Triều Tiên tổ chức bầu cử Quốc hội khóa 14

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/3/2019 | 2:48:48 PM

Ngày 10-3, CHDCND Triều Tiên tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) để bầu chọn các đại biểu với nhiệm kỳ 5 năm. Sự kiện chính trị này được cho là nhằm củng cố sự đoàn kết quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lựa chọn phát triển kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của quốc gia này trong thời điểm hiện nay.

 
Trong cuộc bầu cử này, cử tri CHDCND Triều Tiên sẽ bầu chọn đại biểu cho Hội đồng Nhân dân tối cao (Quốc hội) khóa 14 nhiệm kỳ 5 năm. Những đại biểu khóa mới sẽ thay thế những đại biểu được bầu ra trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên vào tháng 3-2014, dưới thời Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 

Theo kế hoạch, cử tri CHDCND Triều Tiên trong độ tuổi từ 17 trở lên tham gia bỏ phiếu từ 9h đến 18h ngày 10-3. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, tính đến trưa 10-3, 56,76% cử tri đăng ký bầu cử đã đi bỏ phiếu. 

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, các ứng cử viên trong cuộc bầu cử lần này gồm công nhân, nông dân, trí thức và quân nhân, những người đang nỗ lực giữ vững lý tưởng và sự lãnh đạo của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như đang bảo vệ nỗ lực phát triển đất nước của nhà lãnh đạo này. 

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2014, 99,97% cử tri Triều Tiên đã tham gia bỏ phiếu, với 100% phiếu bầu dành cho các ứng cử viên đã được thông qua. Kết quả kiểm phiếu được công bố hai ngày sau khi cuộc bầu cử này diễn ra.

Các nhà quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng có thể sử dụng sự kiện chính trị này để củng cố hơn nữa khối đoàn kết quốc gia và tập hợp nhân dân thành một khối vững chắc xung quanh nhà lãnh đạo hiện nay. 

Tờ Rodong Sinmun – Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh, cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm "rất có ý nghĩa”. 

Theo Rodong Sinmun, cuộc bầu cử lần này thể hiện niềm tin kiên định và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đối với nhà lãnh đạo tối cao trong việc đối phó các thách thức mà đất nước đang phải đối mặt. 

Báo này cũng khẳng định, những thách thức mà Triều Tiên đang phải đối mặt hiện nay cũng đòi hỏi vai trò và chức năng của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế nói chung và cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống cho người dân cũng là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra trong tuần này. Đây là thông điệp đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được đưa ra công khai sau khi ông trở về nước sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội. 

Trong một lá thư gửi hội nghị toàn quốc các quan chức làm công tác tuyên truyền được tổ chức tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung mọi nỗ lực vào việc xây dựng nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa. 

Ông kêu gọi các quan chức trong đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, nỗ lực giáo dục tư tưởng cho công dân, để đảm bảo "đạt tiến bộ lớn trong công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội chủ nghĩa”. Với một vị trí địa lí chiến lược, CHDCND Triều Tiên đã được nhiều nhà lãnh đạo thế giới đánh giá có tiềm năng kinh tế đặc biệt. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: "Tôi đã nói với Chủ tịch Kim Jong-un rằng, ông đang có cơ hội biến CHDCND Triều Tiên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Với vị trí đặc biệt, nằm giữa Trung Quốc, Nga và một bên là Hàn Quốc, họ không thể kết nối với nhau nếu không qua CHDCND Triều Tiên. Ngoài địa điểm tuyệt vời, người dân CHDCND Triều Tiên chăm chỉ, thông minh, tràn đầy năng lượng, tôi nghĩ đây có thể trở thành một trong những nền kinh tế và tài chính lớn nhất trên thế giới”.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đã kết thúc ở Thủ đô Hà Nội tháng trước mà không có tuyên bố chung. Tuy nhiên, việc Washington và Bình Nhưỡng vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đối thoại, khiến dư luận vẫn có thể lạc quan về triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như cơ hội để Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện cam kết của mình phát triển kinh tế trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

(Theo CAND)

Các tin khác
Một chiếc Boeing 737-800 của Ethiopian Airlines đỗ tại sân bay quốc tế Bole, Ethiopia.

Hãng hàng không Ethiopia Airlines thông báo đã ngừng khai thác phi đội Boeing 737 MAX 8, một ngày sau vụ tai nạn của máy bay thuộc loại này làm toàn bộ 157 người thiệt mạng.

Người dân Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần tại trường tiểu học Okawa.

Ngày 11-3, một trận động đất mạnh 5,9 độ richter đã làm rung chuyển khu vực bờ biển phía đông tỉnh Fukushima, Nhật Bản, đúng 8 năm sau thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng.

Một chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China.

Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã yêu cầu các hãng hàng không trong nước ngừng khai thác dòng máy bay Boeing 737 Max, báo Caijing đưa tin hôm nay, sau vụ máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu ET302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines rơi trước đó một ngày khiến toàn bộ 157 người trên khoang thiệt mạng.

Thủ tướng Anh Theresa May.

Cựu Bộ trưởng Giáo dục Nicky Morgan cho rằng nếu Thủ tướng May thất bại tại cuộc bỏ phiếu ý nghĩa quan trọng vào ngày 12/3 tới thì "sẽ rất khó để Thủ tướng tiếp tục ở lại văn phòng dài lâu".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục