Loạt thách thức với quyền lực Taliban

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/8/2021 | 8:21:34 AM

Các cuộc biểu tình và lời kêu gọi kháng chiến xuất hiện ngay sau khi Taliban tiếp quản một quốc gia đang vật lộn vì Covid-19, hạn hán và nghèo đói.

Một tay súng Taliban đứng gác bên ngoài Bộ Nội vụ Afghanistan ở thủ đô Kabul hôm 16/8.
Một tay súng Taliban đứng gác bên ngoài Bộ Nội vụ Afghanistan ở thủ đô Kabul hôm 16/8.

"Tôi sẽ không làm hàng triệu người lắng nghe mình phải thất vọng. Tôi sẽ không đội trời chung với Taliban. Hãy tham gia lực lượng kháng chiến", Amrullah Saleh, cựu phó tổng thống Afghanistan trong chính quyền vừa bị lật đổ, tuyên bố trên Twitter hôm 17/8.

Trước đó, Saleh tự nhận là lãnh đạo lâm thời của Afghanistan thay thế tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy ra nước ngoài, cho biết ông "đang liên hệ với tất cả lãnh đạo để đảm bảo sự ủng hộ và đồng thuận của họ" về một liên minh chống Taliban. Saleh được cho là đang tập hợp lực lượng tại thung lũng Panjshir, cách thủ đô Kabul khoảng 110 km về phía bắc.

Một trong những người đồng hành cùng Saleh là Ahmad Massoud, con trai của Ahmad Shah Massoud, thủ lĩnh Liên minh phương Bắc đã bị al-Qaeda ám sát hai ngày trước vụ khủng bố 11/9/2001. Liên minh phương Bắc từng lật đổ Taliban dưới sự hỗ trợ của Mỹ vào năm 2001.

"Chúng tôi có các binh sĩ từ quân đội chính quy Afghanistan, những người cảm thấy căm phẫn khi chỉ huy của họ đầu hàng và đang mang vũ khí tới Panjshir. Các cựu thành viên Lực lượng Đặc nhiệm Afghanistan cũng đã tham gia cuộc đấu tranh của chúng tôi", Massoud viết trong một bài đăng trên tờ Washington Post.

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15/8, Taliban đã tìm cách thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ không có ý định áp đặt chế độ cai trị hà khắc như trước đây, thay vào đó sẽ theo đuổi hòa bình và công bằng. Tuy nhiên, nhiều người không tin tưởng những cam kết này, trong khi các nước dường như né tránh việc công nhận Taliban là lực lượng cầm quyền ở Afghanistan.

"Sự chuyển đổi từ một nhóm nổi dậy, vốn sử dụng bạo lực để đạt mục tiêu, sang một chính phủ phải học cách chịu trách nhiệm và chấp nhận những ý kiến trái chiều, sẽ không dễ dàng", nhà nghiên cứu Martine van Bijlert, người đồng sáng lập Mạng lưới Nhà phân tích Afghanistan, nhận định.

Một trong những yếu tố khiến tương lai điều hành Afghanistan của Taliban gặp nhiều thách thức là việc cựu tổng thống Ghani tuyên bố ông có ý định trở lại đất nước, sau khi chạy trốn đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ghani bác bỏ thông tin ông mang theo số tiền lớn khi rời Kabul, đồng thời cho biết phải bỏ trốn vì lo sợ nguy cơ bị Taliban treo cổ nếu ở lại.

Tài chính cũng là vấn đề đáng lo ngại đối với Taliban khi ngân khố quốc gia trống rỗng. Quyền thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady hôm 18/8 cho biết Taliban sẽ chỉ có thể tiếp cận một phần nhỏ trong 9 tỷ USD dự trữ quốc tế của đất nước, hầu hết được gửi trong các ngân hàng tại Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vài ngày gần đây đã đóng băng các tài khoản của Afghanistan, nhằm ngăn lực lượng này tiếp cận nguồn ngoại tệ dự trữ khổng lồ. Tuy nhiên, động thái đó cũng có nguy cơ bóp nghẹt nền kinh tế Afghanistan, đất nước vô cùng nghèo khó vốn phụ thuộc sâu sắc vào viện trợ của Mỹ và quốc tế.

Sau khi nghe tin Taliban đang tra hỏi các nhân viên ngân hàng trung ương về "vị trí tài sản", Ahmady, người đã rời khỏi Afghanistan, đã liệt kê các ngân hàng nước ngoài đang giữ tiền dự trữ của đất nước. Cựu quan chức này cho rằng Taliban "cần khẩn trương bổ sung một nhà kinh tế học vào đội ngũ".

"Taliban và những bên hậu thuẫn họ đáng lẽ phải lường trước điều này. Họ đã chiến thắng về mặt quân sự, nhưng việc điều hành không hề dễ dàng", Ahmady viết.

