Phương Tây sẵn sàng khiến Thổ Nhĩ Kỳ trả giá đắt?
6 quan chức phương Tây đã nhận định với Financial Times rằng họ cảm thấy lo ngại trước cam kết của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/8 về việc mở rộng hợp tác thương mại và năng lượng sau cuộc gặp kéo dài 4 tiếng ở Sochi.
Một quan chức EU cho biết, liên minh này đang theo dõi "ngày càng chặt chặt chẽ hơn” sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga và bày tỏ lo ngại về quan hệ tương mại "gia tăng" giữa Ankara và Moscow. Một quan chức khác thì gọi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ "rất mang tính cơ hội", khẳng định: "Chúng tôi sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chú ý đến những mối lo ngại của chúng tôi".
Mỹ đã cảnh báo nhiều lần rằng nước này sẽ đánh vào những quốc gia giúp Nga thoát khỏi lệnh trừng phạt bằng "các lệnh trừng phạt thứ cấp" nhưng EU vẫn chưa lên tiếng công khai về việc này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã gặp các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và các ngân hàng ở Istanbul để cảnh báo họ không được trở thành nơi trung chuyển cho các nguồn tiền bất hợp pháp từ Nga.
Một quan chức cấp cao phương Tây đề xuất các quốc gia hãy kêu gọi các công ty và ngân hàng của mình rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông Erdogan thực hiện theo những cam kết mà ông đưa ra với Tổng thống Putin hôm 5/8. Đây được đánh giá là một lời đe dọa bất thường bởi điều đó có thể làm tê liệt nền kinh tế 800 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO, nếu các công ty nước ngoài đồng ý thực hiện.
Quan chức này cũng cho biết, những quốc gia áp lệnh trừng phạt lên Nga có thể chống lại Ankara bằng cách "kêu gọi các công ty phương Tây rút khỏi hoặc thu hẹp quy mô hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trước những mối đe dọa được tạo ra do Ankara mở rộng quan hệ với Moscow".
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị một số quan chức phương Tây khác bác bỏ khi đặt câu hỏi về những điều khoản thực tế và hợp pháp của kế hoạch trên, cũng như việc liệu đây có phải một ý tưởng tốt hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ có sự hội nhập sâu sắc với hệ thống tài chính phương Tây và các chi nhánh từ Coca-Cola, Ford to Bosch và BP từ lâu đã thực hiện nhiều chiến dịch thu về lợi nhuận cao ở nước này.
"Những hành động tiêu cực như trên sẽ đối mặt với sự đấu tranh gay gắt bởi những lợi ích kinh tế đáng kể", quan chức EU bình luận. Dù vậy, quan chức này cho biết ông "không loại trừ bất kỳ hành động tiêu cực nào nếu Thổ Nhĩ Kỳ quá thân thiết với Nga".
Trong khi thừa nhận quyết định chính thức của EU nếu áp lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất khó khăn với sự chia rẽ về lập trường trong khối thì quan chức trên cũng cho rằng một số nước thành viên có thể hành động riêng.
"Chẳng hạn, họ có thể yêu cầu các biện pháp hạn chế về tài chính thương mại hoặc yêu cầu các công ty tài chính lớn giảm quy mô trong các công ty Thổ Nhĩ Kỳ".
3 quan chức EU cho biết hiện chưa có cuộc thảo luận chính thức nào ở Brussels về những hậu quả mà Thổ Nhĩ Kỹ phải đối mặt. Một số quan chức khác thận trọng cho rằng, nội dung đầy đủ và những tác động từ cuộc gặp giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin hiện vẫn chưa rõ ràng.
Những cảnh báo trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có một cuộc trao đổi kín kéo dài nhiều giờ đồng hồ với tuyên bố chung là sẽ tăng cường kim ngạch thương mại và hợp tác sâu sắc về kinh tế cũng như năng lượng.
Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ nhiều quân bài quan trọng trong tay
Theo Interfax, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã nói với báo giới rằng, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp. Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan cũng thảo luận sâu hơn về việc phát triển mối quan hệ giữa các ngân hàng 2 nước, cũng như những hợp đồng thanh toán bằng đồng rúp và đồng lira.
Phát biểu trên máy bay từ Nga trở về nước, ông Erdogan nhận định, có những "tiến triển rất quan trọng" về việc sử dụng hệ thống thẻ thanh toán MIR của Nga, theo đó, cho phép người Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ thanh toán bằng thẻ này khi thẻ visa hoặc thẻ Mastercard dừng hoạt động.
Ông Erdogan cũng cho biết thẻ MIR giúp các du khách Nga thanh toán được cả cho các khách sạn và khi đi mua sắm. Các quan chức phương Tây lo ngại chúng có thể được sử dụng để Nga thoát khỏi các biện pháp trừng phạt.
Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Phương Tây trải qua nhiều căng thẳng. Mỹ đã trừng phạt Ankara năm 2020 vì mua hệ thống phòng không S-400 từ Moscow, mặc dù các biện pháp này nhắm vào ngành quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ hơn là toàn bộ nền kinh tế.
Tổng thống Erdogan, người từng nhiều lần đe dọa phủ quyết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, bị nhiều nước phương Tây coi là một đồng minh không đáng tin cậy. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của châu Âu trong nỗ lực chống khủng bố và giải quyết vấn đề người tị nạn. Có khoảng 3,7 triệu người Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong thỏa thuận giữa nước này và EU năm 2016 nhằm hỗ trợ châu Âu đối phó với dòng người di cư.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng nhấn mạnh vị trí quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này kiểm soát việc tiếp cận các eo biển nối Biển Đen với Biển Địa Trung Hải. Ông Erdogan cũng đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo thỏa thuận ngũ cốc mà Nga và Ukraine vừa ký kết vào tháng trước nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu./.
(Theo VOV)