tồn, gìn giữ qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, những vốn liếng văn hóa của đồng bào Thái ở Nghĩa An đã bước đầu hình thành tiềm năng phát triển kinh tế du lịch. Những giá trị văn hóa của cộng đồng Thái ở Nghĩa An cũng đã được biết đến và quảng bá.
Chương trình “Làng Việt” của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã giới thiệu về Nghĩa An với đặc trưng văn hóa Thái. Chương trình Du lịch về cội nguồn giữa 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ cũng đã tạo nên những hiệu ứng quan trọng để quảng bá hình ảnh của Nghĩa An. Bởi vậy, gần đây mỗi năm Nghĩa An thu hút khoảng trên 5.000 du khách đến thăm quan, du lịch, trong đó lượng khách nước ngoài đã tăng dần.
Du khách đến đây, ngoài việc được thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản từ cá suối, thịt trâu, rau rừng, thịt nướng, gà vịt, xôi nếp. Đặc biệt, được nghỉ ngơi tại nhà sàn của dân, để xem múa hát, nghe kể sử thi, được ngủ chăn đệm bông lau. Khi ra về được mua những thứ quà lưu niệm từ nghề dệt, đan lát, khèn bè, được uống những chén rượu chia tay và trao khăn hẹn ngày gặp lại.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Tỉnh Hưng Yên đang triển khai xây dựng Nhà Bảo tàng quy mô lớn, nhằm bảo quản, lưu giữ các tài liệu hiện vật, trưng bày giới thiệu các giá trị về lịch sử, văn hóa và con người của quê hương Phố Hiến qua các thời kỳ.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát hành bộ tem bưu chính "Đèn biển Việt Nam" với 4 mẫu tem. Tem do họa sỹ thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế theo phong cách đồ họa.
Tối 19-5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ ra mắt kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Nhân Ngày quốc tế Bảo tàng (18-5) và hưởng ứng "Năm Gia đình Việt Nam - 2013", ngày 19-5, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), tổ chức triển lãm có tên "Mạch nguồn hạnh phúc" trưng bày tác phẩm của các danh họa nổi tiếng về đề tài người mẹ và gia đình.