Trở thành lực lượng nắm quyền, Taliban giờ đây sẽ phải chăm lo cho đời sống của người dân Afghanistan, vốn đang bị hạn hán hoành hành. Tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children cho biết họ "lo ngại cực độ" về khả năng trẻ em tại Afghanistan sẽ đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, trong bối cảnh các tổ chức cứu trợ đã ngừng hoạt động sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát.

"Trước cả khi Taliban trỗi dậy, Afghanistan vốn có số lượng người đối mặt tình trạng đói ở mức khẩn cấp cao thứ hai thế giới. Một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi được cho là sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay, cần được quan tâm đặc biệt để sống sót", tuyên bố của Save the Children có đoạn.

Giữa lúc đội ngũ lãnh đạo Taliban phải tính toán cách trả lương cho các nhân viên chính phủ và nuôi sống đất nước, những thách thức chính trị với quyền lực của nhóm cũng xuất hiện. Tại thành phố Jalalabad phía đông Kabul, hàng chục người hôm 18/8 tuần hành với quốc kỳ Afghanistan, trong khi Taliban dùng lá cờ màu trắng riêng.

Theo các video trên mạng xã hội, Taliban đã nổ súng thị uy đoàn người biểu tình. Danish Karokhil, biên tập viên hãng thông tấn Afghanistan Pajhwok, cũng cho biết lực lượng Taliban đã nổ súng vào đám đông và đánh một phóng viên video của hãng này sau khi chất vấn tại sao anh quay cảnh biểu tình. Al Jazeera đưa tin hai người biểu tình đã thiệt mạng. Truyền thông địa phương cho biết các cuộc biểu tình lớn cũng được tổ chức tại thành phố Khost, phía đông nam Kabul.

Tình trạng hỗn loạn tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, nơi hàng nghìn người tuyệt vọng đang cố gắng rời khỏi đất nước, cũng được cho là một phép thử với khả năng xử lý khủng hoảng của Taliban.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hôm 18/8 cho biết Washington đang thảo luận với Taliban về việc "đảm bảo đi lại an toàn không chỉ cho công dân Mỹ, mà còn cho những người đang cố gắng đến sân bay" để rời khỏi đất nước.

Theo Sherman, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa nhận được báo cáo nào về việc công dân của họ bị Taliban cản đường đến sân bay, nhưng đã xuất hiện nhiều trường hợp người Afghanistan bị chặn lại dù có giấy tờ hợp lệ.

Trước đó, đại sứ quán Mỹ tại Kabul đăng cảnh báo an ninh đối với những người Mỹ đang cố gắng đến sân bay, hướng dẫn họ đi qua cổng quân sự do lực lượng Mỹ kiểm soát, nhưng lưu ý rằng "chính phủ Mỹ không thể đảm bảo con đường an toàn" đến địa điểm này.

Tại tỉnh Bamiyan phía tây Kabul, người dân địa phương cho biết Taliban đã cho nổ tung bức tượng Abdul Ali Mazari, thủ lĩnh của dân tộc thiểu số Hazara bị Taliban hành quyết vào năm 1995. Hai thập kỷ trước, Taliban cũng cho nổ tung hai bức tượng Phật lớn ở Bamiyan.

Tuy nhiên, Mullawi Faroq, một thành viên Taliban tại Bamiyan, phủ nhận việc nhóm này phá hủy bức tượng thủ lĩnh Hazara, đồng thời cáo buộc "những kẻ phá hoại" đang cố gắng chia rẽ người dân và Taliban. Mặc dù vậy, ông thừa nhận tình trạng hỗn loạn đã xuất hiện sau khi Taliban tiếp quản tỉnh này.

"Chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại", Faroq cho biết, nhưng nói thêm rằng tình hình đã được cải thiện. "Chúng tôi đã mang lại trật tự và an ninh".

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Một cảnh sát được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Phnom Penh ngày 16.8.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 19.8 quyết định kết thúc “chiến dịch tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19” sau 21 ngày áp dụng, dù số ca nhiễm đang tăng và biến thể Delta lây lan tới thủ đô Phnom Penh và 23 tỉnh.

Cờ Trung Quốc bay phía trên quốc huy tại Đại lễ đường Nhân dân sau phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) ở Bắc Kinh tháng 5/2020.

Quốc hội Trung Quốc bất ngờ hoãn bỏ phiếu đưa dự luật chống trừng phạt vào Luật Cơ bản Hong Kong, khi nhiều doanh nghiệp lo ngại quy định này.

Người dân đợi tại sân bay Kabul để sơ tán khỏi Afghanistan ngày 16/8.

Trong một thông báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết 6.000 người hiện đang ở sân bay đã hoàn tất các thủ tục và đang chờ lên máy bay.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21/8 sẽ lên đường thăm Nga và có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục