Theo trang tin Oilprice.com, sau 3 tháng kể từ từ thời điểm này, lệnh cấm vận toàn EU đối với nhập khẩu dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực, đóng cửa hầu hết các chuyến hàng từ Nga sang châu Âu. Nhưng hiện tại, châu Âu đang nhập khẩu hơn 1 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày và đã tăng cường nhập khẩu từ tháng trước.
Trong khi họ công khai chỉ trích Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine và đảm bảo với các cử tri của họ rằng các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả, các chính trị gia châu Âu (và các nước khác) không đề cập đến việc tiếp tục mua dầu của Nga.
Tuy nhiên, Nga đang xuất khẩu hơn 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày bằng đường biển, theo tính toán của Bloomberg, điều đó có nghĩa là châu Âu đang mua một phần 3 số này trong khi vẫn có thể. Điều này có nghĩa là không có gì thay đổi kể từ tháng 6 khi lệnh cấm vận được thông qua và châu Âu sẽ phải tìm nhà cung cấp dầu thay thế vào thời điểm giá có thể cao hơn.
Hiện tại, giá cả đang giảm xuống do các đợt phong tỏa mới ở Trung Quốc và kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất, nhưng một khi lệnh cấm vận có hiệu lực, rất có thể giá sẽ tăng trở lại vào thời điểm châu Âu cảm thấy "đau đớn nhất". Đó chính xác là lý do tại sao hiện tại EU đang tăng dự trữ dầu mà họ sắp cấm.
Không chỉ có dầu mà châu Âu đang tích trữ. Tất cả nhiên liệu hóa thạch đang có nhu cầu lớn hơn và cấp thiết hơn trên lục địa này so với những năm qua. Tờ Thời báo Tài chính (Anh) gọi đây là "hậu quả không thể tránh khỏi của nhiên liệu hóa thạch thời chiến” trong một báo cáo gần đây và EU liên tục nhắc lại rằng các kế hoạch giảm phát thải vẫn đang được thực hiện mặc dù ngày càng có vẻ như họ đã phải nhượng bộ trong lĩnh vực an ninh năng lượng.
Theo tính toán của Bloomberg, xuất khẩu dầu từ Nga sang Bắc Âu đã tăng đặc biệt rõ rệt trong tuần đầu tiên của tháng này, vốn được khẳng định bởi Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri, người đã nói với CNBC trong tuần này rằng: "Châu Âu mua nhiều hơn Ấn Độ và sẽ rất ngạc nhiên nếu tình trạng này không tiếp tục”.
Bình luận của ông Puri được đưa ra trước câu hỏi về việc Ấn Độ tiếp tục mua dầu thô từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt và sự chỉ trích của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Khi được hỏi về việc liệu có bất kỳ sự e ngại nào về đạo đức khi nhập khẩu dầu từ Nga hay không, ông Puri nói: "Không, không có xung đột. Chúng có nghĩa vụ đạo đức đối với người tiêu dùng của mình. Chúng tôi với tư cách là một chính phủ được bầu cử dân chủ sẽ muốn để xảy ra tình trạng nhiên liệu bị cạn kiệt”.
Do đó, sẽ rất khó để tranh luận về quan điểm này đối với bất kỳ chính trị gia nào, đặc biệt là ở châu Âu.
Đầu tháng này, tờ Thời báo Tài chính đưa tin rằng Ủy ban châu Âu đã soạn thảo một văn bản nhằm tăng cường quyền lực đối với các doanh nghiệp châu Âu. Nếu được chấp thuận, điều này sẽ bao gồm "quyền yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ nguồn cung cấp và phá vỡ các hợp đồng giao hàng để củng cố chuỗi cung ứng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng như đại dịch COVID-19”.
Quyết định điều gì gây ra một cuộc khủng hoảng cũng sẽ là đặc quyền của Ủy ban châu Âu theo dự thảo văn kiện này. Các doanh nghiệp đã không thực sự hoan nghênh đề xuất rằng họ có thể được Ủy ban châu Âu cho biết họ sản xuất, dự trữ gì và giao dịch với ai, vì vậy, quyền hạn này vẫn còn xa thực tế. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy EU đang chuyển sang một phong cách can thiệp tập trung hơn trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
(Theo Tin tức)