Nhật Bản và Mỹ hợp tác sản xuất chất bán dẫn công nghệ tiên tiến

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/5/2022 | 9:06:48 AM

Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong việc hình thành chuỗi cung ứng các loại chip công nghệ tiên tiến trong bối cảnh đối đầu thương mại và công nghệ ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo Nikkei Asia, chính phủ hai nước đã gần như đồng thuận về thỏa thuận hợp tác sản xuất loại chip 2 nm và các chất bán dẫn tinh xảo hơn. Cả hai bên cũng đang bàn thảo khuôn khổ để ngăn chặn công nghệ bị rò rỉ cho các công ty Trung Quốc.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda sẽ thăm Mỹ từ ngày 3-5 và sẽ hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo. Dự kiến hai bộ trưởng sẽ công bố kế hoạch hợp tác sản xuất chip trong vài ngày tới.

Cú bắt tay để giải quyết lỗ hổng của chuỗi cung ứng

Washington lẫn Tokyo đang lo lắng về sự phụ thuộc vào công nghệ của Đài Loan và các nhà cung cấp khác. Cả hai đang nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung.

Hãng chip TSMC hàng đầu của Đài Loan hiện dẫn đầu trong công nghệ chip 2nm, trong khi hãng IBM của Mỹ chỉ mới hoàn thành nguyên mẫu loại chip này trong năm ngoái.

Chính phủ Nhật Bản đã thành công trong việc thu hút TSMC hợp tác với hãng linh kiện xe hơi Denso (thuộc Toyota) và tập đoàn Sony của Nhật Bản đầu tư 1.000 tỉ yen (8,6 tỉ đô la) cho nhà máy ở đảo Kyushu để tăng sản lượng chip trong nước. Tuy vậy, nhà máy chỉ có thể sản xuất các loại chip 10-20 nm do thiết bị và công nghệ không phức tạp. Sự hợp tác với Mỹ ở phân khúc chip công nghệ cao hơn được xem là "bước kế tiếp” sau khi đã mời thành công TSMC.

Các hãng đồ điện và điện tử như Tokyo Electron và Canon đang phát triển công nghệ sản xuất cho các dòng chip công nghệ cao tại Viện Khoa học và Công nghệ công nghiệp tiên tiến quốc gia, trong đó IBM cũng là một đối tác của dự án. Nhật Bản và Mỹ hy vọng bắt kịp các công ty Đài Loan và Hàn Quốc trong việc sản xuất chip 2 nm. Mục tiêu cuối cùng của cả hai là dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn, trong cả lĩnh vực sản xuất chip công nghệ cao.

Intel đang tụt hậu so với TSMC và các hãng khác trong việc thu nhỏ chiều rộng đường mạch, yếu tố quyết định hiệu suất của chất bán dẫn. Nhật Bản có ít nhà sản xuất chip hơn nhưng lại có thế mạnh về chế tạo thiết bị sản xuất chất bán dẫn và vật liệu dùng trong sản xuất chip.

Ngoài công nghệ 2 nm, "chiplet” – bộ phận vi xử lý được tạo ra bằng cách kết nối các con chip trên một chất nền duy nhất – cũng có thể là một lĩnh vực hợp tác, đặc biệt khi Intel có công nghệ sản xuất riêng.

Cú bắt tay giữa Tokyo và Washington nhằm giải quyết các lỗ hổng của chuỗi cung ứng trong tương lai, tránh lặp lại "vết xe đổ” trong quá khứ. Nhật Bản từng chiếm 50% thị trường chất bán dẫn toàn cầu trị giá 5.000 tỉ yen (38 tỉ đô la) trong năm 1990. Nhưng thị phần đó giờ chỉ còn khoảng 10%, mặc dù quy mô ngành công nghiệp này đã tăng gấp 10 lần, đạt giá trị 50.000 tỉ yen.

Vai trò không thể thiếu của ASEAN

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đứt gãy chuỗi cung ứng ở các cứ điểm sản xuất ở châu Á trong hai năm qua đã khiến nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản trả giá đắt. Hồi tháng 9-2021, Mỹ đã gửi cho chính phủ Nhật Bản một kế hoạch bí mật có tên Khuôn khổ kinh tế Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương (IPEF) kêu gọi các nước Đông Nam Á cùng Washington và Tokyo xây dựng chuỗi cung ứng mới. Kế hoạch này nhằm bảo đảm nguồn chip và các loại hàng hóa chiến lược khác không bị lệ thuộc vào các công xưởng Trung Quốc.

ASEAN và Mỹ sẽ tiến hành cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt để chào mừng 45 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Mỹ trong hai ngày 12 và 13-5 sắp tới tại Washington D.C. – theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Campuchia, nước hiện giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt lần thứ hai kể từ năm 2016 và là cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo hai bên kể từ năm 2017. Chip và năng lượng sạch là hai chủ đề thảo luận chính của hội nghị thượng đỉnh này.

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến Việt Nam, hôm 1-5 Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản ký biên bản hợp tác ngăn ngừa đứt gãy chuỗi cung ứng. Mỹ cũng hy vọng sẽ ký một bản ghi nhớ hợp tác với Malaysia về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng khi Bộ trưởng Công Thương Malaysia Mohamed Azmin Alithăm Washington trong tháng 5 này. Trong tháng 6 tới, một thứ trưởng Bộ thương mại Mỹ sẽ dẫn đầu một phái đoàn năng lượng sạch thăm và làm việc tại Việt Nam và Indonesia. Philippines hiện đang nằm trong kế hoạch dự trù của chuyến đi này.

Hiện đang là Chủ tịch khối G20, Indonesia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối tại Bali trong hai ngày 30 và 31-10 sắp tới. Indonesia tuyên bố có kế hoạch mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự. Trong khi đó, Điện Kremlin nói Tổng thống Nga Vladimir Putin "đã lên kế hoạch tham gia” cuộc họp tại Bali.

(Theo KTSG)

Các tin khác
Khách du lịch tham quan Công viên lịch sử Ayutthaya ở Ayutthaya, Thái Lan

Khi đến Thái Lan, tất cả những gì du khách cần làm là cung cấp xác nhận tiêm chủng ngừa COVID-19 và xác nhận bảo hiểm khi đăng ký trực tuyến trên hệ thống đăng ký nhập cảnh Thailand Pass.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom tại trạm nén Atamanskaya, ngoại ô thị trấn Svobodny, Amur, Nga.

Các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này có kế hoạch áp đặt lệnh cấm đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay, sau những cuộc thảo luận giữa Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU vào cuối tuần này.

Trẻ em ở Indonesia - Ảnh: REUTERS

Bộ Y tế Indonesia cho biết 3 bệnh nhi đã nhập viện và qua đời ở thủ đô Jakata, nâng tổng số ca tử vong toàn cầu liên quan đến viêm gan cấp tính do virus bí ẩn lên 4 ca.

Binh lính Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ trong cuộc tập trận ở khu vực Donetsk miền Đông nước này ngày 12/1/2022.

Những đe dọa và tuyên bố giữa Nga và phương Tây ngày càng trở nên cứng rắn trong tuần qua, làm dấy lên mối lo ngại về cuộc xung đột trực tiếp giữa hai bên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục