Hát iếu- Nét văn hoá đặc sắc của người Tày Lục Yên
- Cập nhật: Thứ hai, 27/5/2013 | 9:40:51 AM
YBĐT - Trong kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc Tày, ở mảng dân ca trữ tình, lâu nay chúng ta biết nhiều đến hát khắp, hát cọi, hát phong slư, hát quan làng….nhưng có rất ít người sưu tầm, giới thiệu và biết đến hát iếu - những làn điệu dân ca trữ tình đối đáp giữa nam và nữ của người Tày ở Lục Yên.
Hát quan làng của người Tày Lục Yên.
|
Hát iếu được lưu truyền chủ yếu trong vùng người Tày phía tây của tỉnh Hà Giang và phía đông của tỉnh Yên Bái, phổ biến là ở các xã Mường Lai, Minh Xuân… của Lục Yên (Yên Bái), dưới phương thức truyền khẩu. Hát iếu có nhiều đặc điểm khác biệt với các làn điệu hát khác của người Tày từ nội dung, trình tự cuộc hát đến cách thức tổ chức.
Không gian, thời gian, địa điểm iếu thường là ở nhà một gia chủ nào đó có đám cưới hoặc một địa điểm công cộng tổ chức lễ hội xuân, như lễ hội lồng tồng, lễ cầu yên, cầu phúc đón mừng năm mới, lễ hội giã cốm, lễ hội rằm tháng Giêng, rằm tháng Bẩy…. Nghĩa là iếu thường được diễn ra vào mùa cưới và mùa đi chơi hội, lúc nông nhàn hoặc mùa đông khi đã thu hoạch xong mùa màng.
Trong các lễ hội này những chàng trai, cô gái vừa vui chơi, vừa tìm bạn để hát giao duyên, đối đáp. Hát iếu không chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa mà còn thực hiện chức năng trao đổi tình cảm lứa đôi, biểu hiện nét đẹp trong phong tục, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc.
Cuộc hát thường chỉ có một trai, một gái và phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Khi đã có vợ, có chồng thì không được đi iếu với nhau nữa. Điểm khác nữa là đối tượng iếu phải là người từ nơi xa đến. Người cùng họ, cùng làng, cùng xã, những người quen biết hàng ngày thường gặp nhau thì không bao giờ iếu với nhau.
Trong luật tục liên quan đến iếu có một điều đặc biệt kiêng kỵ, đó là không được iếu trong đám tang. Những người trong thời gian thụ tang (theo quy định của người Tày là ba năm) thì không được đi iếu, phải sau khi đã làm lễ đoạn tang (mãn tang) thì con cháu mới được đi iếu. Ai vi phạm sẽ bị cộng đồng chê trách.
Nội dung iếu thường chia thành các loại: iếu định rườn (định duyên), iếu phật phoòng (dậy sóng), iếu sỏi (nói kháy), iếu tạ (hát đố). Tuy nhiên không phải cuộc yếu nào cũng đầy đủ nội dung trên mà tùy từng diễn biến. Mở đầu cuộc hát có đoạn: Bên trai hát: “…Thíp giờ chắng đảy giờ nay miac/ Pác giờ chắng đảy giờ náy đay/ Giờ đay vằn pì so khay pác/ Giờ miac vằn pì so khay cằm/ Khay pác bởi nộc đăm/ Khay cằm đởi nộc yểng/ Chắc pần tiểng pía a lừ bấu/ Chắc pần tối mon loàn lường than pía nhị lừ bấu…”. (…Mười giờ mới được giờ này hay/ Trăm giờ mới được giờ này tốt/ Giờ hay anh mở miệng/ Giờ tốt anh mở lời/ Mở lời với chim khướu/ Mở miệng cùng chim yểng/ biết nên lời đáp em được không/ Biết nên đôi gối hoa trả nghĩa được không…). Bên gái hát: “Tộc vì thủ cằm miac/ Quạt vì thủ cằm đay/ Cằm đay noọng mí hẳư tốc phạc/ Cằm miac noọng mí hẳư tốc tôm/ Cằm đay khửn giường ngần đởi noọng…”. (Xoè quạt đón lời hay/ Múa quạt nâng lời đẹp/ Lời hay em không cho rơi giát/ Lời đẹp em không cho qua lòng/ Lời hay lên giường bạc với em…).
