Các chuyên gia cho rằng đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và triển vọng lớn nhất có lẽ là khôi phục lại thỏa thuận an ninh giữa Washington với Manila.
Ý định của chính quyền Biden
Giáo sư quan hệ quốc tế Renato de castro tại Đại học De La Salle cho rằng: "Chuyến thăm là nỗ lực của chính quyền Biden nhằm chứng minh khu vực này có tầm quan trọng lớn đối với Mỹ”. Ông nhấn mạnh, dường như có một sự nhận thức chung trong số các nước Đông Nam Á rằng Mỹ đã giảm đáng kể sự quan tâm đối với khu vực mặc dù đó là "một trong những trận địa chính trong cuộc cạnh tranh chiến lược của nước này” và chuyến thăm có lẽ nhằm thay đổi nhận thức đó.
Đông Nam Á đã nổi lên như "một đấu trường” quan trọng khi Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng gay gắt trên mọi lĩnh vực từ công nghệ, thương mại đến địa chính trị. Ông Aaron Jed Rabena, thuộc tổ chức cố vấn Con đường Phát triển của Châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila nhận định: "Mỹ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường các liên minh và quan hệ hợp tác về an ninh”. Ông Aaron Jed Rabena lưu ý, Singapore, chẳng hạn, là một trong những quốc gia có chương trình nghị sự về chính trị hoặc quốc phòng phù hợp với Mỹ.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Satu Limaye, giám đốc Trung tâm Đông Tây ở Washington DC, đánh giá chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Austin là động thái kịp thời và đáng được hoan nghênh. "Đây là một phần trong sự chuyển hướng của chính quyền Biden sang Đông Nam Á", Straits Times dẫn lời ông Satu Limaye cho biết.
Bộ trưởng Austin sẽ khởi hành vào ngày 23/7, thăm Alaska trước khi ông tới Đông Nam Á. "Các quan hệ đối tác và liên minh mạnh mẽ là chìa khóa để hỗ trợ một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó là lý do tôi sẽ đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines vào cuối tuần này", ông Lloyd Austin viết trên Twitter hôm 20/7.
Ông Austin cho biết thêm, ông chờ đợi được phát biểu tại Singapore vào ngày 27/7 trong một sự kiện do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức. Bài phát biểu của ông trong chuyến công du này sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định, Mỹ không có hiệp ước an ninh với Singapore, nhưng có thỏa thuận tiếp cận và thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao. Singapore cung cấp cho Mỹ khả năng tiếp cận đáng kể với các căn cứ không quân và hải quân của nước này, cũng như nhận hỗ trợ hậu cần khi chuyển giao nhân sự, máy bay và tàu, giúp duy trì sự hiện diện an ninh của Mỹ trong khu vực. Trước đó, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Braithwaite đề xuất lập hạm đội mới đóng quân ở Singapore, song giới chuyên gia nói điều này khó xảy ra.
Triển vọng lớn nhất trong chuyến thăm
Chuyên gia Greg Poling lưu ý, với Mỹ, Singapore được coi là một trong những đối tác an ninh quan trọng, thậm chí còn gắn kết chặt chẽ hơn đồng minh Philippines, viện dẫn việc Tổng thống Rodrigo Duterte từng thông báo vào năm 2020 rằng ông đang xem xét hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ kéo dài 2 thập kỷ với Mỹ. Tuyên bố này có vẻ như đồng nhất với tuyên bố của ông Duterte trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào năm 2016, rằng "Philippines sẽ tách khỏi Mỹ cả về quân sự lẫn kinh tế”.
VFA được ký kết vào năm 1998, tạo khuôn khổ pháp lý cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại Philippines cũng như để hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận quân sự chung thường niên và hỗ trợ nhân đạo. Thỏa thuận này giúp củng cố Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau mà 2 bên ký kết vào năm 1951, theo đó, hai bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra tấn công. Tổng thống Duterte đã 3 lần đình chỉ thỏa thuận VFA.
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Duterte cho biết, ông sẵn sàng đàm phán lại về thỏa thuận VFA với Mỹ. Nhà lãnh đạo Philipines lưu ý, kế hoạch gia hạn thỏa thuận vẫn đang được xem xét và ông muốn đối thoại với một số nhân vật ở Washington, có thể là từ văn phòng tổng thống hoặc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tháng 6 vừa qua, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết, bản dự thảo sửa đổi của VFA đã được các nhà đàm phán của 2 nước nhất trí. "Hai bên dành rất nhiều thời gian để thảo luận về một số điều mà họ muốn sửa đổi trong VFA. Chúng tôi tin rằng thỏa thuận sẽ được đàm phán thành công”.
Theo nhà phân tích De castro, Tổng thống Duterte có lẽ từng xem xét một cách nghiêm túc ý định tách rời Mỹ, nhưng sau đó ông "đã tỏ ra thất vọng với Trung Quốc vì Bắc Kinh chưa thực hiện cam kết rót 26 tỷ USD vốn đầu tư vào Philippines như những gì Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa”.
Trái lại, Washington đang đáp ứng yêu cầu của nhà lãnh đạo này về việc hỗ trợ Philippines hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn việc bán các khí tài quân sự trị giá hơn 2,5 tỷ USD cho Philippines, trong đó 10 máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16. Tuy vậy, quyết định này cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.
Ông Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định Tổng thống Duterte đang áp dụng chiến lược "bắn một mũi tên trúng 2 đích”. "Ông Duterte muốn tận dụng sự hỗ trợ Mỹ để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ông ấy muốn có được sự ủng hộ của quân đội để có thể thành công trong nỗ lực tranh cử vị trí phó tổng thống vào năm 2022”.
(Theo VOV)