Ukraine: Đụng độ khiến 18 người chết, Nga lên án châu Âu
- Cập nhật: Thứ tư, 19/2/2014 | 8:01:58 AM
Ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối chính phủ tại thủ đô Kiev của Ukraine từ sáng ngày 18/2. Đây là đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất nước này vài tuần trở lại đây.
Người biểu tình tấn công trụ sở Đảng Các vùng của Tổng thống Yanukovych vào ngày 18/2.
|
6 người biểu tình đã thiệt mạng khi cảnh sát tấn công vào Quảng trường độc lập ở Kiev, "cứ địa" của người biểu tình phản đối chính phủ của Tổng thống Yanukovych kể từ tháng 11 năm ngoái. Nhiều tiếng nổ có thể nghe thấy trong quảng trường được gọi là Maidan, pháo hoa được ném ra và lửa cháy bùng phát, khi cảnh sát Ukraine xông vào.
Trước cuộc tấn công vào Quảng trường, 5 dân thường và 7 cảnh sát được cho là thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Trong đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất nhiều tuần trở lại đây, cảnh sát ngày 18/2 đã bắn đạn cao su và đạn hơi cay để ngăn hàng ngàn người biểu tình ném đá vào họ và tuần hành về tòa nhà quốc hội.
Lực lượng an ninh đã cho người biểu tình hạn chót là 18h ngày 17/2 (16h GMT) để chấm dứt bạo loạn, nếu không cảnh sát sẽ hành động.
Đụng độ diễn ra khi các nghị sỹ quốc hội dự kiến thảo luận về thay đổi hiến pháp. Các đề xuất phục hồi lại hiến pháp năm 2004 và giảm bớt quyền lực của Tổng thống Viktor Yanukovych đã được đưa ra. Nhưng phe đối lập cho rằng họ bị ngăn chặn đệ đề xuất của họ.
Người biểu tình tấn công trụ sở đảng của Tổng thống Yanukovych
Các cuộc biểu tình ở Ukraine bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký một thỏa thuận với EU mà đổi lại ủng hộ mối quan hệ thân thiết hơn với Nga.
Bạo loạn đã lắng dịu sau khi người biểu tình rời các tòa nhà chính phủ họ đã chiếm đóng và chính phủ trao cho họ lệnh ân xá. Tuy nhiên các lán trại biểu tình vẫn còn đóng ở trên phố và phe đối lập, vẫn luôn cho rằng Tổng thống Yanukovych phải từ chức, cảnh báo chính phủ có nguy cơ thổi bùng căng thẳng nếu không thực hiện các cam kết của mình.
Vào ngày 18/2, hàng chục ngàn người biểu tình đã tìm cách tuần hành về tòa nhà quốc hội, nhưng họ đã bị lớp lớp xe cảnh sát chặn đứng. Một số đã dùng sỏi đá ném cảnh sát, một số ném bom khói. Cảnh sát phản ứng bằng lựu đạn khói và hơi cay, đạn cao su.
Người biểu tình cũng tấn công trụ sở Đảng Các vùng của Tổng thống Yanukovych. Có lúc họ đã tiến được vào bên trong trụ sở, nhưng sau đó đã bị cảnh sát đẩy lùi.
Giới chức cơ quan cấp cứu Ukraine cho hay một người, được tin là nhân viên chính phủ, được tìm thấy chết trong khu văn phòng bị đốt cháy. Thi thể 3 người biểu tình nằm trong một tòa nhà gần quốc hội. Thi thể 3 người khác được thấy nằm trên phố.
Ngoài ra, hàng chục người biểu tình và nhân viên an ninh được cho là đã bị thương.
Lãnh đạo các cơ quan an ninh và bộ nội vụ đã cho người biểu tình hạn chót là 18h để chấm dứt đụng độ và cảnh báo sau đó họ sẽ “dùng mọi biện pháp có thể”.
Cảnh sát cũng được triển khai ở bên ngoài Quảng trường Độc lập, địa điểm biểu tình chính kể từ tháng 11. Hệ thống tàu điện ngầm Kiev đã bị đóng cửa.
Nga cáo buộc phương Tây “đồng lõa”
Bộ Ngoại gao Nga cáo buộc đợt bạo lực mới là “kết quả trực tiếp của sự đồng lõa của các chính trị gia phương Tây và các cấu trúc châu Âu đã nhắm mắt…trước những hành động hiếu chiến của các lực lượng cấp tiến”.
Cả EU và Nga đều cáo buộc nhau can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine.
Trong một động thái mới, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay Nga sẽ cung cấp cho Ukraine một đợt vay mới trị giá 2 tỷ USD vào tuần này. Hồi tháng 12 Nga đã cam kết gói cứu trợ 15 tỷ USD để hỗ trợ cho kinh tế Ukraine, nhưng cho đến nay mới có 3 tỷ USD được chuyển. Kremlin đã ám chỉ sẽ đóng băng khoản vay cho đến khi nào một chính phủ mới có thể chấp nhận được với Nga được thành lập, sau khi Thủ tướng Mykola Azarov từ chức vào tháng trước.
Trong khi đó Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi các bên “tìm kiếm giải pháp chính trị bằng đàm phán”. “Quay trở lại bạo lực ở Ukraine chắc chắn không phải là cách để đạt được sự hòa giải và một tương lai tốt cho đất nước”, ông cho biết sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Leonid Kozhara.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Ngày 18/2, Bangkok đã rung chuyển với các cuộc bạo động làm 69 người bị chết và bị thương, trong một chiến dịch mà chính quyền Thái Lan triển khai với tên gọi Trả lại bình yên Bangkok.
Theo CNN hôm nay, 18/2, một cảnh sát ở Bangkok, Thái Lan đã bị bắn chết trong cuộc đụng độ với người biểu tình chống chính phủ, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Paradon Tatthannathabut cho biết.
Trong hơn hai tháng qua, dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9 cũng như dịch cúm lợn (nhiễm vi-rút cúm A-H1N1) bùng phát và hoành hành mạnh ở nhiều nước trên thế giới đã làm hàng chục người chết. Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của các loại dịch cúm này đã và đang được triển khai quyết liệt ở nhiều nước.
Ông Matteo Renzi, 39 tuổi, lãnh đạo phe trung tả Italy và là Thị trưởng Florence, đã được đề cử làm Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy.