Phe đối lập Thái Lan đòi hủy bầu cử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/2/2014 | 8:23:39 AM

Thái Lan lên kế hoạch tiến hành bầu cử bổ sung giữa lúc phe đối lập gây sức ép đòi giải tán đảng cầm quyền.

Bầu cử bổ sung ở Thái Lan được dự đoán sẽ khó thành công.
Bầu cử bổ sung ở Thái Lan được dự đoán sẽ khó thành công.

Đợt bỏ phiếu bổ sung được Ủy ban Bầu cử Thái Lan ấn định vào ngày 23.2, dành cho những cử tri bị người biểu tình ngăn cản hoặc những khu vực không thể mở cửa phòng bỏ phiếu. Theo cơ quan bầu cử nước này, chỉ có hơn 20,46 triệu cử tri đến được nơi bỏ phiếu trong số 44,65 triệu người đủ quyền bầu cử, tức chưa đến một nửa số cử tri đi bầu vào ngày 2.2. Tình trạng chống phá, ngăn cản bầu cử xảy ra ở những khu vực được cho là cứ địa của phe đối lập như miền nam và cả thủ đô Bangkok.

Hôm qua 4.2, đảng Dân chủ đối lập đã phản đối quyết định tổ chức bầu cử bổ sung và yêu cầu tòa án hiến pháp hủy bỏ cuộc bầu cử ngày 2.2 vì vi hiến. Đảng Dân chủ cũng yêu cầu giải thể đảng cầm quyền Puea Thai. Đảng đối lập cho rằng người của Puea Thai vi hiến khi tự công bố kết quả bầu cử trong khi cơ quan chịu trách nhiệm chưa công bố kết quả kiểm phiếu. Một ngày sau bầu cử, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubumrung tuyên bố Puea Thai giành được 300 trong tổng số 500 ghế của quốc hội. Theo đảng Dân chủ, việc công bố này sẽ phân tán quyền lựa chọn của cử tri trong đợt bầu cử bổ sung.

Các chuyên gia luật cho biết việc hủy bỏ cuộc bầu cử không thực sự có cơ sở pháp lý song trong lịch sử tòa án hiến pháp từng nhiều lần ra phán quyết chống lại các đảng trung thành với gia đình của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tòa này đã hủy bỏ cuộc bầu cử vào năm 2006 và từng hai lần giải tán các đảng được xem như là tiền thân của đảng Puea Thai.

Giới quan sát cho rằng bầu cử đợt 2 sẽ khó tránh khỏi số phận như đợt 1 vì phe biểu tình tuyên bố tiếp tục ngăn cản bầu cử bất chấp việc cảnh sát huy động cả trăm ngàn quân với sự hỗ trợ của quân đội. Tham mưu trưởng bộ binh Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, tiếp tục khẳng định quân đội không can thiệp để giải quyết căng thẳng chính trị ở Thái Lan. Ông cũng tuyên bố không ai có thể gây áp lực hay ra lệnh cho quân đội phải tiến hành đảo chính hay không.

Trước căng thẳng chính trị kéo dài ở Thái Lan, hôm qua Mỹ lên tiếng phản đối việc ngăn cản bầu cử. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, cho biết Washington phản đối cuộc đảo chính quân sự có nguy cơ xảy ra ở Thái Lan, đồng thời kêu gọi các bên cần giải quyết mâu thuẫn bằng con đường dân chủ.

(Theo TNO)

Các tin khác
Một màu trắng xóa phủ kín New York.

Giao thông và cuộc sống khu vực đông bắc nước Mỹ lại tiếp tục bị đảo lộn do bị bão tuyết tấn công.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cầm trên tay ngọn đuốc của Olympic Sochi.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt xung đột vũ trang trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông Sochi, một ngày trước khi diễn ra lễ khai mạc.

Người biểu tình tập trung tại trung tâm Kiev.

Ngày 6/2, Nghị viện Liên minh châu Âu (EP) đưa ra xem xét dự thảo nghị quyết về tình hình tại Ukraine, trong đó đề xuất thành lập phái bộ thường trực của EP tại nước này và áp án phạt đích danh đối với một số chính trị gia Ukraine được coi là có trách nhiệm trong cái chết của người biểu tình.

Tối 5-2, giờ Việt Nam, chính phủ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo các hãng hàng không trong và ngoài nước nguy cơ kẻ khủng bố giấu chất nổ trong các tuýp kem đánh răng trong hành lý qua đường hàng không, tấn công Thế vận hội mùa đông diễn ra tại thành phố Sochi (Nga) từ ngày 7 đến 23-2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục