Hy Lạp chính thức nhậm chức Chủ tịch luân phiên EU
- Cập nhật: Thứ năm, 9/1/2014 | 1:23:30 PM
Ngày 8/1, Hy Lạp đã chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) nhiệm kỳ 6 tháng.
Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras tại lễ chuyển giao ở Athens ngày 8/1.
|
Đây được xem là thử thách lớn đối với một quốc gia từng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, khiến "lục địa già" rơi vào cảnh điêu đứng trong suốt 4 năm qua.
Phát biểu tại buổi lễ nhậm chức của Athens, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đều nhấn mạnh Hy Lạp cần tiếp tục nỗ lực để thoát khỏi khủng hoảng và không được làm chậm tiến trình cải cách.
Chủ tịch EC Barroso cho rằng với những nỗ lực đầy ấn tượng, hy vọng Athens sẽ thoát khỏi suy thoái trong năm nay và đạt thặng dư ngân sách ban đầu phù hợp với dự toán ngân sách của chính phủ.
Sau 4 năm liên tiếp chìm trong suy thoái và phải nhờ vào sự trợ giúp của nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) với khoản vay 250 tỷ euro từ năm 2010, kinh tế Hy Lạp sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại từ năm 2014.
Chủ tịch EC Barroso cho rằng chương trình trợ giúp EU-IMF đối với những quốc gia bị ảnh hưởng của khủng hoảng như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục, nhưng các nước không được chủ quan.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy bày tỏ tin tưởng năm 2014 sẽ là năm tốt lành hơn cho châu Âu, và EU sẽ đạt được những mục tiêu đặt ra. Ông nhấn mạnh mục tiêu chung của cả Hy Lạp với tư cách Chủ tịch EU nói riêng, cũng như của châu Âu nói chung là việc làm, tăng trưởng và an ninh.
Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras tuyên bố sẽ mang lại hy vọng cho châu Âu trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên này, và việc Athens rút khỏi chương trình cứu trợ quốc tế trong năm 2014 để trở lại thị trường tài chính sẽ khẳng định điều đó.
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Hy Lạp Evangelos Venizelos cũng nêu bật ý nghĩa của sự kiện này, khẳng định đây là trách nhiệm lớn đối với Hy Lạp, quốc gia đang dần bước ra từ cuộc khủng hoảng kéo dài suốt trong 4 năm qua.
Theo ông Venizelos, ngoài việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới và hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 13, Hy Lạp còn phải thúc đẩy xây dựng Liên minh ngân hàng, chính sách tăng trưởng kinh tế liên quan tới lợi ích của Hy Lạp và các nước thành viên EU.
Bên cạnh đó, việc khắc phục những vấn đề kinh tế-xã hội do làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu cũng là một trong những vấn đề trọng điểm buộc Hy Lạp phải xử lý.
Là "cội nguồn" phát sinh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi chương trình cứu trợ quốc tế song theo các số liệu thống kê mới nhất của Athens, Hy Lạp đã kết thúc đợt suy thoái kinh tế kéo dài hơn 4 năm qua và sẽ khôi phục tăng trưởng trong năm 2014, mặc dù mức tăng không đáng kể.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Nguồn tin ngoại giao từ Pháp cho biết các nhà lãnh đạo khu vực đã mất kiên nhẫn với Tổng thống Djotodia.
Triều Tiên đã hoàn thiện và khai trương một công viên nước tại thành phố Hamhung ở phía đông nước này, hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên thông báo tin này hôm qua 8/1, đúng ngày sinh nhật nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
Các nhà chức trách y tế Canada hôm 8/1 xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong do bị nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 tại khu vực Bắc Mỹ.
Liên minh dân tộc Syria - phe đối lập lưu vong của nước này tiếp tục trì hoãn việc đưa ra quyết định có tham dự Hội nghị hòa bình Geneva 2 ở Thụy Sỹ ngày 22/1 tới hay không.