Cả những lời lẽ khoa trương và hành động của chính quyền Trump đều cho thấy khả năng về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Để có cơ hội giành chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy, chính quyền Trump cần phần còn lại của thế giới đứng về phía mình. Điều này chắc chắn sẽ không thể xảy ra vì 3 lý do: đòn bẩy kinh tế của Mỹ không đủ mạnh; lợi ích quốc gia của phần lớn thế giới không liên kết với một sự sắp xếp như thế; và Mỹ đang ở thế tương đối bất lợi xét về khía cạnh các nguồn lực.
Tăng thuế sẽ khó có thể làm sụp đổ Trung Quốc. Ngày nay, xuất khẩu chiếm khoảng 20% GDP của Trung Quốc; xuất khẩu sang Mỹ chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu, và giá trị nội địa gia tăng của xuất khẩu Trung Quốc là khoảng 70%. Với những yếu tố này, có thể tính toán được tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 2,5% GDP của Trung Quốc.
Cắt nguồn cung cấp công nghệ Mỹ, như ở trường hợp của ZTE và Fujian Jinhua, cũng sẽ không phá vỡ được Trung Quốc. Về lâu dài, nó sẽ đẩy nhanh quá trình nắm bắt công nghệ của Trung Quốc. Về ngắn hạn Trung Quốc có thể sắp xếp lại nguồn lực công nghệ để giảm thiểu tác động. ZTE thì rất phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, nhưng Huawei - đang thiết kế chíp riêng, thì lại không. Nếu ZTE lại bị hạn chế về công nghệ, thì sự liên doanh giữa 2 bên có thể cứu vãn điều đó. Việc chặn Fujian Jinhua tiếp cận với các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới (Mỹ) sẽ là một cú đòn, nhưng Trung Quốc vẫn có thể tìm nguồn thay thế từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và một phần từ các nhà sản xuất nội địa.
Những chính sách như vậy là không hiệu quả và nó cũng là một cái giá đắt đối với Mỹ. Bên cạnh sự đáp trả của Trung Quốc như ta đã thấy, việc Mỹ tăng thuế cũng sẽ làm tăng chi phí của những hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp hơn, làm giảm tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp Mỹ vì sự gia tăng giá sản phẩm đầu vào. Chặn đường tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ bán dẫn của Mỹ cũng sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ mất đi thị trường lớn nhất thế giới, và về cơ bản là mở đường cho những đối thủ cạnh tranh từ các nước khác.
Cơ hội thành công sẽ gia tăng nếu chính quyền Trump có sự ủng hộ của các nước khác, đặc biệt là những nền kinh tế phát triển. Tác động của việc tăng thuế và các rào cản thương mại khác đối với Trung Quốc sẽ gia tăng cùng với tổng quy mô kinh tế của một "liên minh”, và sự hạn chế cung cấp công nghệ có thể thực sự có tác dụng nếu các nhà cung cấp công nghệ của các nước khác cũng có động thái tương tự. Tuy nhiên, chính quyền Trump sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian để lôi kéo các thành viên cho một liên minh như vậy với 3 lý do:
Thứ nhất, đòn bẩy chính của chính quyền Trump có để thành lập một liên minh như vậy là quy mô của thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc ngày nay còn lớn hơn với nhiều sản phẩm, từ ô tô tới tạp phẩm, và dự kiến sẽ sớm trở thành thị trường lớn nhất cho gần như tất cả mọi thứ. Ngay cả dù có những hạn chế đối với một số hàng hóa và dịch vụ, hầu hết thị trường Trung Quốc là khá cởi mở và các nhà sản xuất ở những nước phát triển đều đã tận dụng mọi lợi thế thông qua xuất khẩu và sản xuất ở nước này.
Các tập đoàn có vốn nước ngoài, hầu hết là những công ty từ các nền kinh tế phát triển sản xuất cho thị trường địa phương, chiếm tới hơn 15% lợi nhuận công nghiệp ở Trung Quốc, bao gồm cả những công ty của Hong Kong và Đài Loan, vốn sản xuất nhiều hơn cho thị trường xuất khẩu. Khoảng 1/4 toàn bộ lợi nhuận công nghiệp ở Trung Quốc được đem lại bởi các công ty có vốn phi nội địa.
Thực tế, hàng hóa sản xuất và tiêu thụ ở Trung Quốc đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho các công ty xuất phát từ các nền kinh tế phát triển. Bởi vậy, các nước khác, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển sẽ không dễ gì đánh đổi thị trường Trung Quốc lấy thị trường Mỹ, nếu điều đó xảy ra.
Thứ hai, ngay cả dù những nước có chung mối lo ngại với chính quyền Trump về Trung Quốc và những nước có mối lo riêng không giống như chính quyền Trump, thì vấn đề chính là ở chỗ sự mâu thuẫn không đủ lớn để họ phải liều lĩnh cả về kinh tế và chính trị để đi đến một cuộc chiến tranh kinh tế - điều vốn không đảm bảo nó sẽ chỉ dừng lại ở kinh tế.
Một Trung Quốc bị đánh bại hoàn toàn trong cuộc xung đột này sẽ không mang lại lợi ích quốc gia cho hầu hết các nước. Một thế giới chịu nhiều tác động bởi những rủi ro của Trung Quốc như thế nào thì nó cũng như vậy với quy tắc "Nước Mỹ trước tiên”. Do đó, hầu hết các nước trên thế giới, thay vì tham gia tích cực vào cuộc xung đột này, lại muốn sử dụng bối cảnh này để định hình lại các chính sách đối với cả 2 cường quốc nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia mình, đồng thời cố duy trì tình trạng cân bằng với cả 2 bên.
Thứ ba, với sáng kiến Vành đai và Con đường cùng các sáng kiến tương tự khác, Trung Quốc đã trở thành một nguồn lực đáng kể về đầu tư và tài chính đối với nhiều nước trên thế giới, và có tác động không nhỏ đối với các chính sách quốc tế của họ. Mỹ không có các nguồn lực để cạnh tranh với Trung Quốc về mặt này.
Năm 2017, GDP theo sức mua tương đương của Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 19.400 tỷ USD và 23.300 tỷ USD; tỷ lệ tiết kiệm quốc gia lần lượt ở mức 18% và 48%. Về mặt con số, thì lượng nguồn lực có thể sử dụng vào đầu tư của Mỹ và Trung Quốc sẽ là khoảng 3.500 tỷ USD và 11.000 tỷ USD. Xét về mặt chính phủ kiểm soát mạnh hơn đối với việc sử dụng nguồn tiền này, nguồn lực mà Trung Quốc có thể sử dụng vào các dự án chiến lược quốc tế và nội địa cũng đều lớn hơn so với Mỹ.
Với những yếu tố kể trên, chính quyền Trump sẽ không thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nhưng không ai sẽ cảm thấy thoải mái với điều đó. Đó cũng chính là lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối 1/12, sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Buenos Aires, Argentina. Kết quả của cuộc gặp này sẽ làm thay đổi cục diện cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai nước./.
(Theo VOV)