Mỹ và các nước đồng minh giải phóng 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ
- Cập nhật: Thứ tư, 2/3/2022 | 7:40:25 AM
Mỹ và các nước đồng minh ngày 1/3 nhất trí sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của mình.
Mỹ và các nước đồng minh giải phóng 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ
|
Giá dầu sẽ liên tiếp lập những đỉnh cao mới
Căng thẳng Nga - Ukraine tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng có quy mô toàn cầu và dự đoán sẽ đẩy giá dầu lên những đỉnh mới trong tương lai.
Với việc Nga đóng vai trò là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu châu Âu, việc nước này bị trừng phạt và bị tẩy chay ở quy mô toàn cầu đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới, đe doạ một chuỗi ngày liên tục giá dầu luôn lập đỉnh mới.
Hiện nay, trong khi Mỹ cùng các đồng minh đồng loạt đưa ra lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moskva, các chính phủ vẫn tránh nhằm trực tiếp vào lĩnh vực dầu và khí đốt để đề phòng nguy cơ làm đứt đà tăng trưởng của những nền kinh tế đang phục hồi hai năm đại dịch.
Châu Âu có thể đối mặt với "cuộc chiến kinh tế”
Khủng hoảng Ukraine đã đưa tới một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trầm trọng nhất trong thế kỷ 21.
Các loại nhiên liệu hóa thạch cung cấp năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu - từ dầu thô đến dầu diesel và khí tự nhiên - đều đang hoặc trên đà tăng tới mức giá kỷ lục. Tình trạng này có khả năng sẽ thiết lập lại các mối quan hệ địa chính trị giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy lạm phát, thậm chí là làm gián đoạn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hôm 24/2, tin tức Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine đã đẩy giá dầu thô Brent (tiêu chuẩn giá dầu quốc tế) gần chạm ngưỡng 106 USD/thùng - mức giá cao nhất kể từ năm 2014.
Tuần này, giá khí tự nhiên của châu Âu cũng tăng đột biến do mối lo ngại rằng Moskva có thể trả đũa phương Tây bằng cách hạn chế xuất khẩu nguồn khí đốt cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu của khu vực.
Trước những diễn biến đó, ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh) dự báo thế giới sắp tiến vào một "cuộc chiến kinh tế”.
"Hậu quả cuối cùng của việc này có thể gây ra một cú sốc tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu”, ông Yergin nói.
Thị trường năng lượng gắn liền với địa chính trị
Morgan Bazilian, nhà đàm phán về khí hậu của Liên minh Châu Âu (EU), bình luận về mối liên hệ giữa thị trường năng lượng và các vấn đề địa chính trị: "Ngay cả nếu giá nhiên liệu chỉ tăng ở mức khiêm tốn, việc này cũng gây ra tác động chính trị đáng kể”.
Các chuyên gia kinh tế cũng xem xét kịch bản xảy ra vào năm 2008: Moskva chuẩn bị đưa quân vào Gruzia, đẩy giá dầu Brent lên mức cao nhất mọi thời đại vào thời điểm đó là 147USD/thùng. Từ đó, họ kết luận rằng thị trường này có liên hệ mật thiết với các biến động địa chính trị - điển hình là cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ông Ben Luckock, giám đốc công ty giao dịch dầu lửa Trafigura Group, cho biết với đà tăng giá dầu hiện nay, ngành công nghiệp này sẽ không thể ngăn chặn được tình trạng lạm phát. Ông dự đoán giá dầu vào mùa hè là 150 USD/thùng.
Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng ở phương Tây, Washington đã nỗ lực tăng sản lượng dầu và khí đốt nhưng vẫn chưa thể hồi phục được phong độ trước đại dịch COVID-19. Vì vậy, Mỹ chưa thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng toàn cầu thay phần Nga.
Do đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng không nhằm trực tiếp vào hoạt động thương mại về năng lượng của Nga trong gói biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhất để ổn định thị trường toàn cầu. Nhờ động thái nhượng bộ này, giá dầu đã xuống dưới mức 100 USD/thùng vào ngày 25/2.
Dù vậy, giới thương nhân vẫn lo ngại rằng việc phương Tây trừng phạt các ngân hàng Nga có tham gia giao dịch thương mại dầu mỏ sẽ tạo ra thêm rủi ro cho thị trường năng lượng.
Nếu không có Nga, nguồn cung khí đốt của châu Âu quá eo hẹp
Tương tự với dầu, châu Âu cũng phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga và mọi sự gián đoạn nguồn cung từ quốc gia này đều không thể dễ dàng bù đắp.
Kể từ khi giá năng lượng tăng vọt vào năm 2021, Úc, Mỹ, Qatar và nhiều nơi khác đã tăng cường cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu. Tuy nhiên, các nguồn này đang dần cạn kiệt.
