Sửa Luật Đất đai: Vấn đề vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ được quan tâm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/3/2023 | 8:15:23 AM

Có ý kiến cho rằng việc cả vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ đồng thời góp phần thực hiện bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư
Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chiều 2/3, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh các ý kiến góp ý vào tổng thể toàn văn các quy định trong dự thảo luật, vấn đề giới cũng đã được để xuất lồng ghép vào trong các quy định tại dự thảo luật lần này, đặc biệt là hướng việc cấp đổi giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải có đầy đủ cả tên vợ và chồng. Việc cấp đổi này cần quy định luôn trách nhiệm là của Chính phủ. 

Việc cả vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ sẽ góp phần hạn chế tranh chấp tài sản, cũng như nguy cơ lừa đảo có thể xảy ra; đồng thời góp phần thực hiện bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đặc biệt quan tâm

Đối với công tác quản lý, quy hoạch đất đai là căn cứ giải quyết các yêu cầu về đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất và quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Vì vậy, một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Không ít cán bộ lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo cấp sở, cho đến lãnh đạo cấp tỉnh đã bị vướng vào lao lý trong những năm qua do chỉ căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không xem xét sự phù hợp với các quy hoạch khác. Do vậy, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng tuy đã có quy định nhằm khắc phục tình trạng này, nhưng vẫn cần phải rõ ràng hơn mới xử lý được triệt để thực trạng chồng chéo trong các quy hoạch.

"Trong điều 60 khoản 1 chưa được rõ ràng, cái nào có trước cái nào có sau. Quy định ngành khác là quy hoạch gì, ví dụ đặc biệt là quy hoạch đô thị nông thôn. từ quy hoạch nông thôn sẽ xác định ra các nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích khác nhau và người ta bố trí khu vực nào là đất ở, chỗ nào là đất thương mại dịch vụ, chỗ nào là hệ thống giao thông, công nghiệp... Đấy chính là cơ sở quan trọng để xây dựng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất", TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, cho biết.

Nhiều địa phương cho rằng, việc quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện đến từng thửa đất như trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ gây khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

"Liên quan đến quá trình sử dụng đất thì nhân dân có thể có nhu cầu tách thửa, hợp thửa đất, do vậy lập quy hoạch từng thửa đất có sự biến động, vì quy hoạch chi tiết phải có số lượng từng thửa do vậy khi biến động khó quản lý", ông Nguyễn Duy Giang, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, Hà Nội, đánh giá.

Để khai thác tối đa nguồn lực đất đai, liên quan đến đất sử dụng đa mục đích, tại hội nghị lấy ý kiến của 25 tỉnh, thành góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện tỉnh Bắc Kạn cho rằng cần phải bổ sung quy định về đất sử dụng đa mục đích.

"Trong đất sử dụng đa mục đích ở điều 209 có quy định được sử dụng nhưng phải phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, vậy trong quy hoạch rõ ngay quy hoạch loại đất đa mục đích này để sử dụng đa mục đích như thực tế nay, địa phương chúng tôi có những khu vực quy hoạch sử dụng cho khoáng sản rất lớn nhưng khai thác khoáng sản chỉ khai thác hầm lò. Toàn bộ phía trên hàng nghìn ha trên mặt đất chúng tôi muốn sử dụng các mục đích khác như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh nhưng không sử dụng được vì không phù hợp quy hoạch sử dụng đất", bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, nói.

Điều chỉnh quy hoạch cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), theo đó, các ý kiến cho rằng cần có những quy định chặt chẽ hơn về việc điều chỉnh quy hoạch để hạn chế tình trạng tự do, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch, đồng thời về thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cũng cần phân cấp theo hướng, phải có sự đồng ý của cấp trên, cấp dưới mới được điều chỉnh.

(Theo VTV)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục