Theo BBC, tốc độ nhóm Taliban tấn công và giành quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay lực lượng chính phủ của Afghanistan đang gây ngạc nhiên đối với giới quan sát vì tương quan lực lượng 2 bên có sự chênh lệch nhất định, với lợi thế nghiêng về phía quân đội chính phủ. Tuy nhiên, Taiban đang chiếm ưu thế trong khi chính phủ Afghanistan gặp khó khăn trong việc bảo vệ các lãnh thổ họ đang kiểm soát.
Trong tuần này, một báo cáo tình báo bị rò rỉ của Mỹ đã vẽ ra kịch bản rằng thủ đô Kabul có thể bị tấn công trong vài tuần tới và chính phủ Afghanistan dường như đang đối mặt nguy cơ bị sụp đổ trong 90 ngày.
Về mặt lý thuyết, lực lượng chính phủ Afghanistan lẽ ra phải chiếm ưu thế với lực lượng quy mô lớn hơn, theo giới quan sát. Mỹ và các đồng minh NATO trong 20 năm qua đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo và tích cực trang bị khí tài cho lực lượng an ninh Afghanistan. Tuy nhiên, tình hình thực tế đang thể hiện sự trái ngược.
Tương quan lực lượng
Trên giấy tờ, lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan gồm hơn 300.000 thành viên, gồm lục quân, không quân và cảnh sát. Nhưng theo BBC, phía chính phủ luôn luôn gặp phải khó khăn để có thể đạt được mục tiêu tuyển mộ tân binh.
Trong một báo cáo gửi lên quốc hội Mỹ, bộ phận Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan bày tỏ "quan ngại về tác động của vấn nạn tham nhũng... và mức độ chính xác đáng nghi ngờ của dữ liệu về sức mạnh thực tế của lực lượng Afghanistan".
Theo BBC, trong quân đội Afghanistan dường như tồn tại một khái niệm được gọi là "lính ma", chỉ việc một số chỉ huy ăn lương của những quân nhân chỉ tồn tại trên giấy tờ mà không có trong thực tế.
Chuyên gia Jack Watling, từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, cho biết, chính quân đội Afghanistan dường như cũng không chắc chắn về quân số thực tế của lực lượng này.
Tuy nhiên, quy mô lực lượng của Taliban thậm chí còn khó thống kê hơn. Theo dữ liệu của Trung tâm chống khủng bố Mỹ tại Học viện quân sự West Point, Taliban lực lượng nòng cốt vào khoảng 60.000 người. Với lực lượng ủng hộ và các nhóm dân quân khác có liên quan, quân số của Taliban có thể là 200.000 người. Chuyên gia Mike Martin, cựu sĩ quan quân đội Anh, cho rằng Taliban giống một liên minh gộp lại từ các nhóm độc lập liên kết với nhau một cách tạm thời.
Ngân sách quân sự
Theo BBC, về mặt lý thuyết, chính phủ Afghanistan có lợi thế hơn hẳn Taliban về ngân sách quân sự và vũ khí.
Afghanistan phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ nước ngoài. Quân đội nước này cần ngân sách 5-6 tỷ USD mỗi năm, theo cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ. Washington đã cung cấp gần 75% nguồn ngân sách và cam kết tiếp tục ủng hộ.
Con số liên quan tới tình hình tài chính của Taliban chưa rõ ràng. Nhóm này thu được hàng năm khoảng 300 triệu - 1,5 tỷ USD từ nhiều hoạt động như buôn bán chất cấm, thu thuế từ những khu vực họ kiểm soát, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng nhận định, Taliban dường như không gặp khó khăn trong việc tuyển mộ lực lượng, đảm bảo ngân sách và mua trang bị vũ khí.
Trong những năm qua, Mỹ cáo buộc Pakistan và Iran hỗ trợ nguồn lực cho Taliban nhưng cả 2 nước đều bác cáo buộc này.
Khí tài quân sự
Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD để xây dựng và trang bị cho quân đội Afghanistan trong 20 năm qua. Nhờ vậy, Kabul được cho sở hữu ưu thế công nghệ tốt hơn so với Taliban. Afghanistan sử dụng hàng loạt vũ khí phương Tây chế tạo, bao gồm súng trường tấn công hiện đại, kính nhìn đêm, xe bọc thép, pháo và máy bay không người lái giám sát nhỏ.
Ngoài ra, Kabul còn có lực lượng mà Taliban không thể so sánh: Không quân. Họ sở hữu phi đội 167 chiếc, gồm cả trực thăng tấn công.
Trong khi đó, Taliban chủ yếu dùng vũ khí hạng nhẹ, lâu đời như súng trường AK-47. Ngoài súng bắn tỉa và súng máy, nhóm cũng đã triển khai lựu đạn phóng tên lửa, súng cối và các loại tên lửa nhỏ khác, đồng thời sử dụng một số vũ khí phòng không và chống tăng.
Taliban cũng đã sở hữu một số khí tài phương Tây sản xuất khi chiếm được từ tay quân đội Afghanistan. Các phương tiện nổ tự chế cũng được xem là một trong những vũ khí nguy hiểm của Taliban.
Ưu thế của Taliban
Theo các chuyên gia quân sự, tinh thần chiến đấu của Taliban được xem là cao hơn so với đối thủ, dường như do ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, cũng như từ tác động của những hứa hẹn của lãnh đạo Taliban với các thành viên trong lực lượng.
Trong khi đó, phía Afghanistan có tinh thần chiến đấu được xem là chưa cao do nhiều yếu tố, gần đây nhất là việc Mỹ cùng đồng minh rút quân. Ngoài ra, khả năng lãnh đạo và lên kế hoạch chưa tốt của lực lượng Kabul được xem là nguyên nhân khiến binh sĩ bị giảm tinh thần.
Trong làn sóng giao tranh lần này, Taliban đã tấn công vào các khu vực phía bắc và phía tây vốn không phải là thành trì truyền thống của họ. Phương án này được xem đã mang lại hiệu quả khi Taliban liên tiếp giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực trong những ngày qua.
Taliban đã chiếm được các khu vực ở biên giới và trạm kiểm soát, cắt đứt nguồn thu từ hải quan cần thiết cho chính phủ Afghanistan vốn đang thiếu tiền mặt. Giới quan sát nhận định, chính phủ Afghanistan lúc này dường như đang đối mặt với viễn cảnh ảm đạm dù vượt Taliban về năng lực quân sự.
(Theo Dân Trí)