Tối 25/5, theo giờ Hà Nội, Hội đồng điều hành của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tiếp tục ngày làm việc thứ hai tại phiên họp trực tuyến lần thứ 207 để xem xét các báo cáo tài chính, dự toán ngân sách, chương trình làm việc của IPU trong thời gian tới, xem xét báo cáo cập nhật tình hình thực hiện cũng như đánh giá lại Chiến lược IPU.
Chủ tịch IPU Duarte Pacheco điều hành phiên họp. Tham dự phiên họp còn có Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cùng các đại biểu nghị sỹ đến từ 179 Quốc hội thành viên và 13 cơ quan nghị viện khu vực.
Phiên họp lần thứ 207 của Hội đồng điều hành IPU diễn ra theo hình thức trực tuyến trong hai ngày từ ngày 24-25/5 để thảo luận và đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan đến hoạt động của tổ chức hợp tác liên nghị viện lớn nhất thế giới.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực tại Phiên họp của Hội đồng điều hành, thể hiện vai trò là thành viên trách nhiệm của IPU.
Mở đầu ngày làm việc thứ hai của phiên họp lần thứ 207 Hội đồng Điều hành IPU, các đại biểu đã xem xét thông qua bầu bổ sung nhân sự các cơ quan của IPU, gồm bầu bổ sung một thành viên Hội đồng Điều hành là ông Ali Rashed Al Noaymi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, Nội vụ và Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Quốc gia Tiểu vương quốc Arab thống nhất; sáu thành viên của Ủy ban Nhân quyền của các nghị sỹ, hai thành viên của Ủy ban về các vấn đề Trung Đông; và bầu bổ sung các vị trí trống trong các Ủy ban và cơ quan khác trên cơ sở đề cử từ các Nhóm địa chính trị.
Tiếp theo, Hội đồng Điều hành đã xem xét, thông qua báo cáo về kết quả tài chính cho năm 2020 và phê duyệt các khoản chi tiêu trong thời gian tới. Trong đó, các khoản chi tiêu sắp tới của IPU sẽ tập trung cho các hoạt động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới, phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Hội đồng Điều hành đã nghe Tổng Thư ký IPU Martin Chungong báo cáo về chương trình làm việc của IPU trong tương lai.
Các đại biểu đánh giá cao và cảm ơn Ban Thư ký IPU đã nỗ lực điều hành, duy trì ổn định hoạt động của tổ chức này trong bối cảnh đại dịch đồng thời khẳng định ủng hộ sự phát triển của chủ nghĩa đa phương, trong đó có vai trò quan trọng của IPU.
Hội đồng đã thông qua và thống nhất cho rằng các hoạt động của IPU trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào diễn biến đại dịch COVID-19 và khả năng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh của các nước.
Cũng tại ngày họp thứ hai này, các đại biểu tiếp tục có những thảo luận về tình hình thực hiện Chiến lược IPU giai đoạn 2016-2021 và cho ý kiến về xây dựng Chiến lược mới giai đoạn 2022-2026.
Chiến lược IPU mới trong giai đoạn 2022-2026 dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng IPU 143 vào tháng 11/2021.
Chiến lược IPU được coi là kim chỉ nam định hướng toàn bộ các hoạt động của tổ chức liên nghị viện lớn nhất hành tinh trong một giai đoạn 5 năm. Cứ 5 năm một lần, IPU sẽ xem xét lại chiến lược của mình để đảm bảo rằng nó vẫn phù hợp với mục đích và phản ánh nhu cầu của các nghị viện thành viên.
Hội đồng Điều hành IPU cũng đã xem xét và quyết định ban hành giải thưởng Cremer-Passy của IPU. Giải thưởng này được trao thường niên nhằm trao cho các nghị sỹ, nhóm nghị sỹ có đóng góp nổi bật vào việc bảo vệ, thúc đẩy các mục tiêu của IPU, vì một thế giới đoàn kết, công bằng, an ninh, bền vững hơn.
Theo chương trình, sau hai ngày họp Hội đồng Điều hành IPU, ngày 26/5, Đại hội đồng IPU lần thứ 142 sẽ họp dưới hình thức trực tuyến.
(Theo Vietnam+)