Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc Covid-19 đã tăng lên 11% trên toàn cầu trong tuần qua và các ca nhiễm biến chủng Omicron chiếm đa số tại nhiều quốc gia.
Tại Anh, màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng tại thủ đô London đã buộc phải hủy bỏ năm thứ hai liên tiếp do nỗi lo biến chủng Omicron lây lan mạnh. Ban đầu, chính quyền thành phố dự định thay thế bắn pháo hoa bằng một buổi lễ chào mừng tại Quảng trường Trafalgar với sự tham gia của các nhạc công, ca sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã phải dừng lại.
Còn ở Pháp, chính quyền đã thông báo không tiến hành màn bắn pháo hoa truyền thống trên đại lộ Champs-Elysées để chào đón năm mới vì sự gia tăng các ca nhiễm biến chủng Omicron. Thủ tướng Jean Castex cho biết, các lễ hội ngoài trời cũng bị cấm, đồng thời khuyến cáo những người đã tiêm vắc xin nên tự xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi tham gia vào các bữa tiệc cuối năm cùng người thân, bạn bè.
Tương tự như châu Âu, biến chủng Omicron cũng đã buộc nhiều thành phố tại Mỹ phải hủy bỏ các lễ hội chào đón năm mới. Los Angeles - thành phố lớn thứ hai của Mỹ, đã hủy bỏ tổ chức tiệc đón Giao thừa trước một tuần. Tại thành phố New York, số bệnh nhân Covid-19 tăng vọt khiến các buổi biểu diễn ở Broadway bị hủy bỏ. Nhiều trung tâm xét nghiệm mọc lên với hàng dài người xếp hàng chờ đợi.
Cho đến nay, gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có gần 40 quốc gia châu Âu và 22 quốc gia châu Phi. Trong tuần qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 5 triệu ca mắc mới Covid-19. Ngày 29-12 vừa qua, WHO đã cảnh báo nguy cơ một "cơn sóng thần" Covid-19 khi các ca nhiễm biến chủng Omicron đang làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch...
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, biến chủng Delta và Omicron là mối đe dọa kép, khiến số ca mắc mới ở nhiều quốc gia tăng lên mức kỷ lục, kéo theo số ca nhập viện và tử vong tăng. Ông tiếp tục kêu gọi các quốc gia phân phối vắc xin đồng đều hơn và cảnh báo việc quá chú trọng tiêm mũi tăng cường tại các nước phát triển có thể khiến nguồn cung vắc xin cho các nước nghèo trở nên hạn hẹp. Hiện, WHO đang thực hiện chiến dịch vận động để mỗi quốc gia đều sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số vào giữa năm 2022, từ đó giúp thế giới vượt qua giai đoạn hiểm nghèo vì đại dịch Covid-19.
Hiện có nhiều tín hiệu tích cực từ những nghiên cứu về các loại vắc xin mới. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed của Mỹ đang phát triển vắc xin phòng Covid-19 Spike Ferritin Nanoparticle (SpFN) có khả năng phòng ngừa tất cả các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2. Hãng dược Moderna của Mỹ cũng công bố kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho biết, tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin mRNA-1273 của hãng sẽ giúp bảo vệ khỏi biến thể Omicron, đồng thời khẳng định phiên bản vắc xin hiện nay tiếp tục là "bức tường phòng vệ tuyến đầu” của Moderna chống Omicron. Trong khi đó, Hãng AstraZeneca đang cùng Đại học Oxford sản xuất vắc xin đặc hiệu chống lại biến chủng Omicron. Điều này mang lại hy vọng để thế giới ứng phó với Omicron trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trước mắt, các quốc gia cần tiếp tục tăng cường "lập rào chắn" để ngăn ngừa biến chủng Omicron lan rộng. Các biện pháp y tế nghiêm ngặt, tiêm chủng rộng rãi và sự hợp tác từ công chúng, bao gồm việc tuân thủ nghiêm túc các quy tắc giãn cách xã hội, sẽ quyết định sự thành công của cuộc chiến chống lại Omicron.
(Theo HNMO)