Tại hầu hết quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), công cụ đang được sử dụng để phân biệt những người đã tiêm vaccine Covid-19 và chưa tiêm là giấy chứng nhận điện tử, có tên gọi khác nhau tại mỗi nước, như Italy gọi là thẻ xanh và Pháp gọi là giấy chứng nhận y tế.
Mỗi giấy chứng nhận có một mã QR duy nhất, có thể in ra hoặc lưu trữ trên điện thoại. Tại hầu hết quốc gia, chúng còn có thể được truy cập thông qua những ứng dụng truy vết Covid-19 trên điện thoại. Ban đầu, giấy chứng nhận này chủ yếu nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển giữa các nước, nhưng tác dụng giờ đây đã được mở rộng, trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan ngày càng nhanh.
"Thẻ xanh là công cụ giúp mọi người có thể tiếp tục hoạt động mà vẫn đảm bảo những người xung quanh mình không mang virus", Thủ tướng Italy Mario Draghi phát biểu hôm 22/7, khi thông báo một loạt hạn chế mới.
Từ ngày 6/8, Italy sẽ chỉ cho phép những người đã tiêm chủng, từng nhiễm và bình phục, hoặc có giấy chứng nhận kết quả âm tính với nCoV được phép dùng bữa bên trong các nhà hàng, chơi thể thao trong nhà, đến phòng gym, tham gia những sự kiện đông người như hòa nhạc, bất kể trong nhà hay ngoài trời. Các hội chợ thương mại, bảo tàng và một loạt địa điểm khác cũng nằm trong danh sách hạn chế những người chưa tiêm chủng.
Các chủ nhà hàng và quán bar tại Italy có nguy cơ bị phạt tới 1.000 euro (gần 1.200 USD) nếu không thực thi yêu cầu thẻ xanh với khách hàng, đồng thời có thể bị buộc phải đóng cửa tối đa 10 ngày nếu bị phát hiện vi phạm ba lần trong ba ngày khác nhau. Những khách hàng quen chưa tiêm chủng cũng có nguy cơ bị phạt 1.000 euro.
Tại Pháp, chính phủ đã áp dụng biện pháp hạn chế tương tự tại bảo tàng và rạp chiếu phim, đồng thời dự kiến mở rộng quy định với nhiều địa điểm hơn vào tháng 8, bao gồm nhà hàng. Những nơi không kiểm tra giấy tờ có nguy cơ bị phạt 1.500 euro (khoảng 1.766 USD). Nếu vi phạm lần thứ ba trong một tháng, số tiền sẽ lên tới 9.000 euro (hơn 10.000 USD) và một năm tù. Những cá nhân làm trái quy định cũng đối mặt việc nộp phạt.
Tại Anh, bắt đầu từ tháng 9, các hộp đêm sẽ yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ cho biết quy định này có thể cũng sẽ áp dụng cho những địa điểm tập trung đông người khác. Thẻ thông hành Covid-19 đã được thêm vào ứng dụng trên điện thoại của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh, giúp người dùng chứng minh tình trạng tiêm chủng.
Không phải ai cũng chấp nhận các chính sách này, như những người biểu tình cực đoan ở cả hai phe chính trị tại Pháp xuống đường trong vài tuần gần đây. Các cuộc biểu tình quy mô nhỏ cũng xuất hiện ở Italy, khi những biện pháp mới sắp được thông qua.
Tuy nhiên, hầu hết quốc gia châu Âu hiện phải vật lộn với số ca nhiễm nCoV tăng vọt do biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng. Số ca nhiễm hàng ngày tại Pháp đã tăng hơn gấp 5 lần kể từ cuối tháng 6, tỷ lệ dương tính cũng tăng gấp 4 lần lên 3,2%. Dù tình hình Italy bớt nghiêm trọng hơn, chính phủ nước này vẫn tỏ ra đề phòng.
"Trước những gì chúng ta đang chứng kiến tại Pháp, Anh và Tây Ban Nha, hãy tưởng tượng và giả định rằng Italy có thể cũng như vậy nếu chúng ta không hành động", Thủ tướng Draghi cho biết.
Tương tự Mỹ, hầu hết ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì Covid-19 tại châu Âu gần đây là những người chưa tiêm chủng. Nghiên cứu của Bộ Y tế Pháp cho thấy 94% ca nhiễm từ 28/6 đến 4/7 là những người chưa được tiêm vaccine đầy đủ. 57% người dân tại Pháp đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, trong khi con số này tại Italy và Anh lần lượt là 61% và 68%, theo Our World in Data.
Chính sách khép cửa với những người không tiêm chủng dường như nhanh chóng phát huy tác dụng. Tại Pháp, hàng triệu người đã đặt lịch tiêm trong tuần qua, giúp xoay chuyển một chiến dịch bị đình trệ. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy trung bình mỗi ngày hiện có 298.000 người tiêm liều đầu tiên, trong khi con số này hồi đầu tháng là 161.000.
Tại Italy, số liều đầu tiên mỗi ngày cũng gia tăng trong hai tuần qua, giữa lúc chính phủ thảo luận về việc hạn chế hoạt động đối với những người chưa tiêm. Nhiều khu vực ghi nhận số lượng đăng ký tiêm liều đầu tiên hôm 23/7 tăng gấp đôi so với đầu tuần đó.
Các chính phủ châu Âu được cho là theo đuổi hai mục tiêu, bao gồm khắc phục tình trạng ngần ngại tiêm chủng và tránh tình huống buộc phải tái phong tỏa, gây tổn hại nền kinh tế. Giới chính trị gia và quan chức y tế đang thúc đẩy quan điểm rằng tiêm chủng mang lại nhiều quyền tự do cá nhân hơn, thay vì ngăn cản chúng.
"Chúng tôi không bắt buộc mọi người tiêm chủng, nhưng những người không tiêm sẽ có ít cơ hội hơn", giáo sư y tế cộng đồng Walter Ricciardi, cố vấn cho Bộ trưởng Y tế Italy, cho biết.
Trong khi EU gần đây mới bắt đầu hướng đến hạn chế những người không tiêm chủng, Nga vốn đã thực thi một cách mạnh mẽ từ tháng 6. Giới chức Moskva cùng 44/85 khu vực trên đất nước bắt buộc các nhân viên ngành dịch vụ phải tiêm vaccine Covid-19. Những người không tuân thủ có thể phải nghỉ không lương.
Các nhà hàng và cửa tiệm ở thủ đô Moskva còn từng đối mặt nguy cơ bị đóng cửa 90 ngày, nếu không đạt mục tiêu 60% nhân viên được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 trước ngày 22/7. Hơn 10 địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Nga cũng chỉ cho phép những người đã tiêm, hoặc vừa có kết quả âm tính với nCoV bằng xét nghiệm PCR, được vào các khách sạn và khu nghỉ dưỡng.
Nhiều chính phủ đang thảo luận về khả năng mở rộng hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng. Một dự luật tại Pháp vừa được quốc hội thông qua, chuẩn bị được bỏ phiếu tại thượng viện và xem xét lại trước khi trở thành luật, có điều khoản yêu cầu giấy chứng nhận để được vào các trung tâm thương mại lớn, hội chợ, di chuyển bằng máy bay hoặc tàu hỏa đường dài.
"Quyết định của chúng tôi rất đơn giản, là áp đặt hạn chế với những người chưa tiêm chủng, thay vì tất cả mọi người", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết.
(Theo Vnexpress )