Sau khi Mỹ, Anh và EU tuyên bố các lệnh trừng phạt ban đầu nhằm vào Nga, các chuyên gia đã lo ngại rằng những tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt sẽ sớm xuất hiện đối với một số quốc gia trong khu vực châu Âu, đặc biệt là các quốc gia đến từ Trung - Đông Âu, khu vực vẫn đang phải vật lộn với ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Nguy cơ khủng hoảng năng lượng
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga-Ukraine đang ở đỉnh điểm, việc tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga của Liên minh châu Âu (EU)... đang khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và các quốc gia Trung - Đông Âu đang đối mặt với những tác động trực tiếp trước hành động răn đe này.
Trước đó, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 22/2 thông báo 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi nước này chính thức công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hòa Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) tự xưng ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Hiện nay, Nga - nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai trên toàn cầu - là nơi đáp ứng khoảng 25% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu. Với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay của EU, giới phân tích cho biết khu vực Trung - Đông Âu có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng từ quyết định trừng phạt này.
Theo phân tích của Viện Vienna về Đông Âu, các quốc gia như Bulgaria, Estonia, Hy Lạp, Litva, Latvia, Ba Lan, Séc và Slovakia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự căng thẳng giữa Nga và châu Âu, điều này cũng càng có cở sở hơn khi Đức tuyên bố dừng Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Trong lĩnh vực năng lượng, Áo - một trong những quốc gia Trung Âu - có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi lệnh trừng phạt nhắm vào Nga khi đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt thường xuyên từ Nga. Bà Elena Skvortsova, thành viên trong ban lãnh đạo của cơ quan năng lượng OMV của Áo cho biết, lượng dự trữ vào tháng trước của Áo chỉ còn khoảng 20%, nghĩa là chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà tin rằng bất chấp các cuộc khủng hoảng chính trị, Nga vẫn sẽ cung cấp lượng khí đốt như đã thỏa thuận.
Các chuyên gia kinh tế Séc cũng cho biết nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi các lĩnh vực có thế mạnh của Séc đều có liên quan chặt chẽ với sự ổn định của giá cả và nguồn cung năng lượng. Khi giá năng lượng cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất hóa chất, thủy tinh, kim loại, vật liệu xây dựng, đồng thời cũng khiến việc sản xuất ô tô và đồ điện tử sẽ còn đình trệ hơn nữa.
Trước đó, bày tỏ lạc quan trong tình hình hiện nay, Phó Thủ tướng Ba Lan kiêm Bộ trưởng Tài sản nhà nước Jacek Sasin hôm 20/2 ra tuyên bố, Ba Lan đã sẵn sàng và sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Tới nay, các kho dự trữ khí đốt của Ba Lan đã được lấp đầy 80-90% và nước này hoàn toàn có thể không phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga trong vòng 1 năm tới.
Lạm phát tiếp tục tăng nhanh
Hiện tại, các nền kinh tế đang phát triển ở Trung Âu và Đông Âu đang chật vật ứng phó với đại dịch Covid-19 với tỉ lệ lạm phát hàng năm cao nhất Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, Ba Lan, quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Âu, lạm phát cũng chạm ngưỡng 6,4% vào quý 4 năm 2021. Các quốc gia khác như Litva, Estonia, Hungary, Romania cũng trong tình trạng lạm phát tăng mạnh từ 6-8,3%.
Theo nhận định giới chuyên gia, Trung - Đông Âu sẽ đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng nhanh chưa từng thấy trong lịch sử khu vực này. Nhà kinh tế Gunter Deuber cho biết, khi căng thẳng leo thang, các lệnh trừng phạt hiện nay với Nga sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát, đình trệ trong nền kinh tế châu Âu tiếp tục gia tăng.
Trong mọi trường hợp, sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều dễ nhận thấy là nguy cơ giảm nguồn cung năng lượng từ Nga tới các quốc gia, tác động trực tiếp đến giá cả, thị trường và chuỗi sản xuất. Các nhà kinh tế cảnh báo tại các quốc gia còn đang chật vật chống chọi lại cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 như Hungary và Romania, đồng tiền sẽ tiếp tục mất giá và lãi suất trái phiếu chính phủ tăng lên.
Bulgaria được xem là trường hợp bị ảnh hưởng nặng nhất từ các lệnh trừng phạt, không chỉ trong vấn đề năng lượng mà còn trong hợp tác phát triển kinh tế. Bởi trong cán cân thương mại giữa Nga-Bulgaria, Bulgaria đang là nước có thâm hụt cán cân thương mại là 1.700 tỷ USD. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu của Bulgaria sang thị trường Nga chỉ chiếm 4% trong khi nhập khẩu từ Nga lên tới 96%.
Nhìn lại bài học trong đại dịch Covid-19, thế giới đã chứng kiến mỗi sự kiện dù nhỏ thể tạo ra một "hiệu ứng cánh bướm" với tác động rộng không tưởng lên nhiều quốc gia và hậu quả khó có thể đo đếm được.
Đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu thì tình hình khu vực nói chung càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh thế giới vẫn đang chật vật phục hồi trong đại dịch. Khi tất cả các nền kinh tế đang gắng gượng với những vết thương do đại dịch thì những bất ổn địa chính trị hiện nay rõ ràng sẽ càng tạo sức ép nặng nề lên nền kinh tế của mỗi quốc gia.
(Theo VOV)