Bộ sưu tập 841 ảnh của 532 loài chim Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 9/7/2013 | 8:20:04 AM
Khu hệ chim Việt Nam phong phú và đa dạng với tổng số 874 loài được ghi nhận. Tuy nhiên, các nghiên cứu về chim vẫn còn hạn chế, đặc biệt là việc xuất bản các ấn phẩm liên quan.
Trong hơn 30 năm gần đây, chỉ có một số ấn phẩm tiêu biểu liên quan đến nhóm ngành như cuốn Chim Việt Nam - hình thái và phân loại (Võ Quý, Nguyễn Cử, tập I, 1975, tập II, 1981), Danh lục chim Việt Nam (Võ Quý, Nguyễn Cử, 1995) và Chim Việt Nam (Nguyễn Cử cùng cộng sự, 2000). Việc xuất bản các ấn phẩm sử dụng ảnh minh họa hiện đã và đang được nhiều nước trên thế giới và khu vực lưu tâm. Các ấn phẩm xuất bản đã được nhiều độc giả quan tâm, không những bổ sung giá trị về khoa học mà còn có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn, nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Thế nhưng ở nước ta, các ấn phẩm hướng dẫn định loại sử dụng hình ảnh còn rất hạn chế, chỉ dừng lại ở mức độ khu hệ chim của các vườn quốc gia như cuốn Chim Phú Quốc (Lê Mạnh Hùng, 2006) và Chim vườn quốc gia Xuân Thủy (Nguyễn Viết Cách cùng cộng sự, 2010).
Trong bối cảnh ấy, Giới thiệu một số loài chim Việt Nam (Lê Mạnh Hùng, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ) ra đời như cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn. Đây là ấn phẩm đầu tiên, hoàn chỉnh nhất về bộ sưu tập ảnh của hơn 50% loài chim Việt Nam, do chính tác giả chụp trên khắp mọi miền đất nước. Sách giới thiệu 532 loài chim ghi nhận tại Việt Nam thông qua 841 bức ảnh. Trong đó có 6 loài đặc hữu, 25 loài bị đe dọa trên toàn cầu và 21 loài bị đe dọa, được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam.
Phần lớn ảnh được tác giả chụp trong các chuyến lên rừng xuống biển từ năm 2006 đến năm 2012 tại rất nhiều sinh cảnh khác nhau, từ đỉnh Fansipan (Vườn quốc gia Hoàng Liên), Vườn quốc gia Cúc Phương, đỉnh Chư Yang Sin (Vườn quốc gia Chư Yang Sin), Vườn quốc gia Côn Đảo, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu… đến tận cùng phía Nam của Tổ quốc (sân chim Cà Mau).
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam, cho biết: “Tôi hy vọng cuốn sách không chỉ bổ sung, cập nhật các thông tin khoa học về ghi nhận loài, vùng phân bố mà còn từng bước nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của các loài động vật hoang dã nói chung và các loài chim nói riêng”.
Ở Việt Nam, loại hình du lịch xem chim (bird-watching) đã khá nhộn nhịp từ chừng gần 20 năm nay. Mỗi năm có hàng ngàn đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam xem, nghiên cứu hệ chim. Một bộ phận nhỏ người Việt Nam cũng bắt đầu tìm đến loại hình du lịch lý thú này. Giới thiệu một số loài chim Việt Nam chắc chắn là một cuốn cẩm nang bổ ích cho giới nghiên cứu và những người xem chim.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Đêm chung kết khu vực phía Bắc giải Sao Mai vừa diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội. Hãy cùng điểm mặt 9 thí sinh lọt vào chung kết toàn quốc - những ứng viên nặng ký cho mùa giải năm nay.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013-2020".
Sau khi kết thúc Bí mật tam giác vàng, bắt đầu từ ngày 9-7, VTV3 ra mắt bộ phim truyền hình mới Váy hồng tầng 24 (phát sóng lúc 21g20 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần).
YBĐT - Năm 1996-1998, tạp chí Văn hoá văn nghệ Công an tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài an ninh. Cuối năm 1998, cuộc thi đã vào chặng nước rút, nhà văn Hữu Ước - Tổng Biên tập Văn hoá văn nghệ Công an có mời một số nhà văn như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Chu Lai, Ma Văn Kháng... tới toà soạn để họp và "thúc bài" tham dự.