Các nguồn tin chính thức cho biết, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm với Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Thủ tướng Giuseppe Conte, gặp lãnh đạo hai viện trong Quốc hội Italy. Hai bên sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương, quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Theo số liệu thống kê chính thức, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Italy trong năm 2018 đã vượt mức 50 tỷ USD.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Conte cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và thương mại, văn hóa, tài chính và cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý báo chí Italy đưa tin Thủ tướng Conte dự kiến sẽ ký Bản ghi nhớ (MoU) với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc tham gia "Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) vào sáng 23/3.
Trước đó, trong bài viết gửi cho báo chí Italy đăng tải trước chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ý hy vọng sẽ hợp tác với Italy nhằm thúc đẩy BRI cũng như tăng cường Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình còn đề cập đến triển vọng hợp tác song phương trong những lĩnh vực mới như logistics (dịch vụ hậu cần), đóng tàu, cảng biển, vận tải, năng lượng, viễn thông, y tế và nhiều lĩnh vực khác.
Việc Italy dự kiến ký thỏa thuận tham gia BRI đang là chủ đề được công luận quốc tế quan tâm. Một số nước châu Âu hiện đã bày tỏ sự quan ngại về BRI, trong đó có Đức. Những nước này cho rằng, thỏa thuận giữa Italy và Trung Quốc sẽ làm gia tăng sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU.
Một số ý kiến còn chỉ trích BRI chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho các công ty của Trung Quốc và có khả năng tạo nên các "bẫy nợ” ở những nước nghèo. Pháp thì cho biết Paris chỉ ưu tiên cho "những dự án cụ thể” với Bắc Kinh, chứ không có kế hoạch thực hiện cách tiếp cận tương tự như của Italy.
Mỹ cũng đã tỏ ý phản đối Italy tham gia BRI, đồng thời cảnh báo việc này có thể hủy hoại uy tín của Italy trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Italy ngày 19/3 khẳng định, nội dung bản MoU giữa Italy và Trung Quốc sẽ không gây bất kỳ mối nguy cơ nào cho lợi ích quốc gia của Italy và hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Liên minh châu Âu”.
Theo ông Conte, Bản ghi nhớ này không ràng buộc về mặt pháp lý và cũng không ảnh hưởng đến vị thế địa chính trị của Italy. Với việc tham gia BRI, Italy có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc, một thị trường có kích thước khổng lồ và đầy tiềm năng.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, quan hệ Trung Quốc - Italy luôn duy trì xu thế phát triển tốt đẹp. Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc và Italy sẽ kỷ niệm 15 năm quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện trong năm 2019 và 50 năm quan hệ đối ngoại vào năm 2020, đây là cơ hội mới cho sự phát triển quan hệ song phương.
(Theo baoquocte.vn)