Quốc hội Cuba ngày 21/12 nhóm họp nhằm thông qua dự thảo Hiến pháp mới, đặc biệt công nhận nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là lần thảo luận cuối cùng trước khi văn kiện chính thức được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 24/02/2019.
Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ diễn ra ở thủ đô La Habana, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo tuyên bố, đây là một phiên họp lịch sử, với nhiều thỏa thuận, quyết sách sẽ được thông qua. Nguyên Chủ tịch Cuba Raul castro, đồng thời là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba và là người đứng đầu Ủy ban đại biểu Quốc hội phụ trách việc chuẩn bị dự án cải cách Hiến pháp cũng tham dự phiên họp kéo dài 2 ngày này.
Trước khi bước vào thảo luận dự thảo Hiến pháp mới, 560 nghị sĩ có mặt trước tiên sẽ thông qua dự thảo ngân sách 2019. Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil thừa nhận, bối cảnh hiện nay là phức tạp khi Cuba phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực ngày càng tăng, cũng như khó khăn trong thanh toán các khoản nợ quốc gia. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ từ năm 1962, gây thiệt hại cho nền kinh tế Cuba 12 triệu đôla mỗi ngày. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Cuba đạt 1,2% trong năm nay, thấp hơn 2% so với dự báo do sự sụt giảm của xuất khẩu, ngành công nghiệp mía đường, du lịch và nông nghiệp. Dự báo tăng trưởng cho năm 2019 là 1%.
"Chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2% trong năm 2018. Trong điều kiện đất nước và quốc tế hiện nay, mức dự báo đưa ra cho năm nay là 1,2%. Chúng ta cần ngăn chặn sự gia tăng nợ, tiết kiệm nội bộ và tăng cường tận dụng các nguồn nội lực”, Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil nói.
Hiến pháp mới đánh dấu những thay đổi mang tính bước ngoặt trong nền kinh tế Cuba khi công nhận nền kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân và đầu tư nước ngoài, song vẫn kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trước khi được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, dự thảo Hiến pháp mới đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Chỉ trong 3 tháng, 8,9 triệu trên tổng số 11 triệu người dân Cuba đã tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Hiến pháp mới, với 130 nghìn cuộc tranh luận được tổ chức ngay tại các khu phố, trung tâm làm việc hay trường đại học... Hơn 783.000 đề xuất đóng góp và sửa đổi đã được ghi nhận.
Theo thứ tự về số lượng ý kiến nhận được, đứng đầu là điều khoản liên quan tự do hôn nhân, với đa số ý kiến đóng góp muốn giữ nguyên như quy định trong Hiến pháp 1976 hiện hành rằng "hôn nhân là sự kết hợp giữa một nam giới và một nữ giới”.
Tiếp đó, về điều khoản quy định những giới hạn và cách thức bầu vị trí Chủ tịch nước (chức danh mới thay cho Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng hiện tại), đa số các ý kiến đề nghị xóa bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ đối với một cá nhân trên cương vị Chủ tịch nước, cũng như xóa bỏ giới hạn độ tuổi tối đa hoặc nâng mức giới hạn tối đa 70 tuổi như dự thảo hiện tại. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất hình thức bầu Chủ tịch nước trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu thay cho việc bầu qua Quốc hội như hiện tại.
Hiến pháp hiện tại của Cuba được thông qua năm 1976 và đã trải qua 2 lần cải cách vào các năm 1992 và 2002. Đề xuất về cải cách lần này xuất phát từ Đại hội Đảng Cuba năm 2016 với mục đích tìm cách điều chỉnh nội dung cho phù hợp với những thay đổi của đất nước trong những năm gần đây. Theo ông Arturo Lopez-Levy, một nhà phân tích trước đây từng làm việc cho Bộ Nội vụ Cuba và nay là giảng viên Trường Đại học Texas, sự thay đổi của Hiến pháp đối với lĩnh vực kinh tế là rất quan trọng, mở ra cơ hội để đất nước có thể thực hiện chính sách mới, giúp Cuba có thể thu hút đầu tư từ nước ngoài.
(Theo VOV)