Ván bài kép của Nga: Ổn định chiến lược với Mỹ, hợp tác “chưa từng có” với Trung Quốc

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/7/2021 | 1:44:34 PM

Trong khi tổ chức đối thoại về sự ổn định chiến lược với Mỹ thì Nga cũng thúc đẩy hợp tác quân sự với Trung Quốc trong một sự kiện riêng, cùng lúc giải quyết mối quan hệ với cả đối thủ và đối tác.

Các lực lượng cua Nga và Trung Quốc tại cuộc tập trận chung Vostok ngày 13/9/2018 tại Siberia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Các lực lượng cua Nga và Trung Quốc tại cuộc tập trận chung Vostok ngày 13/9/2018 tại Siberia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Ổn định chiến lược với Mỹ

Trong khi các nhà ngoại giao Nga đã thảo luận về việc hạn chế vũ khí hạt nhân với những người đồng cấp Mỹ thì những người đứng đầu các lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc cũng tăng cường thúc đẩy quan hệ trong một cuộc gặp riêng, một dấu hiệu khác cho thấy sự hợp tác từ 2 đối thủ hàng đầu của Washington.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hôm 28/7 rằng phái đoàn nước này, dẫn đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã có cuộc gặp với phái đoàn Nga, dẫn đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov ở Geneva nhằm đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Đối thoại Ổn định Chiến lược Mỹ - Nga, một sự kiện được lên kế hoạch trong Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng trước giữa Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin.

"Phái đoàn Mỹ đã thảo luận về các ưu tiên chính sách của Mỹ và môi trường an ninh hiện tại, sự nhận thức quốc gia về các mối đe dọa với sự ổn định chiến lược, triển vọng cho một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới và hình thức cho các phiên họp tương lai của Đối thoại Ổn định Chiến lược", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định trong một thông báo.

Ông Ned Price cũng miêu tả các cuộc thảo luận trên là "chuyên nghiệp và đáng kể", đồng thời khẳng định hai bên đều nhất trí gặp lại vào tháng 9 cho một phiên họp toàn thể.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov thì đánh giá cuộc gặp trên "rất thực tế, thiết thực và có trọng tâm".

Tuy nhiên, ông Ryabkov cũng xác định những khó khăn trong cuộc đối thoại này khi hai bên đều nỗ lực giải quyết điều mà Thứ trưởng Ngoại giao Nga gọi là một cuộc khủng hoảng "hiện hữu rõ ràng trong lĩnh vực kiểm soát vũ trang".

"Chúng tôi vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi này, đây là một vấn đề rất nan giải. Vấn đề này đã đáng chú ý từ lâu và hiện chúng tôi chỉ bắt đầu quy trình trao đổi ý kiến về những điều cần làm, cũng như cách thức tiếp tục công việc của mình".

Khi được hỏi, nhà ngoại giao này đã bác bỏ ý tưởng Trung Quốc sẽ tham gia cuộc thảo luận.

"Tôi cho rằng khả năng Trung Quốc tham gia vào đối thoại ổn định chiến lược là rất hạn chế nếu không muốn nói là không tồn tại".

Thứ trưởng Ryabkov cũng chỉ rõ Moscow hiểu lập trường của Trung Quốc về vấn đề trở thành một phần của cuộc đối thoại này.

"Lập trường của Trung Quốc xuất phát từ thực tế rằng Nga và Mỹ là những nước sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất và là những cường quốc hạt nhân dựa trên quy mô các kho vũ khí này. Do vậy, sẽ là bất hợp pháp khi nêu ra vấn đề Bắc Kinh sẽ tham gia vào những nỗ lực trên theo bất kỳ hình thức nào", Thứ trưởng Ngoại giao Nga đánh giá.

Các hiệp ước kiểm soát vũ trang giữa Mỹ và Nga trong Chiến tranh Lạnh giảm dần kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 2001. Những nỗ lực kiểm soát hạt nhân song phương đã đặc biệt suy giảm từ năm 2019 khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và khiến cho Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới là thỏa thuận duy nhất còn lại giữa 2 nước.

Tổng thống Biden đã làm mới thỏa thuận trên không lâu sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021, tuy nhiên, những nghi ngại sâu sắc giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin về kho vũ khí hạt nhân của nhau vẫn luôn tồn tại. Hiện nay, Mỹ muốn mở rộng hiệp ước kiểm soát vũ trang bao gồm cả Trung Quốc.

Mối lo ngại của Mỹ về kho vũ khí của Trung Quốc đã tăng lên trong những tháng gần đây sau khi các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Giải trừ vũ khí James Martin phát hiện ra địa điểm được cho là nơi xây dựng hàng trăm hầm chứa (silo) tên lửa có khả năng hạt nhân của Trung Quốc.

Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát bộ ba hạt nhân của nước này đã phản ứng trước những diễn biến mới đây với sự lo ngại.

"Đây là lần thứ hai trong 2 tháng công chúng phát hiện ra những điều mà chúng tôi đã nói từ lâu về mối đe dọa ngày càng gia tăng mà thế giới phải đối mặt và bức màn bí mật bao quanh nó", cơ quan này thông báo trên Twitter.

Hợp tác Nga – Trung "vượt xa liên minh trong Chiến tranh Lạnh”

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc đã làm phức tạp những nỗ lực song phương và cả đa phương khi Moscow và Washington đang tăng cường thúc đẩy quan hệ chiến lược và xây dựng sự hợp tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Những nỗ lực tận dụng thêm mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự "trên tinh thần hợp tác chiến lược và đối tác toàn diện" cũng đã được 2 nước thảo luận trong cuộc gặp ngày 28/7.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã trao đổi với nhau tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan, nơi Bộ Quốc phòng Nga cho biết cả hai đã tham dự một cuộc gặp cấp bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

"Bất chấp những thách thức từ đại dịch trên khắp thế giới, chúng tôi đã nỗ lực tìm  ra những cách thức tương tác mới và tiếp tục sự hợp tác thành công", ông Shoigu cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng thay mặt lực lượng vũ trang nước này chấp nhận lời mới tham dự tập trận quân sự của Trung Quốc vào tháng tới.

Tháng 8, SCO gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan sẽ tổ chức cuộc tập trận chung mang tên "Sứ mệnh Hòa bình 2021".

Nga vẫn duy trì các hiệp ước phòng thủ chung với Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan như một phần trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) nhưng Moscow đã tăng cường sự tham gia ở Trung Á giữa lo ngại rằng Washington đang tìm cách xây dựng dấu ấn mới trong khu vực sau khi rút quân khỏi Afghanistan sau 2 thập kỷ tham chiến.

Tại hội nghị bộ trưởng của SCO, ông Shoigu đã chỉ trích những điều mà ông cho là nỗ lực của Mỹ nhằm can thiệp vào các nước bên ngoài, đồng thời khẳng định những nỗ lực can thiệp vào Syria và Libya sẽ thất bại.

Trung Quốc cũng gọi sự tham gia của Mỹ vào những cuộc xung đột này là sai lầm và đã mang đến những kết quả tiêu cực.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng khẳng định rằng, Nga và Trung Quốc tiếp tục "duy trì quan hệ song phương mạnh mẽ và không thể lay chuyển, trở thành một lực lượng giữ vững sự ổn định của thế giới hiện nay".

Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác mạnh mẽ hơn trước những vấn đề khu vực trong những sự kiện gần đây ở Afghanistan.

"Về việc đối phó với tình huống đang thay đổi ở Afghanistan, Trung Á và cuộc chiến chung chống khủng bố, hai bên đều hiểu lập trường của nhau và nhất trí về việc thúc đẩy sự hợp tác cùng các hành động chung, bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Nga và Trung Quốc, duy trì công lý, sự bình đẳng quốc tế, an ninh và sự ổn định khu vực”.

Sự tương tác giữa Nga và Trung Quốc diễn ra sau khi 2 nước vừa tổ chức 20 năm Hiệp ước Hợp tác Thân thiện và Láng giềng Hữu nghị đầu tháng này.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kỷ niệm sự kiện trên trong một hội nghị trực tuyến. Tuyên bố chung dài 5.000 chữ của 2 bên đã khen ngợi mối quan hệ này "dựa trên sự bình đẳng, tin tưởng nhau một cách sâu sắc, cam kết với luật pháp quốc tế, ủng hộ việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của nhau, các nguyên tắc chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ".

"Mặc dù không trở thành một liên minh như trong Chiến tranh Lạnh nhưng quan hệ Nga - Trung đã vượt xa hình thức tương tác liên quốc gia này", tuyên bố trên khẳng định./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp thượng đỉnh.

Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đang xem xét tổ chức các cuộc đối thoại trực tuyến với Bình Nhưỡng.

Báo chí Lào ngày 28-7 đưa tin, chính phủ nước này đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch phối hợp với các địa phương trên cả nước để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại ngành du lịch theo điều kiện “bình thường mới”.

Hiện trường vụ tai nạn.

Một xe tải chạy quá tốc độ đâm vào một xe buýt hai tầng chở quá tải trọng ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, khiến ít nhất 18 người đã thiệt mạng và 10 người bị thương.

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tham dự phiên tòa ở Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan, hồi tháng 12/2019.

Chính quyền quân sự Myanmar thông báo hủy kết quả cuộc bầu cử năm 2020, trong đó đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục