"Các doanh nghiệp cưỡng bức lao động, buôn bán và giam người bất hợp pháp sẽ bị đóng cửa, thủ phạm sẽ bị đưa ra trước công lý theo quy định của pháp luật mà không có ngoại lệ", giới chức tỉnh Preah Sihanouk, tây nam Campuchia, ra tuyên bố sau cuộc họp ngày 25/8.
Cuộc họp do Tỉnh trưởng Kuoch Chamroeun chủ trì, thảo luận về dấu hiệu gia tăng các vụ buôn người, giam giữ và đối xử tồi tệ với lao động trên địa bàn gần đây.
Giới chức sẽ mở chiến dịch truy quét mới do một công tố viên dẫn đầu, nhằm điều tra, bắt và trừng phạt những kẻ phạm tội. "Chúng tôi rất quyết tâm xóa sổ loại tội phạm này", thiếu tướng Chuon Narin, cảnh sát trưởng tỉnh Preah Sihanouk, cho biết.
Tướng Narin cho hay lực lượng chức năng tỉnh Preah Sihanouk đã nắm được nhiều thông tin về các hoạt động tội phạm này và sẽ "hành động không ngừng" trong chiến dịch truy quét.
Tỉnh Preah Sihanouk, nơi có thành phố Sihanoukville, được mệnh danh là "thủ phủ casino" của Campuchia, phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ ngành công nghiệp cờ bạc và nguồn vốn đầu tư của các doanh nhân nước ngoài, 90% trong số đó là người Trung Quốc.
Nhiều khu phức hợp với tư cách là các tổ hợp công nghệ hay trung tâm kinh tế, thương mại mọc lên dày đặc. Nhưng trên thực tế, đây được coi là nơi vận hành hoạt động cờ bạc và các mạng lưới lừa đảo trực tuyến. Mặc dù quy mô của các khu phức hợp này khác nhau, tất cả chúng đều được bảo vệ nghiêm ngặt và vận hành khép kín.
Hàng rào dây thép khai xung quanh những tòa nhà tập trung các công ty lừa đảo ở Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia.
Những kẻ buôn người, có dính líu tới Hội Tam Hoàng, chủ yếu nhắm vào những nạn nhân trẻ ở châu Á thông qua mạng xã hội, hứa hẹn những công việc trả lương cao ở các quốc gia như Campuchia, theo Guardian. Khi Covid-19 bùng phát gây ra cuộc "khủng hoảng nhân lực", các băng nhóm lừa đảo bắt đầu đẩy mạnh "tuyển mộ nhân sự" ở Đông Nam Á.
Truyền thông Campuchia cho biết trong ba tháng qua, hàng trăm nạn nhân đã được giải cứu khỏi các khu phức hợp này, song hàng nghìn người khác vẫn mắc kẹt.
Giới chức Đài Loan cho biết hơn 5.000 công dân hòn đảo đang mắc kẹt ở Campuchia. Cảnh sát Đài Loan xác định Lý Chấn Hào, 34 tuổi, thủ lĩnh một nhóm lớn trong Trúc Liên Bang, băng Tam Hoàng nguy hiểm nhất Đài Loan, đã tổ chức đường dây quy mô hàng trăm triệu USD để lừa người lao động từ hòn đảo đến Campuchia trong ba tháng qua.
Cơ quan chức năng Việt Nam cũng nhận định hàng nghìn người có thể đã bị đưa sang Campuchia lao động theo dạng cưỡng bức, phải làm việc trong điều kiện cực kỳ nặng nhọc, bị giam giữ và không được nhận lương như hứa hẹn, trong khi việc giải cứu họ rất khó khăn.
(Theo VnExpress)