Nhớ thị xã Yên Bái một thời
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/5/2013 | 3:04:19 PM
YBĐT - Tôi muốn đưa tới người xem hai bức ảnh, một là sự “hủy diệt” mà phi công Mỹ đã dã tâm trút xuống thị xã Yên Bái xưa, hai là tấm ảnh “còn lại” của một góc Thư viện Tổng hợp Yên Bái. Hai bức ảnh sẽ tự nói lên điều nhân loại hằng quan tâm: cái ác hại phi nhân tính sẽ mất, cái còn lại là văn hóa, là công sức của nhân dân.
Một góc Thư viện Tổng hợp tỉnh Yên Bái còn sót lại sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
|
Thị xã Yên Bái không thể nào quên được những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phải nói Yên Bái là một trong những tỉnh giành được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, những cốt cán cách mạng đã có mặt trong thị xã để đến ngày 23 tháng 8 năm 1945, cờ đỏ sao vàng đã chiếm lĩnh toàn thị xã với cuộc mít tinh của nhân dân tràn đầy hứng khởi trước thắng lợi của cách mạng.
Nhưng vận nước luôn có những cam go ngoài ý muốn. Cuộc đại hy sinh lần thứ nhất của thị xã Yên Bái là công cuộc “tiêu thổ kháng chiến”. Người dân tự tay mình đập phá nhà cửa của mình để đi tản cư, biến thị xã thành nơi vườn không nhà trống, đề phòng quân Pháp chiếm đóng thị xã. Ta hình dung cả thị xã thời ấy chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát hoang tàn; ga tàu, đường sắt, cầu cống bị dỡ tung, những đoàn tàu bị lật đổ, những đầu máy bị lao xuống sông, nhường chỗ cho lau lách hoang dại chiếm lĩnh.
Cứ thử ngẫm, một đất nước nghèo khổ chiu chắt vậy mà phải làm việc tự phá hết thảy những gì mình đã xây dựng nên quả là cực chẳng đã. Vì đại cục, vì những gì lớn lao hơn, người dân Yên Bái đã tự nguyện dâng hiến mọi của cải vật chất cho công cuộc cách mạng. Hi sinh ấy là vô giá. Ngày nay, mỗi khi dạo bước trên các nẻo phố Yên Bái, tôi vẫn như thấy hình ảnh hào hùng ấy hiện về...
Cũng từ thị xã này, bao lớp người trai tráng đã khoác áo chiến binh lên đường cứu nước. Đó là sự tình nguyện đầy lãng mạn, đó còn là kỷ niệm không phai mờ, đã là thi hứng để nhà thơ Lê Đạt bật lên câu thơ trong bài thơ hằn vào trí nhớ:
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên đất Yên Bái chất chồng bom đạn. Pháp đã ném bom giết hại bao người ở Bách Lẫm, ở miếu Đôi Cô, ở bến phà Âu Lâu. Bom đạn thế cũng không ngăn được những đoàn thuyền chở đạn dược, quân lương cho mặt trận. Bom đạn thế cũng không ngăn được những bến sông đêm đêm đón đưa bộ đội, dân công đi chiến dịch giải phóng Tây Bắc, giải phóng Điện Biên. Cuộc kháng chiến gian khổ đã để lại bến “Âu Lâu lịch sử” lưu mãi trong ký ức thời gian.
Ảnh tư liệu do phi công Mỹ chụp thị xã Yên Bái bị hủy diệt ngày 31/5/1966.
Cuộc đại hy sinh lần thứ hai của thị xã Yên Bái là vào những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cả thị xã hoang tàn trong bom lửa. Tôi tự hỏi không hiểu sao Mỹ lại thâm thù Yên Bái đến vậy? Cái đó chắc chỉ các phi công Mỹ ném bom xuống Yên Bái mới có câu trả lời thỏa mãn. Dai dẳng từ năm 1965 cho đến các năm sau, thị xã Yên Bái luôn là mục tiêu trút bom của phi cơ hiện đại Mỹ. Cuồng hại nhất là trận oanh tạc diễn ra trong ngày 31 tháng 5 năm 1966, hàng chục cây số vuông tan hoang. Tôi có hỏi ông Trần Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin Yên Bái về trận bom kinh hoàng này.
