Abdul Ghani Baradar - Lãnh đạo cấp cao của Taliban là ai?
Người đàn ông có thể trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Afghanistan đã tiến vào Kandahar ngày 17/8 với sự hộ tống của một đoàn xe SUV trắng trước những màn pháo hoa và sự chào đón của hàng nghìn người dân Afghanistan. Trong nhiều năm qua, các lãnh đạo chính trị của Taliban chính là những nhà chiến lược đứng sau lực lượng nổi dậy quyền lực này và hiện nay những người này đã xuất hiện ở đây trong đoàn hộ tống ông Abdul Ghani Baradar.
Một số người trong đám đông vỗ tay trong khi nhiều người khác chỉ biết hoảng hốt nhìn chằm chằm.
Baradar đã dành hơn nửa cuộc đời sống như một kẻ nổi dậy và một tù nhân. Không ai biết chính xác Baradar bao nhiêu tuổi và có không ít câu hỏi xoay quanh nhà lãnh đạo Taliban. Tuy nhiên, câu hỏi cấp bách nhất hiện nay là: Một người với cuộc đời chia làm hai nửa, một là nhà tù ở Pakistan và một là khách sạn xa xỉ ở Doha, sẽ lãnh đạo một đất nước, nơi mà mọi cấu trúc nhà nước đều biến mất trong một ngày, như thế nào?
Baradar là bạn thân của người sáng lập Taliban Mohammad Omar. Cả hai đều từng chiến đấu trong cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan và nổi lên như những nhân vật chính trị quyền lực sau khi Liên Xô rút quân. Vào cuối những năm 1990, ông Baradar từng lãnh đạo một số tỉnh mà Taliban chiếm được và cùng với các lãnh đạo khác thực hiện một chế độ thực thi quyền lực qua đàn áp và bạo lực.
Sau khi Taliban chiếm được Kabul tuần trước, ông Baradar đã xuất hiện trên một video, tháo kính ra và nhìn vào camera tuyên bố: "Bây giờ phép thử đã đến. Giờ là thời điểm để nói về việc chúng ta sẽ phục vụ và bảo vệ an ninh cho người dân như thế nào, cũng như đảm bảo tương lai cho họ".
Khi Mỹ tiến vào Afghanistan năm 2001 và bắt đầu ném bom cả al-Qaeda và Taliban, ông Baradar là người đã đàm phán với ông Hamid Karzai, người sau này trở thành Tổng thống của Afghanistan. Trung tá Jason Amerine, người sau này chỉ huy Lực lượng Đặc biệt Mỹ nhớ lại khoảnh khắc ngồi cạnh ông Karzai ở Pakistan khi ông này trao đổi với ông Baradar qua điện thoại vệ tinh.
"Đó là một cuộc trao đổi lịch sự. Thực sự thì không có bất kỳ căng thẳng nào. Nghe tông giọng thì giống như ông Karzai đang trao đổi với một người đó mà ông ấy đã biết. Tôi không nhận ra ông ấy đang nói chuyện với một trong những lãnh đạo cấp cao của Taliban".
Trong một vài tuần sau, ông Baradar đã cử một lực lượng tới để cố gắng ám sát ông Karzai nhưng đầu tháng 12, trước những trận dội bom dữ dội của Mỹ, lãnh đạo Taliban đã đề nghị đầu hàng.
Vào những năm đầu của cuộc chiến, Taliban bắt đầu tập hợp lực lượng. Ông Baradar được cho là đã vô cùng tức giận khi Mỹ không kích giết chết nhiều người trong đám cưới người thân của ông ta năm 2012 tại tỉnh Uruzgan, đặc phái viên Liên Hợp Quốc ở Afghanistan giấu tên cho hay.
"Sau đó, ông ta đã trốn tới Pakistan và bắt đầu sống ở Karachi", đặc phái viên này nói
Từ nhà tù ở Pakistan tới khách sạn sang trọng ở Doha
Năm 2010, khi chính quyền cựu Tổng thống Obama cử thêm hàng chục nghìn binh lính tới Afghanistan, ông Baradar đã xuất hiện như một thủ lĩnh chỉ đạo nhiều chiến dịch ở Afghanistan. Uruzgan trở thành một trong những nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất. Các căn cứ quân sự của Mỹ, Australia và Hà Lan ở đây thường xuyên bị lực lượng Taliban bắn phá.
