Trung Quốc lệnh doanh nghiệp sơ tán nhân viên khỏi "chảo lửa" Myanmar

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/3/2021 | 6:25:09 AM

YênBái - Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước sơ tán nhân viên không thiết yếu khỏi Myanmar sau khi hàng chục nhà máy do Trung Quốc đầu tư bị đốt phá.

Trung Quốc lệnh doanh nghiệp sơ tán nhân viên khỏi chảo lửa Myanmar - 1Nhấn để phóng to ảnh
Khói đen bốc lên từ khu công nghiệp ở Yangon ngày 14/3 (Ảnh: SCMP).

Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar sơ tán các nhân viên có liên quan tới các dự án đã bị tạm dừng.

Những người được sơ tán bao gồm các nhân viên đã hết thời hạn luân chuyển, các công nhân chưa được tiêm vắc xin Covid-19, các nhân viên đang sống ở những khu vực xa xôi và những người đang đối mặt với các tình huống nghiêm trọng ở địa phương.

Một nhân viên công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc làm việc cho một dự án hạ tầng tại Myanmar xác nhận đã nhận được chỉ đạo từ SASAC - cơ quan giám sát 90 doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc.

"Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo vào cuối tuần, khi một số nhà máy do Trung Quốc đầu tư bị tấn công. Thực tế, hầu hết dự án ở đây đã bị dừng lại. Chúng tôi đang thảo luận về việc ai sẽ ở lại để theo dõi diễn biến. Tôi nghĩ hầu hết chúng tôi sẽ về nước vì không thể làm được gì nhiều", nguồn tin giấu tên cho biết.

Thông báo của SASAC cũng yêu cầu tất cả doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở Myanmar tổ chức diễn tập khẩn cấp, đảm bảo có đủ phương tiện, nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác nếu phải sơ tán.

Nguồn tin thứ hai tại doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, hiện làm việc cho các dự án thủy điện, cũng xác nhận đã nhận được chỉ đạo và đã đưa "nhân viên không thiết yếu" trở về Trung Quốc.

"Các đồng nghiệp của tôi đã được sơ tán và trở về Trung Quốc an toàn. Những nhân viên tại Myanmar được yêu cầu ở lại trong các khu nhà, ngoại trừ ra ngoài để mua thức ăn và nước uống. Tất cả ngân hàng đều đóng cửa, chúng tôi phải tìm tiền mặt để mua vật dụng. Chúng tôi phải trông cậy vào điện thoại cố định để liên lạc với đại sứ quán, vì mạng di động liên tục bị cắt. Tình hình khá căng thẳng", nguồn tin cho biết thêm.

Chỉ đạo sơ tán của Bắc Kinh được đưa ra không lâu sau khi 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư tại một khu công nghiệp ở thành phố Yangon, thủ phủ thương mại của Myanmar, bị tấn công và đốt cháy, gây thiệt hại 240 triệu Nhân dân tệ (37 triệu USD). 2 nhân viên Trung Quốc bị thương trong các vụ tấn công này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 15/3 không bình luận về liệu Bắc Kinh có kế hoạch sơ tán công dân khỏi Myanmar không. Tuy nhiên ông Triệu nói rằng Myanmar nên "thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt các đối tượng gây rối theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar".

Các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các binh lính của quân đội Myanmar tiếp tục nổ súng vào người biểu tình, khiến 39 người thiệt mạng trong ngày 14/3. Đây cũng là ngày đẫm máu nhất kể từ khi đảo chính nổ ra tại Myanmar hôm 1/2.

Bất chấp sự xuất hiện của lực lượng an ninh, người biểu tình vẫn tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon trong những tuần gần đây, kêu gọi Bắc Kinh lên án cuộc đảo chính tại Myanmar. Trung Quốc cho biết nước này không biết thông tin về cuộc đảo chính trước khi sự kiện này xảy ra.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Bão cát xảy ra ở Mông Cổ. Ảnh: Trang web Bộ Môi trường tự nhiên và Du lịch Mông Cổ.

Hiện tượng thời tiết cực đoan – cát bụi và bão cát, vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc và gây thiệt hại không nhỏ về người tại Mông Cổ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) chào bằng cách chạm khuỷu tay với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi, trong lúc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhìn họ sau cuộc họp báo chung ngày 16-3-2021 tại Tokyo, Nhật Bản.

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản ngày 16/3 đã tham dự cuộc họp ủy ban tham vấn an ninh giữa hai nước. Hai bên đã ra tuyên bố chung về một loạt vấn đề bao gồm Trung Quốc và Triều Tiên sau cuộc họp.

Binh sĩ xuất hiện gần những rào chắn tạm bợ do người biểu tình dựng lên tại thị trấn Hlaingthaya ở Yangon hôm 14-3.

Liên Hợp Quốc (LHQ), Mỹ, Trung Quốc và Anh đồng loạt lên án bạo lực tại Myanmar mà theo LHQ đã khiến ít nhất 138 người biểu tình hòa bình thiệt mạng.

Các binh sĩ Ấn Độ trên đường vận chuyển vật tư tới thị trấn Leh nằm gần biên giới với Trung Quốc hồi đầu tháng 9/2020

Ấn Độ đã hoàn thành và kết nối 59 con đường với tổng chiều dài 3.200 km dọc theo biên giới với Trung Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục