Di tích một ngôi đền cổ: Phải chăng miếu thờ Chúa Bầu?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/5/2013 | 2:30:36 PM

YBĐT - Ngày nay, nếu đi dọc theo các con sông vùng Tuyên Hóa xưa (sông Lô, sông Chảy, sông Thao) đến đâu ta cũng có thể bắt gặp những thành quách (thành Nhà Bầu), đền đài miếu mạo thờ phụng các Chúa Bầu.

Trong một chuyến du khảo vùng Yên Bình mà xưa là đất Thu Châu, nơi đây thời Trần, Trần Nhật Duật chặn đánh quân Nguyên Mông khi theo đường sông Chảy tiến xuống Đông Đô. Đây cũng là nơi cát cứ của Chúa Bầu (anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật) suốt gần hai thế kỷ (16-17) trấn giữ vùng Tuyên- Hóa “Phò Lê diệt Mạc”, tôi và anh Vũ Tuyên - nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Bình được anh Phạm Đình Phúc - tổ 14A, thị trấn Yên Bình đưa lên gò Đền xem lại vết tích một ngôi đền xưa.

Gò Đền nằm ngay sau nhà anh. Gò hơi cao, chúng tôi phải vất vả leo dốc mới tới nơi. Đỉnh gò tương đối phẳng, đứng đây có thể nhìn xuống hai mặt đường: quốc lộ 70 và đường Phú Thịnh đi Văn Phú. Chung quanh gò là các bãi trồng cây keo của dân nhưng giữa đỉnh còn lại một búi nứa to mà nghe nói trước nay không ai dám đụng đến.

Vòng quanh búi nứa, chúng tôi thu gom được 4 hòn đá tảng kê chân cột và 3 hòn đá khác cùng một bát hương men sứ vẽ hình lưỡng long chầu nhật. Bốn hòn tảng kích thước không đều nhau: trên mặt đều có khoét rãnh lòng máng chạy vòng quanh để lại mặt đá tròn nơi đặt chân cột, có đường kính 24cm; hai hòn tảng lớn có kích thước 50x40x15cm và 40x40x10cm; hai hòn còn lại nhỏ hơn có dạng hơi tròn.

Theo anh Phúc thì các cụ có tuổi trong vùng nói đây là ngôi đền thờ một vị tướng có tên là Mật, đã từng trấn ải và khai phá vùng này thời trước đây, sau này dân lập đền để thờ cúng.

Trở về, xuống chân gò, chúng tôi vào gặp cụ Lương Bá Tục, năm nay cụ đã 81 tuổi. Cụ thuộc đời thứ 5 của dòng họ Lương từ Đông Lý ra ở đây đã lâu. Cụ cho biết xưa kia nơi đây là làng Thân thuộc xã Ký Mã, tổng Đạo Ngạn, châu Thu. Đền làm trên gò cao, nhìn xuống một khe nước, chung quanh cây cối rậm rạp, ngày tuần tiết nhân dân vẫn đi lễ cầu. Ngày nhỏ cụ đã từng được giúp việc cho ông thủ từ (quét dọn, trải chiếu trên đền). Đền có hai gian cột gỗ đường kính khoảng 30cm, mái lợp cọ. Gian trong là hậu cung có đặt bát hương, gian ngoài là tiền tế. Người ta gọi là Đền Làng Thân.

Sau này khi ông từ mất, không có ai trông coi, hương khói nhạt nhòa, ngôi đền trở nên hoang phế…và rồi trong một lần người dân đốt nương, ngọn lửa đã lan đến và thiêu rụi ngôi đền, để lại nền đền với bát hương cùng những chân tảng như ngày nay… Cụ Tục còn nhớ lại, trong lúc  hành lễ trên đền, ông thủ từ có đọc bài khấn như thỉnh mời thần linh chư vị tứ phương, các vị đại vương, tướng lĩnh xưa về…

Trở về nhà, theo những thông tin thu thập được, lần giở theo sử sách để tìm hiểu về ngôi đền:…

Theo “Đồng Khánh Địa dư chí” thì: “Thu Châu do Phủ Yên Bình kiêm lý, có 8 tổng, 40 xã phường… Tổng Đạo Ngạn có 4 xã: Ký Mã, Diên Gia, Đông Lý, Đạo ngạn “. Xã Ký Mã nằm giáp giới với Diên Gia là nơi có Thành Việt Tĩnh (Thành Nhà Bầu).

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì: “Thành cổ Việt Tĩnh ở địa phận xã Diên Gia Châu Thu, do Vũ Văn Mật đắp”.

Cũng theo sách trên thì: “Vũ Văn Mật: nguyên là người xã Ba Đông huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc) trấn Hải Dương, là em Vũ văn Uyên. Hai anh em đều có tài trí và khỏe mạnh, lánh nhà Mạc lên ở xóm Khau Bầu xã Đại Đồng trấn Tuyên Quang (nay là Yên Bình, Yên Bái - tác giả). Địa phương này có một nhà giàu, Văn Mật đến nương tựa, người nhà giàu gả con gái cho. Mật bèn ở đây tập hợp đồ đảng. Bấy giờ Thổ tù châu Thu là người tham tàn, Mật lấy làm tức giận, đem đồ đảng giết đi rồi tự xưng là Đô tướng.

