Nghị quyết nhận được sự ủng hộ của 11/15 nước Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 3 nước bỏ phiếu trắng là Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, trong khi Nga tiếp tục phản đối nghị quyết này.
Theo quy định được thông qua vào năm 1950, Đại hội đồng có quyền triệu tập các cuộc họp khẩn cấp khi Hội đồng Bảo an không thể hành động vì thiếu sự nhất trí giữa 5 Ủy viên thường trực. Nghị quyết triệu tập một phiên họp đặc biệt như vậy của Đại hội đồng cần sự đồng ý của ít nhất 9/15 Ủy viên Hội đồng Bảo an, và các Ủy viên thường trực không được dùng quyền phủ quyết.
Kể từ năm 1950 đến nay, chỉ có tổng cộng 10 lần Đại hội đồng Liên Hợp Quốc triệu tập các cuộc họp tương tự.
Ngày 27/2, Ngoại trưởng 10 nước ASEAN đã ra tuyên bố chung về tình hình Ukraine, kêu gọi các bên tiến hành đối thoại, giải quyết bất đồng. Các Ngoại trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước leo thang căng thẳng tại Ukraine, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, nỗ lực hết sức để theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh nhằm kiềm chế tình hình, phù hợp với luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Các Ngoại trưởng cũng thể hiện tin tưởng vẫn còn nhiều khả năng cho một cuộc đối thoại hòa bình để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trước những diễn biến căng thẳng leo thang tại Ukraine, tín hiệu tích cực mới nhất là vào ngày 27/2, cả hai bên đã đồng ý đàm phán tại tỉnh Gomel của Belarus. Dẫn đầu đoàn đàm phán của Nga là ông Vladimir Medinsky, Trợ lý của Tổng thống Putin, còn người đứng đầu đoàn đàm phán Ukraine là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mykola Tochytskyi. Cuộc đàm phán dự kiến sẽ diễn ra trong hôm nay (ngày 28/2).
Hôm nay đã bước sang ngày thứ 5 Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Theo các nguồn tin báo chí, những đơn vị quân đội của Nga đang tiến sát thủ đô Kiev. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hơn 360.000 người dân Ukraine đã phải đi sơ tán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã thảo luận về việc củng cố năng lực phòng thủ của Ukraine trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Trước tình hình chiến sự leo thang, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 27/2 đã tiến hành cuộc họp khẩn trực tuyến và đã nhất trí cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Theo ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, EU sẽ hỗ trợ vũ khí sát thương và vũ khí hỗ trợ sát thương cho quân đội Ukraine với gói viện trợ trị giá 450 triệu Euro. Ngoài ra, EU cũng cung cấp 50 triệu Euro cho gói viện trợ phi sát thương, nhiên liệu, thiết bị bảo hộ. Số hàng viện trợ sẽ do Quỹ Liên chính phủ hòa bình châu Âu chi trả.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử EU áp dụng biện pháp này. EU cũng có kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
(Theo VTV)