Để bổ sung nguồn cung, dự án cung cấp khí thiên nhiên Calcasieu Pass của công ty Mỹ Venture Global LNG sẽ đi vào hoạt động những ngày tới. Phần lớn khí đốt từ nguồn này sẽ được chuyển đến châu Âu, bao gồm cả Ba Lan. Tuy nhiên, Calcasieu Pass chưa phải là giải pháp cho việc nhu cầu từ các thị trường đều đang tăng chóng mặt, đặc biệt là ở châu Á.
Châu Âu cũng tụt hậu so với Châu Á trong việc xây dựng thêm cơ sở mới để tiếp nhận các lô hàng khí đốt - việc này hạn chế các nhà nhập khẩu tiếp nhận thêm khí thiên nhiên trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt giảm.
Một nhà sản xuất khí đốt lớn khác của phương Tây là Qatar cũng đang mở rộng hoạt động xuất khẩu, nhưng các siêu dự án của quốc gia này phải chờ đến khoảng năm 2026 mới có thể đi vào hoạt động.
Từ các yếu tố trên, chuyên gia Tom Marzec-Manser thuộc Công ty Tư vấn ICIS nhận xét chuỗi cung ứng khí đốt của châu Âu "rất ít linh hoạt”.
Sẽ rất tốn kém để tìm nguồn khí đốt thay thế
Châu Âu không thể thay thế tất cả nguồn khí đốt từ Nga cùng một lúc. Theo Georg Zachmann - thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel - cho biết để thực hiện mục tiêu này, các nước phương Tây có thể phải tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu với chi phí rất lớn.
Với biện pháp này, ông Zachmann ước tính châu Âu có thể thay thế một nửa lượng khí đốt của Nga, chỉ còn khoảng 15% nhu cầu không được đáp ứng.
Ngoài ra, các nước phương Tây có thể bổ sung một số biện pháp như phân bổ lại nguồn cung cấp khí đốt, làm chậm quá trình sản xuất hoặc đóng cửa các cơ sở sử dụng khí đốt công nghiệp, ưu tiên hệ thống sưởi và phát điện.
Để bù đắp vấn đề giá cả tăng cao, các chính phủ có khả năng sẽ cung cấp trợ cấp năng lượng cho người nghèo. Tuy nhiên, cách này có nhược điểm là gây áp lực lên ngân sách nhà nước.
Nhà phân tích Trevor Sikorski của công ty tư vấn Energy Aspects cho rằng nếu không có khí đốt của Nga, Đức và những nước khác có thể buộc phải khởi động lại các nhà máy điện than và dầu đá phiến.
Trong thực tế, Ý và Áo đang họp với lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh để tăng cường khả năng cung cấp năng lượng cho khu vực.
Chính phủ Bulgaria - quốc gia thành viên EU nghèo nhất, phải nhận khoảng 3/4 lượng khí đốt từ Nga - đang nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận về năng lượng với Hy Lạp. Trong khi đó, Hà Lan triển khai một loạt kế hoạch đối phó với việc thiếu nguồn cung, bao gồm đóng cửa các cơ sở công nghiệp lớn sử dụng khí đốt và lấy thêm khí đốt từ mỏ groningen - đây là phương án cuối cùng vì việc này có thể gây ra động đất.
Về dài hạn, các nước châu Âu đang lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung.
Đức - quốc gia nhận hơn 50% lượng khí tự nhiên từ Nga - không có trạm nạp khí đốt riêng. Vì vậy, chính quyền Berlin sẽ hỗ trợ xây dựng 2 trạm nạp mới, dù dự án này sẽ mất nhiều thời gian, theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.
EU cũng đang soạn thảo bộ quy tắc mới để buộc các nhà khai thác khí đốt phải duy trì một lượng dự trữ nhất định.
Một lựa chọn khác cho châu Âu là nhận thêm khí đốt từ các nhà sản xuất Bắc Phi, ví dụ như Algeria. Ngoài ra, các nước có thể khai thác dầu đá phiến - dù phương pháp này đã bị lên án do những lo ngại về môi trường. |
Các tin khác
Hãng thông tấn TASS đưa tin vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine về cuộc xung đột ở Đông Ukraine diễn ra trong ngày 2/3, dự kiến tại một địa điểm trên biên giới giữa Belarus và Ba Lan.
Thị trưởng thành phố Kherson ở miền Nam của Ukraine công bố thông tin quân đội Nga đã tiến vào thành phố này, đồng thời kêu gọi người dân không rời nhà trong thời gian thực hiện lệnh giới nghiêm.
Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, cho biết quân đội nước này đã phá hủy 1.146 cơ sở hạ tầng quân sự ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi người dân rời khỏi thủ đô Kiev của Ukraine. Theo đó, Nga đã mở hành lang sơ tán an toàn.