Trong khi đó, ông Baradar cũng tiến hành các cuộc trao đổi không công khai với chính phủ của Tổng thống Karzai. Khi Baradar bị CIA và lực lượng Pakistan bắt giữ vào tháng 2/2010, việc này được xem như một nỗ lực của Pakistan nhằm làm gián đoạn các cuộc trao đổi hòa bình.
Baradar đã bị giam cầm trong nhà tù Pakistan trước khi được thả ra vào năm 2018 - thời điểm chỉ gia tăng thêm tính hợp pháp về chính trị của ông ta, Thomas Ruttig, cựu quan chức ngoại giao Đức và là một nhà phân tích về Afghanistan cho hay.
"Taliban thường được miêu tả như những 'con rối' của Pakistan nhưng thực tế không hẳn là như vậy: Mặc dù Taliban phụ thuộc nhiều vào Pakistan và Pakistan cũng có ảnh hưởng đến họ nhưng Taliban cũng đóng vai trò nhất định. Tôi nghĩ kinh nghiệm của Baradar ở Pakistan sẽ không biến ông ta thành người chỉ tuần theo các yêu cầu của Pakistan”.
Sau khi Baradar được thả khỏi tù theo yêu cầu từ Mỹ và các nhà lãnh đạo Afghanistan, một số chỉ huy Taliban đã lo ngại về tình trạng tinh thần của Baradar trước những gì ông ta phải trải qua, Bette Dam, một chuyên gia người Hà Lan về Taliban cho biết.
Khi Baradar đến Qatar vào năm ngoái để đàm phán về việc chia sẻ quyền lực ở Afghanistan, ông là một người trò chuyện mềm mỏng và ít xuất hiện hơn so với các nhân vật khác của Taliban. Bộ râu dài của ông đã chuyển sang màu xám. Khoác trên mình bộ trang phục Shalwar Kameez và chiếc khăn turban, ông Baradar xuất hiện trái ngược hẳn với những du khách mặc những bộ trang phục không mấy kín đáo ở khách sạn Doha - nơi đoàn đàm phán tiến hành trao đổi.
Ông Baradar tuyên bố, Taliban đang tìm kiếm "một hệ thống Hồi giáo mà tất cả mọi người trên đất nước đều có thể tham gia, không có sự phân biệt đối xử và sống hòa bình với nhau trong bầu không khí anh em".
Thậm chí ngay cả khi các cuộc tấn công của Taliban vẫn tiếp diễn trong quá trình đàm phán, chính các quan chức Mỹ cũng dần bị thuyết phục bởi những gì mà ông Baradar tuyên bố.
Nhà quan sát Ruttig cho biết, ông Baradar hóa ra lại là một nhân vật quyền lực hơn so với một số nhân vật khác trong những năm qua, cũng như ngày càng "phát triển và thể hiện sự hiểu biết về chính trị".
"Tôi muốn nói rằng ông ta giống như một người đối trọng với những nhân vật cứng rắn trong Taliban. Dường như Baradar sẽ có ảnh hưởng rất lớn với chính phủ mới của Taliban và vai trò của ông ta trong lực lượng này từng bị đánh giá không đúng mức".
Người quyết định tương lai Afghanistan
Dù vậy, cách thức mà Baradar sẽ lãnh đạo, và thậm chí khả năng củng cố quyền lực của ông ta ở Kabul là điều không thể đoán được. Thậm chí cả khi Baradar và các lãnh đạo Taliban khác có một tầm nhìn tự do hơn cho đất nước này trong những ngày gần đây thì có những dấu hiệu cho thấy các biện pháp đàn áp của Taliban đã xuất hiện trở lại.
Ở một số nơi của Afghanistan, đã có những bài báo ghi nhận việc các trường học của trẻ em gái bị đóng cửa trong khi có không ít câu chuyện khác về việc Taliban chiếm giữ của cải cũng như tấn công dân thường.
Liệu Baradar có chấm dứt được những điều này? Nếu làm được, liệu ông ta có thành công? Đó là những câu hỏi chưa thể trả lời. Thậm chí, ngay cả việc lãnh đạo Taliban này sống ở đâu cũng không ai biết rõ.
Tại Kabul, Taliban đã chiếm giữ Dinh Tổng thống. Baradar, người từng là biểu tượng cho hình ảnh chiến binh khổ hạnh của Taliban sẽ quyết định liệu có ở đây hay không, nơi từng là địa điểm sinh sống của những người mà ông ta đã chiến đấu trong suốt 2 thập kỷ.
(Theo VOV)