Trước kia Văn Uyên chiếm cứ thành Nghị Lang (nay còn phế tích ở Phố Ràng - Bảo Yên - tác giả) chống nhau với nhà Mạc, sau khi Văn Uyên chết, Mật chiếm cứ Đại Đồng, xưng là Gia Quốc Công, sai người đến hành tại Thanh Hoa xin qui thuận. Vua Lê phong làm Yên Tây Vương, vì có công đánh nhà Mạc, cho lưu thủ Đại Đồng và cho được nối đời quản trị. Lúc bắt đầu anh em Văn Mật từ đất Khau Bầu đến, nên người ta gọi là Chúa Bầu, những thành do Mật xây đắp đều dùng chữ “Bầu” để gọi tên. Nay ở Đại Đồng vẫn có đền thờ…”.

Ngày nay, nếu đi dọc theo các con sông vùng Tuyên Hóa xưa (sông Lô, sông Chảy, sông Thao) đến đâu ta cũng có thể bắt gặp những thành quách (thành Nhà Bầu), đền đài miếu mạo thờ phụng các Chúa Bầu.

Trong một lần du khảo khác, chúng tôi cũng thu thập được một bài văn khấn bằng chữ hán, từ một người họ Lương trước từng thủ đền vùng Thu châu, có nội dung văn tế Gia Quốc Công như sau:

“Yên Bình phủ, Thu châu, Đại Đồng tổng, Chánh tổng từ nhân, lý trưởng, hương hào, kỳ cựu, xã dịch đồng bản tổng đẳng cẩn dĩ…
Đại Vương Thánh tiền
Đức chế tiền Thủy tổ khai sáng Nghị Lang thành, Ninh Bắc quân doanh, Trưởng doanh Phó Đô tướng Thái úy, Hoàng triều vinh phong sắc: Tuấn mại Cương trung cố Lê công thần Gia Quốc Công Vũ Công Mật, gia ban cấp sắc tặng: Anh phong Dực Bảo Trung Hưng Trung đẳng thần, Tĩnh Tây, Hồng Thánh, Duệ Triết, Anh Nghị, Nghĩa Thuận”…
Phải chăng đây là nguyên bản bài khấn cụ thủ đền làng Thân đọc vào những ngày lễ trọng mà cụ Tục đã nghe được?
Đến đây hình như ta thấy các thần linh anh liệt cũng có những kỳ duyên với những người đang sống, nên đã để lại những dấu tích trên đỉnh gò này từ bao nhiêu năm nay cùng với những ký ức của các cụ già ở lớp tuổi sắp ra đi? Nếu không khai thác bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa xưa thì các thế hệ ngày nay và mai sau sẽ không biết đến tiền nhân đã khai sinh lập địa, giữ gìn cương thổ, đất đai xứ sở này và đã từng hiển linh phù hộ độ trì cho xứ sở Yên Bình Trù Phú…

Nhân dịp này chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chuyên môn có thẩm quyền vào cuộc để xem xét xác định di tích nhằm khôi phục lại ngôi đền, để người dân lại được hương khói cầu xin cho xứ này được yên bình mãi mãi…
Đó cũng là nguyện vọng của các cụ cao tuổi, bà con dân phố Yên Bình và cán bộ ở địa phương này.

 Vũ Dương - Hội Khoa học lịch sử Yên Bái

Các tin khác
Các họa sỹ Hà Nội - Yên Bái trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.

YBĐT - Phấn khích trước vẻ đẹp của quê hương Yên Bái nên cứ ngày đi lấy tư liệu là đêm về các họa sỹ vẽ đến tận khuya và say sưa trao đổi về mặt chuyên môn. Hầu hết, các tác giả đã sáng tác những tác phẩm bằng sự tâm huyết, niềm đam mê, lòng tự hào về quê hương đất nước.

Nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa, con người, cuộc sống của các nước Đông Dương, Công ty Riverorchid Digital tổ chức cuộc thi "Indochina Project" (tạm dịch: Hành trình khám phá Đông Dương) - dự án nghệ thuật trình diễn qua kỹ thuật số đầu tiên với quy mô toàn vùng Đông Dương.

Đèn lồng là một trong những đặc trưng tại phố cổ Hội An.

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 sẽ chính thức được tổ chức từ ngày 22 – 26/6. Đây không chỉ là Fesitival để quảng bá văn hóa, phát triển du lịch mà còn là nơi hội tụ kết nối các di sản thế giới.

Nổi lửa thổi cơm – Tác giả người Ý Davide Fiorenzo De Conti chụp tại Sapa.

Thế giới ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều những bức ảnh chụp con người, đất nước Việt Nam xuất hiện trong những cuộc thi của giới nhiếp ảnh toàn cầu. Những tay máy đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã cùng có niềm cảm hứng bất tận về Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục