Quan chức Ấn Độ nói 5 hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga sẽ triển khai ở vùng trọng yếu để đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc.
|
Bệ phóng tên lửa S-400 được Nga triển khai ở Syria.
|
Quan chức Ấn Độ giấu tên hôm qua cho biết nước này đã tiếp nhận hai hệ thống phòng không tầm xa S-400 đầu tiên từ Nga, binh sĩ Ấn Độ đang lắp đặt thiết bị và đưa chúng tới trận địa. Tổ hợp đầu tiên có thể đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu vào tháng 4, những hệ thống còn lại sẽ hoạt động trước năm 2023.
Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi vẫn giữ kín thông tin về quá trình triển khai các hệ thống S-400, nhưng các quan chức am hiểu vấn đề tiết lộ cả 5 trung đoàn sẽ đặt tại những khu vực trọng yếu để sẵn sàng đối phó các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Nguồn tin giấu tên cho biết Ấn Độ đã gửi thông điệp đến Mỹ qua kênh ngoại giao và an ninh, nhấn mạnh hợp đồng tên lửa S-400 phục vụ lợi ích quốc gia trong bối cảnh New Delhi đối mặt áp lực quân sự của Bắc Kinh dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) dài gần 3.500 km giữa hai nước.
Quan chức không quân Ấn Độ hồi đầu tháng thông báo trung đoàn S-400 đầu tiên của nước này sẽ được triển khai đến căn cứ tại bang Punjab, tây bắc đất nước. Truyền thông Ấn Độ cho biết trận địa này cho phép hệ thống S-400 Ấn Độ bao phủ khu vực biên giới với Pakistan, cũng như một phần khu vực tiếp giáp vùng Tây Tạng của Trung Quốc.
Ấn Độ đặt mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 trị giá 5,5 tỷ USD của Nga hồi năm 2018. Mỹ nhiều lần khẳng định điều này có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong tương lai, đồng thời đe dọa sẽ trừng phạt nước này theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu hợp đồng được thực hiện.
Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ khẳng định hợp đồng mua S-400 đáp ứng đòi hỏi cấp bách về an ninh quốc gia, đảm bảo với Mỹ rằng các hệ thống này sẽ không gây nguy hiểm cho những vũ khí mà New Delhi đã hoặc sẽ mua của Washington.
Giới phân tích cho rằng S-400 có sức hấp dẫn với nhiều quốc gia, kể cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ, bởi nó được đánh giá là một trong những vũ khí hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có nhiều ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây.
(Theo VnExpress)
Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã trở về nước để đối mặt với cáo buộc phản quốc sau một thời gian ở Ba Lan.
Chính sách zero-covid của Trung Quốc đang là đòn mới giáng xuống chuỗi cung ứng toàn cầu vốn bị gián đoạn kéo dài thời gian qua.
Ít nhất 12 người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương sau trận động đất làm rung chuyển tỉnh Badghis, miền Tây Afghanistan ngày 17/1.
Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên (KCNA) vừa cho biết tên lửa mà nước này phóng đi hôm qua (17/1) là tên lửa dẫn đường chiến thuật.