Dẫn nhận định của một nhà kinh tế từ Moody, CNBC cho biết, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị kéo dài, phần lớn do chính sách zero-covid nghiêm ngặt của Trung Quốc.
"Các nút thắt cổ chai đã kéo dài khoảng một năm nay dự kiến sẽ giảm bớt về mặt vật chất trong những tháng đầu năm nay. Vì vậy, chúng ta bắt đầu chứng kiến áp lực giảm giá đối với những thứ như giá sản xuất, giá đầu vào. Tuy nhiên, với chính sách zero-covid của Trung Quốc và cách họ có xu hướng đóng cửa các cảng và nhà máy quan trọng, sự gián đoạn này thực tế sẽ còn kéo dài", bà Katrina Ell, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm phân tích của Moody nói với CNBC và cho rằng điều đó đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bắc Kinh đã áp chính sách zero-covid nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Theo đó, nước này đòi hỏi kiểm dịch nghiêm ngặt và hạn chế đi lại trong nước để kiểm soát dịch bệnh.
Các hạn chế này đã tác động đến hoạt động sản xuất và vận chuyển trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Đã có những lo ngại cho rằng biến thể omicron có khả năng lây lan mạnh có thể giáng một đòn khác vào ngành vận tải biển.
Bà Ell cho rằng, chính sách zero-covid của Trung Quốc thực sự làm gia tăng rủi ro đối với việc cải thiện nguyên liệu trong chuỗi cung ứng và sẽ có tác động đến lạm phát cũng như việc điều hành chính sách của các ngân hàng trung ương trong vài tháng tới.
Năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã đóng cửa một số nhà ga chính ở cảng Ningbo-Zhoushan - cảng nhộn nhịp thứ 3 thế giới - khi phát hiện một công nhân bị nhiễm covid khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị tê liệt.
Mới đây, Goldman Sachs cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 xuống 4,3% so với mức dự đoán 4,8% trước đó. Phân tích của ngân hàng đầu tư Mỹ này dựa trên những dự đoán Trung Quốc có thể sẽ gia tăng các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh để ngăn chặn biến thể omicron.
"Chính sách zero-covid đồng nghĩa sự phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là về tiêu dùng", bà nói và cho rằng điều này bao gồm các động thái chính sách tiền tệ như bơm thanh khoản liên tục và cắt giảm lãi suất.
"Một số đòn bẩy sẽ tiếp tục được sử dụng trong những tháng tới để làm dịu nhu cầu trong nước và để đảm bảo rằng những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt không lấn át mục tiêu của chính phủ nước này là tăng trưởng ổn định trong năm nay", bà nói.
(Theo Dân trí)