SCMP đưa tin, cuộc tập trận của Trung Quốc sẽ kéo dài từ trưa ngày 4/8 tới chiều 7/8. Đây được mô tả là cuộc tập trận "chưa từng có tiền lệ" và dự kiến sẽ làm ảnh hưởng tới lộ trình của nhiều chuyến bay và tàu gần Đài Loan.
Các hãng hàng không hoạt động ở châu Á đã được cảnh báo tránh bay gần Đài Loan trong thời gian Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận xung quanh hòn đảo. Ngoài ra, tàu, thuyền cũng được khuyến cáo tránh xa "các khu vực nguy hiểm".
Trước đó, Trung Quốc từng thực hiện nhiều cuộc tập trận gần Đài Loan, nhưng chưa bao giờ diễn tập ở 6 khu vực xung quanh hòn đảo như lần này.
Các ô sọc tượng trưng cho 6 khu vực mà quân đội Trung Quốc tập trận từ ngày 4-7/8
Động thái của Trung Quốc nhằm đáp trả việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới thăm Đài Loan từ ngày 2-3/8.
Bắc Kinh coi Đài Loan là lãnh thổ cần phải được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực nên họ xem chuyến thăm của bà Pelosi là "vi phạm chủ quyền Trung Quốc" và "gây mất ổn định khu vực eo biển Đài Loan".
Trong khi đó, bà Pelosi cho biết chuyến thăm của bà thể hiện "sự đoàn kết của Mỹ đối với Đài Loan" và nhấn mạnh Washington sẽ không từ bỏ cam kết với hòn đảo. Mỹ khẳng định chuyến thăm của bà Pelosi không ảnh hưởng tới nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ Nicholas Burns để phản đối chuyến thăm của bà Pelosi. Trong khi đó, Ma Xiaoguang, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, chỉ trích nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Đảng Dân tiến cầm quyền của bà đang đẩy hòn đảo tiến tới kịch bản "thảm họa".
Giới phân tích quân sự dự đoán, Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp đáp trả trong những ngày tới, bao gồm kịch bản Bắc Kinh sẽ tiến hành các động thái trong phạm vi 12 hải lý từ bờ biển Đài Loan.
Ngoài biện pháp quân sự, Trung Quốc cũng đã đáp trả thông qua biện pháp thương mại. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đình chỉ xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan, trong khi Tổng cục Hải quan cấm nhập khẩu trái cây có múi, sò điệp trắng ướp lạnh và cá thu đông lạnh từ hòn đảo.
Giới quan sát cảnh báo, chuyến thăm của bà Pelosi sẽ khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong thời gian tới và có thể sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho bất cứ sự hợp tác nào có thể xảy ra giữa Bắc Kinh và Washington đối với các vấn đề thế giới, ví dụ như cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.
Trong khi đó, các ngoại trưởng từ 7 nền kinh tế công nghiệp lớn hàng đầu thế giới (G7) đã chỉ trích Trung Quốc về phản ứng của Bắc Kinh sau chuyến thăm của bà Pelosi.
Trong thông báo chung phát đi hôm 3/8, G7 lo ngại về các động thái gần đây của Trung Quốc, bao gồm tập trận bắn đạn thật và các biện pháp đáp trả kinh tế, cảnh báo điều này có thể gây ra "leo thang không cần thiết".
G7 kêu gọi Trung Quốc không "đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trong khu vực và giải quyết các khác biệt xuyên eo biển Đài Loan bằng các biện pháp hòa bình".
* Trung Quốc điều 27 máy bay quân sự áp sát Đài Loan
Đài Loan cho biết 27 máy bay quân sự Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm tới khu vực này.
Các máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc
"27 máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến vào khu vực xung quanh Đài Loan hôm 3/8", cơ quan phòng vệ Đài Loan đăng trên Twitter.
Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, 22 trong số 27 máy bay quân sự Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến, ranh giới ngầm phân định eo biển Đài Loan.
Đài Loan cho biết, 27 máy bay Trung Quốc trên gồm 16 máy bay chiến đấu Su-30 và 11 máy bay khác. Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã điều máy bay và triển khai các hệ thống tên lửa để theo dõi hoạt động của máy bay Trung Quốc khi tiến vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo.
Các đợt xuất kích của máy bay quân sự Trung Quốc diễn ra cùng ngày Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm tới Đài Loan. Bà Pelosi dẫn đầu phái đoàn Quốc hội Mỹ tới Đài Loan từ tối 2/8, trước khi có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và các quan chức khác của hòn đảo hôm 3/8.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sáng 3/8
Chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan diễn ra trong vòng chưa đầy 24 tiếng, nhưng trở thành hoạt động gây chú ý. Trung Quốc đã phản đối kịch liệt chuyến thăm này, đồng thời công bố kế hoạch tập trận bắn đạn thật ở các vùng biển xung quanh Đài Loan.
Giới chức Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách "xâm phạm" vùng trời và vùng biển của hòn đảo, sau khi Trung Quốc tuyên bố một loạt "hoạt động quân sự có mục tiêu" để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Chính quyền Đài Loan chỉ trích Bắc Kinh tiến hành "chiến tranh tâm lý đối với Đài Loan và người dân" trên hòn đảo. Đài Loan tuyên bố "kiên quyết bảo vệ an ninh" hòn đảo và nâng mức độ sẵn sàng chiến đấu lên mức cao nhất, nhưng vẫn duy trì nguyên tắc không gây bùng phát chiến tranh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc chuyến thăm là hành động khiêu khích chính trị và xâm phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc. Ông Vương Nghị chỉ trích Washington "phá hoại" hòa bình trên eo biển Đài Loan và ổn định khu vực. Ông khẳng định "Đài Loan là một phần của Trung Quốc" và yêu cầu Mỹ ngừng cản trở "sự thống nhất của Trung Quốc".
Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Đài Loan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói rằng Trung Quốc sẽ không thể "cản đường" những người đến thăm Đài Loan. Bà Pelosi khẳng định Mỹ sẽ không từ bỏ cam kết đối với Đài Loan.
Bà Pelosi cho biết chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội Mỹ tới Đài Loan nhằm "thể hiện tình hữu nghị và sự ủng hộ" của Washington với hòn đảo, nhưng cũng là cơ hội hợp tác. Bà cũng nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ với Đài Loan và gửi một "thông điệp rõ ràng rằng Mỹ luôn sát cánh với Đài Loan".
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cảm ơn bà Pelosi vì đã "cho thấy chính sách nhất quán của Mỹ trong việc hỗ trợ khả năng phòng vệ của Đài Loan", đồng thời gọi Chủ tịch Hạ viện Mỹ là một trong những "người bạn tận tâm nhất" của hòn đảo.
(Theo Dân trí)