G20 chật vật tìm đột phá trong ứng phó biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/11/2021 | 8:19:38 AM

Các nhà lãnh đạo của G20 đã cố gắng tìm hướng giải quyết những khác biệt trong ứng phó với sự nóng lên toàn cầu, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 30 - 31/10 tại Italia. Ảnh: AFP
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 30 - 31/10 tại Italia. Ảnh: AFP

Lần đầu tiên sau 2 năm, các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp diễn ra trong hai ngày 30 - 31/10 tại Rome, Italia.

Các nhà ngoại giao G20 đã làm việc thông đêm để tìm kiếm sự thống nhất trong thông cáo chung. Nhưng không có dấu hiệu tiến triển đáng kể nào, hãng tin Reuters dẫn lời quan chức từ một phái đoàn quốc gia thành viên G20 cho biết.

Thủ tướng Italia Mario Draghi, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, đã nhấn mạnh tại buổi khai mạc thảo luận ngày 31/10 rằng: "Cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu là thách thức quyết định của thời đại chúng ta".

"Hoặc là chúng ta hành động ngay bây giờ, đối mặt cái giá phải trả của quá trình chuyển đổi và thành công trong việc chuyển nền kinh tế sang con đường bền vững hơn, hoặc chúng ta trì hoãn, trả giá hơn nhiều sau đó và có nguy cơ thất bại", Thủ tướng Italia nhấn mạnh.

Với những dự thảo thông cáo chung G20 không có nhiều cam kết mới nhằm hạn chế ô nhiễm hoặc khí nhà kính, các nhà khoa học và nhà vận động chống biến đổi khí hậu tỏ ra thất vọng, trừ khi có những đột phá ở phút chót.

Khối các nước G20 chiếm khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu và các nhà khoa học cảnh báo họ phải giảm mạnh lượng phát thải này để tránh xảy ra thảm họa khí hậu.

Vì lý do đó, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này được coi là bước đệm quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 của Liên hợp quốc, với sự tham dự của gần 200 quốc gia ở Glasgow, nơi hầu hết các nhà lãnh đạo G20 sẽ bay từ Rome đến tham dự.

Ông Oscar Soria từ mạng lưới các nhà vận động chống biến đổi khí hậu Avaaz cho rằng: "Các báo cáo mới nhất (của G20) thật đáng thất vọng, không có nhiều đánh giá khẩn cấp khi đối mặt với tình thế cấp bách hiện nay". "Không còn thời gian cho những thứ mong muốn mơ hồ, chúng ta cần những cam kết và hành động cụ thể", ông Oscar Soria kêu gọi.

Theo bản thảo thứ năm về tuyên bố cuối cùng của G20 mà Reuters có được hôm 30/10, một số lĩnh vực chính đã đề cập đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là mục tiêu mà các chuyên gia Liên hợp quốc cho rằng cần thiết để hạn chế trái đất nóng lên trong ngưỡng 1,5 độ C và được coi là giới hạn để tránh những biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Tuy vậy, nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia cho rằng ngay cả khi kế hoạch hạn chế khí thải hiện nay của các quốc gia được thực hiện đầy đủ, thế giới vẫn sẽ nóng lên 2,7 độ C.

Trung Quốc, quốc gia đang phát thải lượng carbon lớn nhất hành tinh, đã đề ra mục tiêu đưa mức này về 0 vào năm 2060, trong khi các nước gây ô nhiễm lớn khác như Ấn Độ và Nga không cam kết thời hạn vào giữa thế kỷ này.

Trước đó, các bộ trưởng năng lượng và môi trường của G20 đã có cuộc họp tại Naples vào tháng 7, nhưng họ không đạt được thỏa thuận về thời hạn loại bỏ việc ủng hộ nhiên liệu hóa thạch và "khai tử" điện than.

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 dự kiến diễn ra từ ngày 31/10-12/11 tại Glasgow, Scotland. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp hành động khẩn trương, nghiêm túc từ tất cả các nước để có thể đạt được mục tiêu trong Thỏa thuận Paris là giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng dưới 2 độ C và nỗ lực để chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (hiện nhiệt độ đã tăng gần 1,2 độ C).

(Theo Đầu tư)

Các tin khác
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hạ viện ở Tokyo, ngày 13/10/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sáng 31/10, các cử tri Nhật Bản đã đi bỏ phiếu bầu Hạ viện gồm 465 ghế. Đây là phép thử lớn đầu tiên đối với Thủ tướng Fumio Kishida trong vai trò người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

Các nhà lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị G20. Ảnh: AP

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Mỹ, Đức, Pháp và Anh hôm 30/10 hối thúc Iran quay trở lại tuân thủ các cam kết trong Thỏa thuận Hạt nhân Iran ký năm 2015 để "tránh leo thang nguy hiểm".

Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu sau khi HĐBA thông qua Nghị quyết gia hạn Phái bộ MINURSO.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 2602 do Mỹ chủ trì soạn thảo về việc gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Tây Sahara (MINURSO) thêm 12 tháng, đến 31/10 năm sau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục