17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc
- Cập nhật: Thứ bảy, 26/9/2015 | 10:28:39 PM
Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức thông qua 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030.
![]() |
LHQ chính thức thông qua 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030.
|
Bao gồm 17 mục tiêu đầy táo bạo, song chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030 cũng đã đề ra những mốc thời gian hết sức cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên trái đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đói. Và để thực hiện được những mục tiêu này, trong vòng 15 năm tới, các chính phủ và các tổ chức cần phải nỗ lực gấp đôi để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.
Mục tiêu 1: Xóa nghèo
Thế giới vẫn còn có 836 triệu người sống ở mức nghèo. Cứ 5 người có 1 người sống với dưới 1,25 USD/ngày. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 sẽ xoá nghèo hoàn toàn cho tất cả mọi người ở mọi nơi.
Mục tiêu 2. Xóa đói
Hiện cứ 9 người thì có 1 người không có đủ thức ăn. Đến năm 2030 sẽ xóa đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh, được tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và an toàn trong cả năm.
Mục tiêu 3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi
LHQ đặt mục tiêu chấm dứt các đại dịch HIV/AIDS, lao phổi, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lơ là, chống lại các bệnh về gan, các bệnh liên quan đến nước và các bệnh truyền nhiễm khác vào năm 2030
Mục tiêu 4. Đảm bảo giáo dục chất lượng
Hiện có 57 triệu trẻ em không được đến trường. Mục tiêu đến năm 2030 tất cả các trẻ em hoàn thành giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở miễn phí, công bằng và chất lượng.
Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái
LHQ đặt mục tiêu xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi. Đồng thời loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân.
2030 cũng là năm LHQ hướng tới (6) Đảm bảo việc Tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người. Đồng thời cũng (7) Đảm bảo việc Tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy.
Để làm được điều đó, LHQ chú trọng việc (8) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người. Cùng với đó là (9) Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa và bền vững, khuyến khích đổi mới.
Mục tiêu 10 là giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
Đến năm 2030, dần dần đạt được và duy trì tốc độ tăng trưởng thu nhập ở mức cao hơn mức trung bình quốc gia cho 40% dân số có thu nhập thấp nhất.
Ngoài ra, 2030 cũng sẽ là năm chứng kiến (11) Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững, đồng thời triển khai (12) Các chương trình 10 năm nhằm hướng tới Các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Bảo vệ môi trường sẽ là ưu tiên trong 15 năm tới của LHQ. Tổ chức này sẽ triển khai hàng loạt các biện pháp khẩn cấp để (13) ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó, song song với việc (14) Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển và không thể không kể đến việc (15) Quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.
Ở cấp độ toàn cầu, LHQ hướng tới (16) Thúc đẩy xã hội hòa bình và (17) đem lại sức sống mới cho Quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Phát triển bền vững, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khẳng định chương trình nghị sự Phát triển bền vững chính là lời hứa của các nhà lãnh đạo tới mọi người dân trên thế giới rằng tất cả các quốc gia sẽ cùng chung tay gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả đều nhằm hướng tới tinh thần cốt lõi của Chương trình nghị sự này, đó là "vì một thế giới không để ai lại phía sau".
(Theo VTV)
Các tin khác

Ngày 26/), ít nhất 22 người đã thiệt mạng và 13 người bị thương trong một vụ tai nạn liên hoàn tại Trung Quốc.

AFP đưa tin, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 26/9 đã có cuộc gặp tại New York để thảo luận về cuộc chiến ở Syria.

Theo AFP, đêm 25/9, Nga đã nhất trí nối lại hoạt động cung cấp khí đốt cho Ukraine trong mùa Đông năm nay theo một thỏa thuận vừa đạt được với Liên minh châu Âu (EU) sau nhiều tháng đàm phán khó khăn.

Cảnh sát Thái Lan cho biết nghi phạm mà nước này bắt giữ hôm 29.8 đã nhận trách nhiệm là thủ phạm gây ra vụ đánh bom ở đền thờ tại Bangkok, theo Reuters.