Ngập trong 300.000 USD nợ mà căn hộ chưa biết khi nào mới hoàn thành, Wang (34 tuổi) - công nhân một hãng xe - cảm thấy đã chịu đựng quá đủ và ngừng trả nợ ngân hàng. Anh là một trong rất nhiều người mua nhà tại hàng chục thành phố nước này tẩy chay trả tiền vay mua nhà, vì lo ngại các chủ đầu tư nặng nợ, thiếu tiền mặt sẽ không thể hoàn thành việc xây dựng.
"Họ nói rằng việc xây dựng sẽ sớm khôi phục", Wang cho biết trên AFP, "Nhưng ở đây làm gì có công nhân nào".
Wang đã lên kế hoạch kết hôn ngay sau khi mua nhà. "Chúng tôi mua căn nhà này không dễ dàng gì. Đó là toàn bộ tiền tiết kiệm của tôi. Giờ chúng tôi không có nhà, và vẫn đang nợ 2 triệu nhân dân tệ (300.000 USD) vay thế chấp", anh nói.
Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh nhờ tín dụng rẻ, Trung Quốc bắt đầu siết cho vay từ năm 2020. Việc này khiến các hãng bất động sản lớn, như Evergrande, đột ngột mất lựa chọn tài chính. Họ phải chật vật trả nợ và tái cấu trúc các khoản vay khổng lồ. Hiện tại, các hãng địa ốc Trung Quốc đang hứng chịu làn sóng tẩy chay của người mua và sức ép của chính phủ về việc phải hoàn thành các căn nhà đã mở bán từ trước.
Tại Vũ Hán – thủ phủ Hồ Bắc, những người mua như Wang nói rằng họ nhận được hàng loạt thông báo hoãn bàn giao căn hộ từ hãng bất động sản Myhome Real Estate. Dự án lẽ ra phải hòa tất từ cuối năm 2021. Trong thông báo tuần này, Myhome Real Estate cho biết họ đang cố huy động một số nguồn vốn bị đóng băng và kỳ vọng xây xong vào cuối năm nay.
Wang thì cho biết đã ngừng trả nợ ngân hàng từ tháng này. Việc phàn nàn với giới chức thành phố cũng không có tác dụng. "Chúng tôi chẳng còn hy vọng nào nữa, không thể tiếp tục trả tiền như thế này được", anh nói.
"Cuộc khủng hoảng niềm tin" trên thị trường nhà đất Trung Quốc cho thấy các vấn đề về cấu trúc, Andrew Batson - nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics nhận định trong một báo cáo gần đây.
Các hãng bất động sản nước này quá phụ thuộc vào việc bán nhà trước khi xây xong. Mô hình này khiến người mua chịu rủi ro không được bàn giao nhà. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính và phải dừng xây, "những rủi ro này càng rõ ràng".
Khủng hoảng đang khiến người mua nhà tê liệt. "Tôi nghĩ rằng việc này sẽ không bao giờ xảy ra", Hu - một người mua nhà tại Vũ Hán nói về căn hộ chưa hoàn thiện của mình.
Hu (25 tuổi) cho biết gia đình anh đã đi vay để có tiền trả trước cho một căn hộ 3 phòng ngủ năm 2018. Khi đó, Vũ Hán khuyến khích các sinh viên mới tốt nghiệp như Hu làm hộ khẩu ở thành phố này. "Hồi đó ai cũng mua nhà. Mọi người còn cạnh tranh nhau nữa", anh nói.
Xue – một người mua nhà trẻ tuổi khác cũng nói rằng gần như toàn bộ lương tháng của anh được dành để trả tiền thuê nhà và vay mua nhà. "Tôi không muốn trả tiền nữa", anh nói, "Không phải chúng tôi không tuân thủ pháp luật, nhưng giờ chúng tôi chịu áp lực lớn quá".
Gia đình Xue đã trả trước 800.000 nhân dân tệ cho căn hộ. Anh cũng đi vay 600.000 nhân dân tệ, đã trả được 2 năm rồi.
Người mua nhà tại 100 thành phố, liên quan đến hơn 300 dự án bất động sản, đã tẩy chay việc trả nợ ngân hàng. Nhiều người ở tại Trịnh Châu (Hà Nam) - nơi giới chức đã lập quỹ hỗ trợ các hãng bất động sản hoàn thành dự án. Lĩnh vực bất động sản đóng góp một phần tư GDP Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc, vấn đề có thể nằm ở quản lý tài chính. Một số thành phố đã kêu gọi các ngân hàng siết quản lý tài khoản ủy thác dùng cho việc xây dựng. Các nhà phân tích tại Nomura ước tính các hãng bất động sản Trung Quốc mới chỉ bàn giao 60% số nhà bán trước trong giai đoạn 2013 – 2020. Trong thời gian đó, các khoản vay mua nhà tại nước này tăng 26.300 tỷ nhân dân tệ.
Tommy Wu – nhà kinh tế học tại Oxford Economics cho biết khả năng trả nợ của người mua nhà Trung Quốc không phải là vấn đề chính. Thay vào đó, việc họ mất niềm tin vào các hãng bất động sản sẽ khiến ngành này càng xuống dốc.
"Đây là một vòng xoáy nguy hiểm. Giá nhà và doanh số bán nhà giảm sẽ khiến các hãng bất động sản càng khó khăn tài chính, từ đó làm co hẹp nguồn thu của chính quyền địa phương và gây sức ép lên tăng trưởng", ông nói.
(Theo VnExpress)