Thủ đô Bangkok tê liệt vì 20.000 người biểu tình
- Cập nhật: Thứ ba, 14/1/2014 | 8:01:21 AM
Hàng chục nghìn người biểu tình chống chính phủ ngày 13/1 đã tràn ra các đường phố ở thủ đô Bangkok, làm tê liệt giao thông ở khu vực nội đô trong một chiến dịch nhằm lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Người biểu tình Thái Lan hôm nay thực hiện kế hoạch "đóng cửa thủ đô".
|
Khoảng 20.000 người biểu tình tự xưng là thuộc Uỷ ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã tụ tập tại nhiều con đường chính ở trung tâm thủ đô Bangkok, khiến người tham gia giao thông không thể đi lại. Phe biểu tình đã chất một loạt bao cát, lốp xe cùng với những chiếc xe tải lớn ở hai khu vực đường giao nhau Chaeng Wattana và Lad Prao nhằm ngăn cản mọi người đi vào khu vực nội đô.
Lực lượng biểu tình còn dựng lên hàng loạt bục sân khấu ở những khu vực đường giao nhau khác để thu hút thêm người ủng hộ. Hàng nghìn người biểu tình tụ tập ở các nơi này, nhiều trong số đó đến từ các tỉnh khác. Những địa điểm bị lèn kín người biểu tình ở thủ đô Bangkok gồm Pathumwan, Saladaeng, Lad Prao, Đài Chiến thắng, Lumpini, Rajprasong và Asoak.
Ông Suthep – thủ lĩnh của phe biểu tình, tuyên bố, kế hoạch “đóng cửa thủ đô Bangkok” của họ có thể sẽ kéo dài mãi nhằm gây sức ép, buộc chính phủ của Thủ tướng lâm thời Yingluck Shinawatra phải từ chức.
Thủ tướng Yingluck đã tổ chức mọt cuộc họp với các quan chức cấp cao phụ trách an ninh tại văn phòng của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ở Muang Thong Thani, cách khu vực bị người biểu tình chiếm đóng Chaeng Wattana vài km.
Quyền Bộ trưởng Giao thông Chatchart Sithipun cho biết, tình hình đi lại trong thủ đô hôm nay sẽ không quá nghiêm trọng bởi nhiều người đã chọn cách tránh các con đường bị người biểu tình chiếm đóng hoặc xin nghỉ việc. Tuy nhiên, vào ngày 14/1 hoặc những ngày sau đó trong tuần, mọi việc có thể sẽ tệ hơn.
Nhiều trường học ở thủ đô Bangkok phải đóng cửa và học sinh sẽ ở nhà cho đến ngày 14/1 hoặc ngày 15/1.
Hàng nghìn cảnh sát và binh lính không được trang bị vũ khí đã được triển khai khắp các khu vực xung quanh những toà nhà chính phủ - nơi lực lượng biểu tình đặt mục tiêu bao vây và chiếm đóng.
Những cuộc đối đầu và đụng độ giữa lực lượng biểu tình và các thành phần khác có thể đã xảy ra ở Chaeng Wattana, Lad Prao và Đài Chiến thắng. Đêm 12/1, một tay súng không rõ danh tính đã nã súng vào người biểu tình ở gần một tổ hợp rộng lớn của chính phủ, bắn trúng vào cổ một người. Nạn nhân này đã phải nhập viện.
Trong một vụ việc riêng rẽ khác, sáng sớm 13/1, một tay súng đã bắn khoảng 10 phát đạn vào trụ sở của Đảng Dân chủ đối lập, làm vỡ tan tành nhiều cửa sổ nhưng không gây ra thương vong.
Lực lượng cảnh sát và binh lính hùng hậu được triển khai nhưng chỉ để giám sát khi thành phố 12 triệu dân bị đóng cửa bởi người biểu tình. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính phủ sẵn sàng dùng vũ lực chống lại người biểu tình.
2 triệu người bị ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình ở Bangkok
Kế hoạch đóng cửa thủ đô Bangkok của lực lượng biểu tình chống chính phủ đã gây ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người ở thủ đô, báo chí địa phương ngày 13/1 cho biết.
Theo nguồn tin báo chí, ước tính 680.000 người dân sống ở các khu vực bên trong và gần các địa điểm biểu tình bị ảnh hưởng. Ngoài ra có 440.000 sinh viên và 1,2 triệu người làm việc trong khu vực cũng không tránh khỏi bị tác động bởi tình hình hiện tại.
Cuộc biểu tình đóng cửa thủ đô Bangkok cũng làm ảnh hưởng đến 4,8 triệu chuyến đi của các phương tiện giao thông.
Các hãng hàng không đã phát hành những thẻ dán đặc biệt cho khoảng 6.000 phương tiện taxi để lực lượng biểu tình chống chính phủ biết đó là những chiếc xe chở du khách và cho họ đi qua các con đường bị lực lượng này phong toả.
Phe biểu tình đang đòi thay thế chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck bằng một hội đồng nhân dân không phải do dân bầu lên. Hội đồng này sẽ thực hiện các cải cách chính trị trước khi tiến hành bầu cử. Rất nhiều học giả và các nhà phân tích đã lên tiếng chỉ trích đòi hỏi trên của người biểu tình bởi theo họ, đó là hành động phi dân chủ. Giới chuyên gia kêu gọi thúc đẩy kế hoạch tổ chức cuộc tổng tuyển cử đúng như dự kiến vào ngày 2/2 tới bất chấp sự tẩy chay của phe đối lập.
Trong một bài phát biểu được đưa ra chiều tối 12/1, thủ lĩnh Suthep đã nhắc đi nhắc lại tuyên bố, ông này cũng như những người ủng hộ sẽ không bao giờ nhượng bộ để nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
"Trong cuộc chiến này, thất bại là thất bại và chiến thắng là chiến thắng. Không có chuyện hoà. Người dân ở mọi tầng lớp đã thức tỉnh. Họ đã nhận thức được rằng, họ mới chính là chủ nhân của đất nước Thái Lan”, ông Suthep cho biết.
Lực lượng biểu tình chống chính phủ thề sẽ xoá bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của gia đình Shinawatra ra khỏi chính trường Thái Lan.
Tuy nhiên, ông Suthep và người biểu tình quên mất một thực tế giản đơn rằng dù thích hay không thích bà Yingluck vẫn giành được sự ủng hộ của người dân nghèo, người dân ở vùng nông thôn chiếm đa số ở quốc gia Đông Nam Á. Và vì thế, chính phủ bà không thể được coi là không đại diện cho ý chí và mong muốn của người dân như lời ông Suthep phát biểu.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Iran bắt đầu cắt giảm chương trình hạt nhân theo thỏa thuận đã ký với Mỹ kể từ ngày 20/1. Iran cam kết sẽ loại bỏ một số kho dự trữ uranium, theo tuyên bố của Nhà Trắng.
7 nút giao thông ở Bangkok vừa bị Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) Thái Lan đóng cửa đúng như dự kiến ban đầu vào lúc 6h44 sáng nay, 13/1.
Kênh truyền hình PressTV của Iran ngày 13/1 đưa tin, có ít nhất 110 người bị thương trong các vụ đụng độ gần đây giữa lực lượng cảnh sát và những người biểu tình Palestine bên ngoài trại tị nạn Jelazoun nằm ở phía Bắc thành phố Ramalla thuộc Bờ Tây.
Các chỉ thị của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ được truyền đạt tại hội nghị hòa bình về Syria, còn gọi là hội nghị Geneva 2.