Ông Nam kể rằng, các cơ quan và dân đã sơ tán qua sông Hồng và các khu rừng ngoại vi thị xã. Trận oanh tạc hôm ấy suốt một ngày với đủ các loại máy bay F105, F4, F111… đến quần đảo trút bom và bắn tên lửa. Cả thị xã chìm trong khói bụi.
Về tư liệu, tôi đã có trong tay tấm ảnh hiếm hoi do chính phi công Mỹ chụp từ trên máy bay đề ngày 31 tháng 5 năm 1966 (Yen Bay, May 31, 1966) có thể thấy rõ cảnh mờ mịt điêu tàn mỗi lần máy bay trút bom xuống khu trung tâm thị xã. Tấm ảnh ấy đã tự tố cáo dã tâm của những kẻ điên rồ khát máu. Viên phi công đâu biết tấm ảnh ấy đã đóng đinh tội ác của “văn minh” Mỹ đối với Yên Bái.
May thay, sau những cuộc oanh tạc khốc liệt của đế quốc Mỹ, thị xã vẫn còn “sống sót” hai ngôi nhà, đó là Thư viện Tổng hợp tỉnh và khu nhà của Ty Tài chính cũ. Dấu vết của đạn bom vẫn còn trên tầng 2 của một ngôi nhà. Đấy là kiến trúc còn sót lại xây dựng từ thời hòa bình thứ nhất vào những năm 1960. Đấy cũng là ký ức của thị xã. Tôi nghĩ nên có tấm biển ghi trước các ngôi nhà ấy dòng chữ “Chứng tích còn sót lại của chiến tranh”. Nên bảo tồn những ngôi nhà ấy để nói với mai hậu những gì thiêng liêng cần gìn giữ.
Nhắc tới điều này, nhớ năm 2002, tôi có dịp sang Cộng hòa Đức, phía Tây Berlin có ngôi “Nhà thờ cụt” bởi bị bom tàn phá thời thế chiến thứ 2, chỉ còn trơ lại tháp chuông, họ vẫn bảo tồn nguyên vẹn sự đổ vỡ, trở thành nơi thăm quan, nhắc nhở loài người về những tổn thất do sự ngông cuồng mù quáng của chiến tranh gây nên. Tôi cho rằng, những ngôi nhà “sống sót” dù kiến trúc đã lạc hậu, dù ai đang là chủ sở hữu cũng cần phải được gìn giữ, tôn tạo. Đấy là lương tâm của hậu thế đối với những gì thế hệ trước tạo dựng và trân quý.
Tôi muốn đưa tới người xem hai bức ảnh, một là sự “hủy diệt” mà phi công Mỹ đã dã tâm trút xuống thị xã Yên Bái xưa, hai là tấm ảnh “còn lại” của một góc Thư viện Tổng hợp Yên Bái. Hai bức ảnh sẽ tự nói lên điều nhân loại hằng quan tâm: cái ác hại phi nhân tính sẽ mất, cái còn lại là văn hóa, là công sức của nhân dân.
Ngọc Bái
Các tin khác
Ngày 30-5, tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tổ chức trao giải cuộc thi ý tưởng thiết kế kiến trúc tháp Hùng Vương lần thứ hai. Trong 39 phương án đủ điều kiện dự thi, Ban tổ chức đã chấm điểm và lựa chọn được hai phương án đạt giải A và sáu phương án đạt giải khuyến khích.
YBĐT - Nhà thơ Nông Quang Khiêm dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, Yên Bái. Anh tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Anh đã xuất bản 2 tập sách viết về thiếu nhi: "Cánh diều tuổi thơ" và "Rừng Pha Mơ yêu dấu".
Sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa đậm bản sắc của dân tộc M’Nông khiến niềm say mê văn hóa dân gian M'nông, trong đó có đàn đá ăn sâu vào Phạm Văn Phương.
Ngày 29/5, Bưu điện Hoàng gia Anh đã phát hành bộ tem nhân dịp kỷ niệm 60 năm lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức long trọng vào ngày 4/6.