Trình tự cuộc hát thường là chào nhau, mời nhau hát, hát tìm hiểu, tâm tình, giãi bày rồi tiếp các đoạn xe kết, định duyên hoặc iếu chia tay hẹn ước. Sau khi đã chào nhau, mời nhau hát, bên trai ướm hỏi: “Rườn noọng tẳng thung lụ tẳng tắm/ Mẻn mác phung tao lăn lừ bấu/ Bén mác mặn tằng cáng táo thâng lừ bấu/ Thửa lằm pì mừa phác đảy bấu/ Toọng dác pì mừa ngài đảy bấu/ Báo đai pì mừa tô đảy bấu…”. (Nhà em dựng thấp hay dựng cao/ Ném quả mơ có trúng được không/ Ném quả mận cả cành có tới được không/ áo ướt anh đến phơi được không/ Đói lòng anh đến ăn cơm được không/ Trai chưa vợ đến trọ được không…). Bên gái hát: “Rườn noọng thau mạy nẻng/ Tẳng dóng déng chang tàng/ Thửa lằm pì mừa phiác là mừa/ Toọng dác pì mừa ngài là mừa/ Báo đai pì mừa tô là mừa…”. (Nhà em cột sa nhân/ Dựng chông chênh bên đường/ áo ướt anh đến phơi thì đến/ Đói lòng anh đến ăn cơm thì đến/ Trai chưa vợ đến trọ thì trọ…).
Nếu như các làn điệu hát khác của người Tày thường hát theo bài bản có sẵn thì ở iếu biên độ sáng tác, ứng khẩu rộng và tự do hơn nhiều. Do vậy người tham gia iếu phải thông minh, nhanh nhạy, có tài ứng tác. Tuy nhiên ở iếu cũng có những bài hát khuôn mẫu làm khung sườn để iếu vận dụng và sáng tạo, người iếu phải thuộc những bài mẫu đó.
Thường sau các cuộc hát iếu, các đôi trai gái tiếp tục tìm hiểu và tiến tới hôn nhân. Cũng theo luật tục, qua iếu nếu đôi trai gái đã nặng lòng thề thốt yêu đương, quyết thành thân với nhau, vì một lý do khách quan nào đó mà một hoặc hai bên gia đình cản trở chuyện trăm năm của họ thì đôi trai gái đó được quyền tự nguyện lấy nhau, đến ở với nhau không qua cưới xin mà không bị cộng đồng chê trách hoặc tẩy chay. Trong xã hội phong kiến xưa, với sự nghiêm ngặt của luật tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì đây quả là một điều tiến bộ và rất nhân văn.
Tôi chưa thấy văn bản nào ghi chép về iếu. Chủ yếu là truyền khẩu nên hát iếu dễ mất đi theo sự mất dần của các nghệ nhân cao tuổi nếu không được lưu truyền và gìn giữ.
Nông Quang Khiêm
Các tin khác
Phim về đề tài đồng tính nữ của điện ảnh Pháp “Blue is the Warmest Colour” đã vinh dự giành giải thưởng cao nhất tại LHP Cannes 2013.
Hướng về biển đảo quê hương với những tình cảm thân thương đang là chủ đề nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Để cổ vũ cho những tình cảm hết sức ý nghĩa này, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Biển đảo của chúng ta” tại 2 điểm cầu Hà Nội và Trường Sa lúc 20 giờ 5 ngày 7-6 trên kênh VTV1 và VTV4.
Được nhận định ban đầu chỉ có giá 75 USD, nhưng bức tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh cuối cùng đã lập kỷ lục mới cho tranh Việt Nam khi được đấu giá tại Hong Kong với giá 390.000 USD, tương đương hơn 8 tỷ đồng
Trong dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, tiếp theo ba cuốn sách "Cuộc sống không giới hạn," "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" và "Sống cho điều ý nghĩa hơn" của Nick, First News-Trí Việt tiếp tục cho ra mắt cuốn sách thứ tư "Cái ôm kỳ diệu" của anh.